Xây dựng nền giáo dục toàn diện
Tin tức - Ngày đăng : 07:40, 25/11/2012
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, coi trọng xây dựng nền giáo dục toàn diện của Việt Nam.
Thầy cô giáo và các em học sinh Trường Trung học Giao thông vận tải thủy bộ đón Bác về thăm
Trong Di chúc, Người căn dặn: “ Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng giáo dục nhằm đào tạo ra những con người phát triển toàn diện, do đó, chúng ta phải tiến hành giáo dục một cách chủ động, chu đáo, khoa học. Người viết: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, lao động và sản xuất”. Trong thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng ngày 31-10-1955, Người viết: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần bảo đảm cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục cho các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục tiêu giáo dục là tạo cho đất nước “những người công dân hữu ích”. Những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội và vừa "hồng", vừa "chuyên”. Đây là những nội dung rất cơ bản gắn bó chặt chẽ với nhau làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực của con người Việt Nam.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền giáo dục toàn diện phải kết hợp chặt chẽ giữa chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật. “Phải học chính trị, học văn hóa, học kỹ thuật để nâng cao hiểu biết”. Người cho rằng: “Một người không biết chữ, biết tính thì như nửa mù, nửa quáng... Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ”. Thực tế cho thấy nếu không học tập văn hóa, không có trình độ văn hóa thì không thể tiếp thu được khoa học, kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ, nếu chỉ học văn hoá, khoa học, kỹ thuật mà không học chính trị thì như “Người nhắm mắt mà đi”. Cho nên trong việc học tập chính trị thì cần coi trọng các bộ môn lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất, khoa học nhất và là đỉnh cao của trí tuệ loài người. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng là nền tảng, là định hướng nhằm giáo dục con người mới Việt Nam một cách toàn diện cả trong nhận thức và hành động. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa Mác - Lênin soi phương hướng, đường lối cho chúng ta đi. Có phương hướng đúng thì làm việc mới đúng”. Thông qua việc học tập lý luận Mác - Lênin cần nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng đúng đắn, phát triển sáng tạo vào trong hoạt động thực tiễn ở con người Việt Nam một cách toàn diện với một thế giới quan và nhân sinh quan mang tính cách mạng và khoa học.
Giáo dục toàn diện theo Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bao gồm: thể dục, trí dục, mỹ dục, đức dục. Người cho rằng: “Thể dục để làm cho thân thể khỏe mạnh, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung; trí dục giúp ôn lại những điều đã học, học thêm tri thức mới; mỹ dục biết phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp; đức dục là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, nhắc nhở trong quá trình giáo dục phải luôn chú trọng kết hợp: “học với hành” “lý luận gắn liền với thực tiễn”. Người chỉ rõ: Lý luận phải đem ra thực hành, thực hành phải theo lý luận. Học và hành phải đi đôi gắn bó chặt chẽ với nhau; học mà không hành, không áp dụng vào thực tế cuộc sống thì chẳng khác nào chiếc hòm đựng đầy sách không có ý nghĩa gì; ngược lại hành mà không học thì hành không trôi chảy đôi khi bị thất bại hoặc hiệu quả, chất lượng công việc thấp kém. Người chỉ rõ: “Không nên đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu, cụ Mác nói thế này, cụ Lê nin nói thế kia, nhưng nhiệm vụ của mình được giao quét nhà lại để cho nhà đầy rác”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phương thức giáo dục này sẽ khắc phục được sự hạn chế, phiến diện của việc học suông, học gạo, học vẹt; học mà không hành chỉ biết lý luận mà không thực hành là “ Trí thức một nửa”.
Xuất phát từ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng giáo dục là sự nghiệp của toàn dân và mang tính nhân dân sâu sắc. Cho nên phải vận động, tập hợp, tổ chức nhân dân tham gia. Theo Người chỉ khi nào nhà trường, gia đình và xã hội cùng nhau phụ trách việc giáo dục thì kết quả của sự nghiệp này mới đạt hiệu quả. Người căn dặn: Phải làm cho mọi người "Thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới".
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, học được xác định với mục tiêu rõ ràng, trên cơ sở đó tìm cách đào sâu suy nghĩ chọn lọc, kế thừa. Học không biết mỏi, học suốt đời, còn sống còn phải học. Chính cuộc đời Người là một tấm gương lớn về tự học. Người đã khẳng định rất sớm: "Không phải có thầy thì học, thầy không đến thì đùa. Phải biết tự động học tập".
Để vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục toàn diện, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, xây dựng đội ngũ giáo viên có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn cao. Người thầy không những phải nắm vững về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải nắm chắc thực tiễn của đất nước, biết vận dụng giữa lý luận vào thực tiễn, biết nhận diện, phê phán những biểu hiện tiêu cực trong xã hội. Người thầy phải là người luôn gương mẫu về tư cách về đạo đức, về tấm gương rèn luyện, phấn đấu cho lý tưởng cộng sản. Có như vậy bài giảng của người thầy mới mang tính thuyết phục cao. Đội ngũ giáo viên phải được đào tạo, tự đào tạo, bồi dưỡng một cách thường xuyên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy.
Thứ hai, cần đẩy mạnh cải tiến phương pháp giảng dạy. Ngoài các phương pháp giảng dạy truyền thống còn thích hợp, chúng ta cần mạnh dạn áp dụng những phương pháp giảng dạy mới, tích cực hơn như: hội thảo, phương pháp nêu tình huống, mô hình hóa...
Thứ ba, trong tăng cường công tác quản lý giáo dục, các nhà trường cần có nhiều biện pháp đổi mới phương pháp đào tạo như: tăng cường kiểm tra, dự giờ giảng của giảng viên, quản lý thật tốt phương pháp tự học của người học; rà soát, kiểm tra chương trình, nội dung đào tạo, đồng thời phải kết hợp đổi mới phương pháp thi cử tiên tiến nhằm kích thích tư duy sáng tạo, khích lệ người học có những suy nghĩ, trăn trở trước những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, từ đó mạnh dạn đề xuất các hướng giải quyết một cách chủ động, tích cực, sáng tạo. Chỉ có như vậy mỗi lần viết luận án, luận văn, tiểu luận, thi hết học phần của môn học mới đạt hiệu quả cao, mới giải quyết được những vấn đề của thực tiễn đang đặt ra.
VŨ QUANG ÁNH