Đẩy mạnh việc giám sát và phản biện xã hội

Tin tức - Ngày đăng : 08:33, 17/11/2012

Công tác giám sát và phản biện xã hội (GS&PBXH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống MTTQ.



Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức tập huấn về kiến thức giám sát và phản biện xã hội


Những năm qua, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các cấp và lãnh đạo các tổ chức thành viên đã tích cực tham gia hoạt động giám sát của HĐND cùng cấp, đại diện cho cử tri nêu ý kiến, kiến nghị để các cấp chính quyền giải thích, trả lời. MTTQ còn phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân giám sát việc thực thi pháp luật đối với người chấp hành hình phạt tù. Hoạt động giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCĐ) cũng được duy trì hiệu quả. Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, vào dự thảo nhiều dự án Luật trước khi trình Quốc hội thông qua... Các Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật và Hội đồng Tư vấn về kinh tế - xã hội của Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức nhiều hội nghị tham gia góp ý kiến vào dự thảo một số quyết định, quy định, dự án, đề án của UBND tỉnh có liên quan tới quyền, lợi ích và nghĩa vụ của đông đảo nhân dân trước khi ban hành và triển khai thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả.

Với sự triển khai sâu rộng, từ năm 2004 đến năm 2011, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổng hợp trên 124 nghìn lượt ý kiến qua các hội nghị tiếp xúc cử tri trình tại kỳ họp HĐND và gửi tới các cơ quan chức năng yêu cầu trả lời. Có trên 7.500 lượt vấn đề, vụ việc cử tri nêu được chính quyền các cấp và các cơ quan nhà nước trả lời. Đã có trên 20 nghìn vụ việc được Ban TTND các cấp phát hiện và kiến nghị. Trong đó, có trên 18 nghìn vụ việc được chính quyền các cấp giải quyết. Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh cũng đã tổ chức 452 hội nghị lấy ý kiến với hơn 6.400 lượt ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp; tổ chức 234 hội nghị lấy ý kiến với trên 2.100 ý kiến vào 12 dự án luật trước khi trình Quốc hội. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh chủ trì 5 hội nghị lấy ý kiến vào các dự thảo cơ chế, chính sách trước khi HĐND tỉnh quyết định. Các hội đồng tư vấn của Uỷ ban MTTQ tỉnh đã tiến hành phản biện với 3 dự thảo về cơ chế, chính sách do HĐND và UBND tỉnh quyết định, 5 đề án, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh. Đầu năm 2012, MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia vào tờ trình của UBND tỉnh trình Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh (khóa XV) về điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập và phê duyệt điều chỉnh mức thu học phí các trường công lập.


Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh trao bằng khen cho các Ban thanh tra nhân dân có thành tích xuất sắc giai đoạn 2009 - 2011


Đề án “Phát huy vai trò GS&PBXH của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội giai đoạn 2011-2015” là một trong các đề án của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Đề án đặt mục tiêu, hằng năm, MTTQ tham gia tất cả các cuộc giám sát của HĐND và các ban của HĐND các cấp; giám sát các đại biểu HĐND các cấp theo quy định của pháp luật; tổ chức lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã. Giám sát 100% số việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của chính quyền và các cơ quan nhà nước đối với các đơn thư khiếu nại, tố cáo do Ủy ban MTTQ các cấp tiếp nhận. Tổ chức giám sát đầu tư của cộng đồng đối với ít nhất 80% số công trình xây dựng kết cấu hạ tầng tại cơ sở và 100% số công trình tại các xã xây dựng nông thôn mới. Tổ chức cho nhân dân tham gia góp ý vào các dự thảo luật (khi có yêu cầu); góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020. Hằng năm, tổ chức phản biện xã hội 80% số văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành và 80% số đề án, dự án có liên quan tới quyền lợi, nghĩa vụ của đông đảo quần chúng nhân dân trước khi UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện...

Triển khai đề án từ tháng 8 đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức 18 lớp tập huấn cấp tỉnh, cấp huyện về kiến thức GS&PBXH cho hơn 5.000 cán bộ chuyên trách của MTTQ, lãnh đạo các tổ chức chính trị- xã hội, thành viên các hội đồng tư vấn của MTTQ tỉnh, cán bộ chuyên trách của MTTQ và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, cán bộ chủ chốt cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội, thành viên Ban TTND, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn, khu dân cư. Các học viên đã được tiếp cận với 4 chuyên đề: tổng quan về hoạt động GS&PBXH của MTTQ, kỹ năng và kinh nghiệm về hoạt động giám sát, hoạt động giám sát của MTTQ cấp xã, tổ chức hoạt động của Ban TTND và giám sát đầu tư cộng đồng. Việc tập huấn đã giúp các học viên nắm chắc và nâng cao kỹ năng, nội dung, phương pháp, kinh nghiệm trong hoạt động GS&PBXH; trang bị thêm kiến thức cho cán bộ làm công tác MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động GS&PBXH là yêu cầu tất yếu. Trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh cần thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động có tính chất phản biện xã hội tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; góp ý kiến vào các dự thảo cơ chế, chính sách của HĐND và UBND các cấp và một số dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan tới quyền lợi và nghĩa vụ của đông đảo quần chúng nhân dân trước khi duyệt và triển khai thực hiện. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn của Uỷ ban MTTQ các cấp, quy tụ được đội ngũ cán bộ và chuyên gia có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu. Nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp và thống nhất hoạt động giữa Ủy ban MTTQ với các tổ chức thành viên. Kiện toàn về tổ chức bộ máy của Ủy ban MTTQ theo hướng hình thành một đội ngũ cán bộ chuyên sâu trong thực hiện nhiệm vụ GS&PBXH. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ GS&PBXH của Ủy ban MTTQ các cấp.

PHẠM QUANG SẢN   
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh