Thanh niên lầm lỗi khó tái hòa nhập cộng đồng

Xã hội - Ngày đăng : 07:50, 23/11/2012

Không phải người phạm tội nào sau khi trở về với cuộc sống đời thường đều hòa nhập cộng đồng mà rất nhiều trong số họ rơi vào vòng luẩn quẩn: tù - tội...



Những thanh niên phạm tội này sau khi chịu xong hình phạt của luật pháp
thường gặp nhiều khó khăn để tái hòa nhập cộng đồng


Trong những năm qua, tình hình thanh niên vi phạm pháp luật đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, không phải bất cứ người phạm tội nào sau khi trở về với cuộc sống đời thường đều có thể  hòa nhập cộng đồng.

Luẩn quẩn vòng tù - tội

Đ.V.S. ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) sinh ra và lớn lên trong một gia đình có đông anh em, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, phải nghỉ học sớm để kiếm sống. Học hành ít, không có nghề nghiệp nên ai thuê gì S. làm nấy. Công việc không ổn định, suốt ngày lông bông nên S. bị bạn bè xấu lôi kéo hút ma túy. Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, S. chuyển sang buôn bán ma túy và bị công an bắt, bị tòa tuyên án phạt cải tạo giam giữ 30 tháng. Sau khi mãn hạn trở về, để giúp S. tránh xa đám bạn xấu, gia đình chị gái tạo điều kiện cho S. đi theo thuyền buôn bán vật liệu xây dựng. Suốt ngày lênh đênh trên sông nên không có cơ hội giao du bạn bè, càng không có ma túy để tái nghiện. Nhưng do không chịu được cuộc sống lênh đênh sông nước cùng công việc nặng nhọc nên sau một thời gian  S. về mở cửa hàng cắt tóc tại nhà. Làm ăn không được, đám bạn cũ tìm đến lôi kéo, S. nghiện lại. Toàn bộ số tiền chắt góp được sau những ngày làm thuê cũng nhanh chóng hết vì ma túy, “ngựa quen đường cũ”, S. lại trở thành kẻ buôn bán ma túy. Cũng không được bao lâu, S. bị công an bắt, bị tòa án tuyên phạt 30 tháng tù giam.

Cách nhà S. không xa, M.V.Th. cũng thuộc diện khó cải tạo của địa phương và đã ra tù vào tội nhiều lần. Cũng là một con nghiện lâu năm, kinh tế gia đình chỉ ở hạng trung bình, nên để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, Th. chỉ còn cách đi trộm cắp vặt của những gia đình quanh xóm.

Theo Tòa án Nhân dân tỉnh, từ đầu năm tới nay, tòa án các cấp đã thụ lý giải quyết 1.090 vụ án hình sự, xử lý 2.230 bị cáo, trong đó gần 70 đối tượng tái phạm và tái phạm nguy hiểm. Một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ người lầm lỗi khó tái hòa nhập cộng đồng và dễ tái phạm là bản thân người phạm tội luôn mặc cảm. Họ thường xuyên sống khép kín, không nhận sự giúp đỡ từ phía người khác. Phần lớn điều kiện kinh tế của gia đình những người sau cải tạo rất khó khăn, họ không có nghề nghiệp ổn định nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo vào con đường phạm tội. Mặt khác, dư luận xã hội vẫn còn cái nhìn khá khắt khe với người từng cải tạo tại các trại giam. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp không tuyển dụng những người đã từng có tiền án, tiền sự nên họ ít có cơ hội tìm được việc làm… Anh V.V.H. hiện thường trú tại đường Nguyễn Hữu Cầu (TP Hải Dương) chia sẻ: "Do đã từng có tiền án, tiền sự nên tôi rất ngại mang hồ sơ đi xin việc dù luôn mong muốn có một công việc ổn định".

Những cách làm hay


Hội Phụ nữ (HPN) xã Hồng Lạc (Thanh Hà) là một trong những tổ chức đảm nhận việc giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng và cảm hóa, giáo dục thanh, thiếu niên hư từ nhiều năm nay. Anh N.H.T. trước đây phạm tội buôn bán ma túy, bị tòa tuyên án 18 tháng tù giam. Hơn 1 năm trước, sau khi mãn hạn tù trở về, gia đình anh T. đã được HPN xã tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi hộ nghèo để phát triển sản xuất. Bản thân anh T. sau khi trở về nhận được sự thông cảm, chia sẻ của bà con lối xóm nên chăm chỉ làm ăn. Hiện tại, khu chăn nuôi, trồng trọt của gia đình anh T. có tổng diện tích 2.160 m2, bao gồm khu chăn nuôi vịt, lợn, ao thả cá và khu vườn trồng ổi. Mỗi năm trừ chi phí gia đình anh thu lãi hơn 30 triệu đồng.

Thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh cũng luôn chủ động phối hợp tham gia cảm hoá người lầm lỗi, giúp họ cai nghiện, tái hoà nhập cộng đồng. Tỉnh đoàn đã xây dựng đội thanh niên tình nguyện "Thắp sáng niềm tin" tại 100% số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh nhằm tổ chức các hoạt động, thăm hỏi động viên, cảm hóa những người nghiện ma túy. Chỉ tính riêng 2 năm 2011 - 2012, toàn tỉnh đã tuyên truyền, vận động được 150 người đi cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện, giúp đỡ gần 200 người sau cai nghiện trở về địa phương, tái hoà nhập cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập mới và duy trì hoạt động của hơn 100 câu lạc bộ (CLB) trong khối trường như CLB bạn gái, CLB sở thích, CLB học tập, CLB bạn giúp bạn, CLB phòng, chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS; 247 CLB thanh niên, đội thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện tuyên truyền pháp luật, phòng, chống ma tuý, mại dâm, tệ nạn xã hội với gần 11 nghìn đoàn viên, thanh, thiếu nhi tham gia. Các CLB đã đưa nội dung phòng, chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS vào các buổi sinh hoạt định kỳ hằng tháng, phổ biến đến đoàn viên, hội viên và nhân dân bằng các hình thức phong phú như: giao lưu, toạ đàm, thi tiểu phẩm…

Để những người từng lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng thì điều quan trọng nhất là ý chí của chính bản thân họ. Bên cạnh đó, họ còn cần tới sự giúp đỡ thiết thực từ các tổ chức xã hội, những người thân trong gia đình. Các tổ chức như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh có thể tạo điều kiện cho họ được đi học nghề, phối hợp với các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm trong tỉnh tạo điều kiện cho họ tìm được việc làm ổn định để tự nuôi sống bản thân. Với những gia đình có người cải tạo trở về, các đoàn thể cũng cần tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tư vấn để họ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và mang lại hiệu quả. Đặc biệt, các đoàn thể cần thường xuyên phối hợp với lực lượng công an nắm bắt các đối tượng có nguy cơ phạm tội cao để nhận giáo dục, cảm hóa, tránh tình trạng để tới khi họ phải chịu hình phạt rồi mới tiếp cận, cảm hóa. Các tổ chức xã hội và ngành công an cũng cần phối hợp tăng cường tuyên truyền tới các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động cùng chung tay giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng.

TÂM PHÚC