Người vợ thương binh nặng giàu nghị lực

Việc tử tế - Ngày đăng : 08:30, 29/11/2012

Cô Nguyễn Thị Bình, ở xã Tuấn Hưng (Kim Thành) đã tần tảo sớm khuya, làm nhiều công việc khác nhau để nuôi 3 con và chồng là thương binh hạng 1/4.



Cô Nguyễn Thị Bình bên chồng và cháu nội


Cách đây 2 năm, người dân khu vực ga Phạm Xá, xã Tuấn Hưng (Kim Thành) vẫn thấy một người phụ nữ cứ chiều tối lại tất tả chuẩn bị cho một buổi kinh doanh ốc luộc phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng. Đó chỉ là một trong rất nhiều việc mà cô Nguyễn Thị Bình, 57 tuổi, ở thôn Bùng Dựa, xã Tuấn Hưng đã từng làm để kiếm thêm thu nhập nuôi 3 con và chồng là thương binh hạng 1/4.

Năm 1969, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chú Trần Văn Hữu (chồng cô Bình) đã lên đường nhập ngũ vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Mãi đến năm 1976, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc gần 1 năm, chú Hữu mới xuất ngũ trở về địa phương. Cuối năm đó, chú kết hôn với cô Bình. Một năm sau, vợ chồng cô chú đã sinh con trai đầu lòng Trần Văn Hải. Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, năm 1978, khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, chú Hữu tiếp tục tái ngũ. Mùa xuân năm 1979, trong một trận chiến đấu ở Lộc Bình (Lạng Sơn), chú Hữu bị thương nặng với chứng nhận thương tật hạng 1/4, vĩnh viễn mất đi 91% sức khỏe, hai chân bị liệt. Cô Bình kể: "Khi ấy, tôi đang nuôi con nhỏ gần 2 tuổi lại đang có thai cháu thứ 2 nên mọi người trong gia đình giấu. Nhưng cuối cùng tôi vẫn biết và một mình lặn lội lên Bệnh viện 103 ở Hà Đông thăm anh ấy. Nhìn anh ấy bị thương nặng, tôi không cầm được nước mắt, òa lên khóc. Sau đó trấn tĩnh lại, tôi chỉ biết động viên chồng yên tâm chữa trị vết thương"... Sau đó khoảng 5 tháng thì cô Bình sinh cháu trai thứ 2 Trần Văn Quân. Từ đây, cuộc sống của 3 mẹ con chỉ biết trông chờ vào sự nỗ lực, cố gắng của cô Bình. Suốt từ năm 1979 - 1985, chú Hữu phải nằm điều trị tại Bệnh viện 103 và về trại an dưỡng ở tỉnh Hà Nam.

Thời bao cấp, những đồng phụ cấp thương tật ít ỏi của chồng cũng chỉ đủ đong vài chục kg gạo nên đời sống của cả gia đình cô hết sức khó khăn. Gia đình nội ngoại 2 bên lại nghèo nên cũng chẳng ai giúp được gì. Cô Bình kể: "Để có thêm thu nhập, cứ mỗi buổi chiều tôi lại gánh đôi thúng đi đong thóc ở các làng quê lân cận. Đêm đến, khi 2 con đã ngủ, tôi lại một mình xay thóc, giã gạo để đến sáng đem ra chợ bán. Những ngày phải đi cấy, đi gặt thì không có thời gian để chạy chợ. Được cái ngày ấy tôi chẳng bao giờ ốm cả". Ngoài việc nuôi 2 con nhỏ, thi thoảng cô lại phải lặn lội đưa con vào Hà Nam thăm chồng. Năm 1984, cô sinh thêm cậu con trai thứ 3 là Trần Văn Quyền. Vui thì có vui nhưng cuộc sống của 4 mẹ con lại càng thêm vất vả. Đến mãi năm 1985, chú Hữu mới được về nhà sống cùng vợ con. Đôi chân đã liệt, nên muốn đi lại được, chú phải nhờ đến chiếc xe lăn. Nhiều hôm ốm, muốn đi lại cho khuây khỏa, chú lại phải nhờ cô cho lên chiếc xe lăn để đi thăm bà con hàng xóm. Thấy vợ, con vất vả, nhiều khi chú Hữu muốn giúp nhưng "lực bất tòng tâm". Chú Hữu kể: "Có lần giúp vợ nấu nồi cơm, loay hoay thế nào tôi bị lửa cháy cả vào quần. Từ đó, vợ tôi không cho tôi làm việc gì nữa". Hết bao cấp, được chia 6 sào ruộng, cô Bình lại nhận thêm 6 sào ruộng công điền nữa để cấy. Nhiều hôm cấy ở ngoài đồng nắng quá mọi người lên bờ nghỉ trú nắng nhưng cô Bình vẫn cặm cụi cấy. Có người bảo cô: "Nghỉ tay trú nắng chứ cứ cấy như thế thì chết à", nhưng cô cứ mặc kệ, bởi nếu nghỉ thì cấy bao giờ mới xong ngần ấy ruộng. Không chỉ vất vả ở đồng ruộng, khi về nhà, cô lại phải cơm nước cho chồng, con. Mỗi khi trái gió, trở trời, vết thương cũ của chú Hữu tái phát, cô lại phải nhờ ông bà trông giúp con nhỏ để đưa chồng đi viện, mỗi lần như thế cũng mất gần tháng trời. Suốt từ năm 1985 - 2003, năm nào may mắn thì một lần, có năm đến  3 lần cô phải đưa chồng đi viện. Vất vả như thế nhưng người trong xóm ngoài làng không bao giờ thấy cô kêu ca. Cô Bình chia sẻ: "Tôi chẳng có thời gian để mà than thở. Tôi chỉ mong chồng tôi khỏe mạnh, sống lâu với vợ con để các cháu có chỗ dựa mà trưởng thành".  Sau này, khi không làm hàng xáo, để có thu nhập cho 3 con ăn học, cô Bình lại cùng với chị gái bán lân, đạm, cám ở ngoài chợ, rồi bán ốc luộc ở ga Phạm Xá...

Vất vả suốt mấy chục năm, cũng may các con của cô Bình và chú Hữu đều ngoan ngoãn học giỏi. Cả 3 người con đều đỗ vào các trường cao đẳng: Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Lao động, Thương binh, Xã hội, Công nghệ thông tin và nay đã tốt nghiệp đi làm. Con cái trưởng thành cùng với sự chăm sóc ân cần suốt hơn 30 năm qua của người vợ hiền thực sự là liều thuốc tinh thần lớn giúp người thương binh nặng Trần Văn Hữu sống khỏe hơn.

VŨ ÚY