Mãi mãi là nghề cao quý
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 16:35, 20/11/2012
Lịch sử giáo dục dân tộc vẫn còn lưu lại nhiều tên tuổi các thầy giáo nổi tiếng về đạo đức, khí tiết, học vấn uyên thâm, đã đào tạo, rèn luyện được nhiều lớp người thành đạt, đóng góp cho việc xây dựng đất nước trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao và văn hóa. Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn… là những người thầy tài giỏi, đức độ, được nhiều người kính trọng, lưu danh muôn thuở…
Người thầy chân chính không chỉ dạy học trò chữ nghĩa, kiến thức mà còn dạy học trò biết làm người. Thầy không những cung cấp kiến thức mà còn truyền đạt cho học sinh những cảm xúc tinh thần. Họ là những người rất coi trọng tri thức, lấy “dạy chữ, dạy người” làm lẽ sống.
Ngày nay, nền kinh tế thị trường đã tác động không nhỏ tới đời sống, đạo đức người thầy. Mỗi người thầy cần phát huy những phẩm chất cao đẹp của người thầy trong truyền thống dân tộc. Mỗi người thầy cũng luôn phải có lòng yêu nghề tha thiết, vì tương lai của thế hệ trẻ mà hành động, phấn đấu. Hành nghề vì sự nghiệp giáo dục chứ không phải vì quyền lợi vật chất. Phải luôn luôn là người coi trọng danh dự, lương tâm, giữ gìn khí tiết, xác lập vị trí của mình trong xã hội bằng tài năng và đức độ chứ không phải bằng quyền lực chính trị, bằng tiền bạc, vật chất…
Những người thầy của hôm nay và mai sau hãy tự hào với truyền thống vẻ vang của nghề mình và cùng chung sức để làm cho truyền thống đó được tiếp thêm sức mạnh, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh.
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20- 11, mong sao tất cả các thầy cô giáo sẽ luôn đủ sức khoẻ, hạnh phúc và yêu thương, với tất cả say mê, hết lòng vì học sinh thân yêu cho đến khi rời bục giảng. Dư luận cũng mong muốn xã hội tạo mọi điều kiện cần thiết để các thầy cô giáo có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp “trồng người” để nghề giáo mãi mãi là nghề cao quý nhất.
TRẦN THÔNG (Nam Định)