Văn nghệ vì quần chúng

Tin tức - Ngày đăng : 16:27, 01/12/2012

50 năm trước, ngày 1-12-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III.


Tại Đại hội, Bác nhấn mạnh: "Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau".

Sinh thời, Bác Hồ luôn xem văn nghệ là một hoạt động tinh thần phong phú và phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng. Bởi, văn nghệ là hình ảnh của cốt cách, tâm hồn, đặc tính của dân tộc. Người cho rằng, dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng.

Bác ân cần căn dặn: “Văn nghệ sĩ phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn. Phải thật sự hoà mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp, phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ, thêm xuân”. Đối với những hiện tượng xấu trong xã hội, văn nghệ cũng phải phê bình, lên án nghiêm khắc. Nhưng khen hay là chê đều phải đúng mức. Bác mong các văn nghệ sĩ: đồng lòng chung sức xây dựng văn nghệ của ta ngày càng phong phú về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần xứng đáng với cả dân tộc đang anh dũng xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và thống nhất. Văn nghệ không chỉ phản ánh những gì trong thực tiễn mà còn hướng nhân dân tới chân - thiện - mỹ, loại bỏ cái giả dối, cái ác, cái sai, đem lại những chuyển biến tích cực trong tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của quần chúng.

Với Bác Hồ, nhân dân là đối tượng tiếp nhận tác phẩm văn nghệ. Trước kia, nhân dân còn ít có điều kiện học hành nhưng trải qua những giai đoạn phát triển của cách mạng, trình độ văn hóa của nhân dân đã được nâng cao. Người nghệ sĩ phải hiểu rõ mong ước và thị hiếu của nhân dân đối với văn nghệ.  Vì vậy, Bác yêu cầu những người làm công tác văn nghệ phải có sáng tác: “những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ đến nay vẫn là ánh sáng soi đường cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Để làm tròn nhiệm vụ của mình, các chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng, nói tóm lại là phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

HOÀNG YẾN(biên soạn)