Nhiều bất cập trong quản lý chợ
Kinh tế - Ngày đăng : 05:52, 14/11/2012
Những năm qua, TP Hải Dương đã nỗ lực xóa bỏ một số chợ cóc, chợ tạm, xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều chợ mới khang trang, rộng rãi và văn minh hơn.
Tuy nhiên, việc xây dựng, quản lý một số chợ ở thành phố còn nhiều bất cập.
Do khâu khảo sát nhu cầu không kỹ nên chợ Hội Đô vẫn chưa thể hoạt động
"Đem con bỏ chợ"
Hai chợ Lộ Cương và Tứ Thông, thuộc phường Tứ Minh được xây dựng từ tháng 3-2010, đi vào hoạt động từ tháng 6-2011. Chợ Lộ Cương rộng hơn 1.000 m2 với 55 ki-ốt, chợ Tứ Thông rộng hơn 1.600 m2 với 101 ki-ốt, tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 2 tỷ đồng. Hiện nay, 2 chợ này đều bỏ hoang. Do tâm lý tiện đâu mua đó nên nhiều người thích mua hàng tại các khu chợ cóc ở ngã tư của 2 khu. Việc bốc thăm, xây dựng các ki-ốt của nhiều hộ dân chưa xuất phát từ nhu cầu kinh doanh thực sự mà chỉ là “xí chỗ” đợi khi chợ hoạt động sầm uất mới đến buôn bán.
Chợ Hội Đô và chợ Thành Đông xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu mua bán của người dân ở phía đông và phía tây của thành phố. Đến nay, chợ Hội Đô vẫn “cửa đóng then cài” mặc dù cơ sở vật chất của chợ khang trang, rộng rãi và hiện đại. Chợ Thành Đông cũng chỉ có vài hộ bán hàng rau, thịt ở rìa ngoài, các ki-ốt bên trong chợ biến thành nhà để xe ô-tô. Nguyên nhân do công tác khảo sát, quy hoạch chưa kỹ, những nơi xây dựng chợ chưa hội tụ các điều kiện cần thiết. Khu đô thị mới phía tây thành phố dân cư còn thưa thớt, nhu cầu mua bán chưa nhiều nên việc xây dựng chợ Hội Đô thời điểm này chưa phù hợp.
Chợ Thành Đông thành chỗ để xe
Theo quy hoạch, chợ Ngã Ba Hàng sẽ là chợ đầu mối hoa quả lớn của thành phố nhưng hiện nay chợ đang xuống cấp, hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Cả chợ chỉ có một vài hộ thuê làm điểm trung chuyển hành, ớt.
Không bỏ hoang như một số chợ nhưng việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng các ki-ốt ở chợ Thanh Bình đang khiến nhiều hộ bức xúc. Ông Nguyễn Văn Quân ở lô số 18 cho biết: “Theo quy định trong hợp đồng giữa UBND phường Thanh Bình và chủ ki-ốt, các ki-ốt phải được sử dụng đúng mục đích, không được mua bán, chuyển nhượng, cho thuê lại. Nhưng hiện nay có khoảng 20% số ki-ốt vẫn chưa hoạt động, trong đó có nhiều ki-ốt được rao bán, cho thuê trái phép”. Khảo sát thực tế, chúng tôi thấy nhiều ki-ốt ở cả trong và ngoài chợ dán biển rao bán, cho thuê công khai. Việc rao bán, cho thuê các ki-ốt trái phép ảnh hưởng đến việc lấp đầy các ki-ốt và đưa chợ Thanh Bình đi vào hoạt động ổn định.
Cần đổi mới phương thức quản lý
Xác minh hiện tượng rao bán trái phép các ki-ốt tại chợ Thanh Bình, ông Vũ Tiến Phụng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Dương cho biết: "UBND thành phố nghiêm cấm mọi hành vi mua bán, chuyển nhượng, cho thuê lại các ki-ốt tại chợ Thanh Bình, nhưng hiện tượng này vẫn diễn ra. UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo UBND phường Thanh Bình chấn chỉnh việc này”. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Bình cũng xác nhận có hiện tượng rao bán ki-ốt nói trên và cho biết, thời gian tới, UBND phường sẽ phối hợp với Ban Quản lý chợ rà soát các ki-ốt chưa hoạt động, xử lý nghiêm các trường hợp rao bán ki-ốt theo đúng quy định trong hợp đồng”.
Đối với các chợ bỏ hoang, kinh doanh kém hiệu quả, ông Vũ Tiến Phụng cho biết: "UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu UBND các phường, Ban Quản lý các chợ tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền để đưa các chợ vào hoạt động ổn định. Trong quý IV năm nay, UBND thành phố sẽ rà soát hệ thống chợ, đánh giá, phân loại các chợ hiệu quả và không hiệu quả. Sau đó, lựa chọn thí điểm một số chợ để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. Thành phố cũng sẽ nâng cấp một số chợ như: Quang Trung, Hồ Máy Sứ… Thí điểm đổi mới mô hình quản lý chợ theo mô hình doanh nghiệp tự quản".
PV