Về hưu
Đời sống - Ngày đăng : 13:19, 02/12/2012
Ông Hoà hơn bà Lan năm tuổi nên ông bà về nghỉ hưu cùng một lúc. Sau mấy chục năm công tác vất vả, giờ là lúc ông bà được hưởng thụ cuộc sống tuổi già.
Ông Hoà hơn bà Lan năm tuổi nên ông bà về nghỉ hưu cùng một lúc. Sau mấy chục năm công tác vất vả, giờ là lúc ông bà được nghỉ ngơi, hưởng thụ cuộc sống an nhàn với những thú vui của tuổi già. Mấy ông bạn hàng xóm của ông Hoà đã nghỉ hưu được vài năm rồi thì phàn nàn: “Về hưu buồn lắm, vẫn còn khoẻ mạnh mà chả biết làm gì, cứ ra ra vào vào mãi mới hết ngày”. Ông Hoà chép miệng: “Thì cũng phải nghỉ ngơi chứ. Mình cống hiến nhiều rồi nay phải hưởng thụ một chút các ông ạ”. Bà Lan thì đề xuất: “Xóm mình sẽ thành lập câu lạc bộ những người về hưu, cùng nhau đi bộ, tập dưỡng sinh, chơi cờ... thế thì buồn làm sao được”. Không ngờ, sau khi về hưu, mấy tháng liền, ông Hoà và bà Lan phải sống trong tâm trạng hụt hẫng, cảm giác như người thừa vì thấy mình quá nhàn rỗi.
Đùng một cái, anh con trai lớn của ông Hoà đòi cưới vợ. Cô con gái thứ hai của ông bà cũng xin phép được “lên xe hoa”. Thế là trong một năm, vợ chồng ông Hoà lo tổ chức hai đám cưới cho con. Ông Hoà mệt lắm nhưng lại tự an ủi: “Trai lớn cưới vợ, gái lớn gả chồng, đó là quy luật rồi, tránh làm sao được, mình không lo trước thì cũng phải lo sau”. Nhưng có phải cha mẹ nào cũng lo dựng vợ, gả chồng cho các con xong là thảnh thơi, nhàn hạ đâu. Chưa đầy một năm sau, con dâu và con gái ông Hoà lại cùng đẻ một lúc. Đứa nào cũng viện cớ ông bà đã nghỉ hưu, không có việc gì làm nên phó mặc cho ông bà trông nom các cháu. Thế là tự dưng ông bà phải sống xa nhau, ông trông cháu nội tại nhà mình còn bà sang nhà con gái để trông cháu ngoại. Trong bụng, cả ông Hoà và bà Lan đều không đồng ý nhưng nói ra lại sợ các con cười cho vì chúng vốn vô tâm, cứ nghĩ ông bà già rồi không cần bên nhau như vợ chồng trẻ.
Thi thoảng ông Hoà và bà Lan mới được “đoàn tụ”. Những khi ấy, hai ông bà thi nhau trút bầu tâm sự. Ông phàn nàn với bà: “Tưởng về hưu là được nghỉ ngơi, nào ngờ còn mệt hơn hồi đi làm. Trông cháu cũng vui nhưng trông một chốc một lát thôi, chứ đằng này vợ chồng nó để mặc tôi đánh vật với thằng bé từ sáng đến tối, vừa thay tã lót, vừa pha sữa cho nó bú, lại tự biên tự diễn việc nhà cửa, cơm nước. Người tôi lúc nào cũng bốc mùi khai khú. Chẳng còn lúc nào để đi chơi cờ, hay tập thể thao nữa”. Bà Lan được thể trút bầu tâm sự: “Ông tưởng tôi sướng lắm à? Ngày xưa tôi nuôi con cũng không vất vả như nuôi cháu bây giờ. Con bé có cái tật hay trớ, mẹ nó cũng chả dám cho ăn, toàn đùn cho bà ngoại thôi. Tôi bây giờ thành bà mọn rồi”. Ông Hoà vẫn còn bức xúc lắm nên lại tiếp tục kể: “Được nghỉ ngày thứ bảy, chủ nhật, vợ chồng nó cũng để mặc tôi với thằng bé, chúng rủ nhau đi siêu thị, đi liên hoan. Nhiều hôm con dâu bà còn không thèm mua đồ ăn cho hai ông cháu tôi nữa kia. Mình có phải là ôsin không công cho chúng nó đâu”. Bà Lan hậm hực: “Tôi chỉ trông hộ đến khi con bé được một tuổi thôi, ở nhà con rể mãi cũng không được, nó lại tưởng mình ăn thưởng ăn phạt gì nhà nó”.
Bà Lan nói thế thôi chứ bà không thực hiện được như dự định vì cháu ngoại bà chưa đầy một tuổi thì mẹ nó lại “vỡ kế hoạch”. Nghe con gái thỏ thẻ, bà Lan lại mủi lòng: “Bố mẹ nghỉ hưu rồi, có việc gì làm đâu. Mẹ cứ trông cháu giúp chúng con. Chúng con cũng chỉ đẻ lần này nữa thôi”. Bà Lan đành ở lại với vợ chồng người con gái. Cho đến một hôm, hàng xóm nhà bà gọi điện báo tin: “Bà về ngay, ông Hoà bị ngã cầu thang”. Bà Lan cuống cuồng, không đợi con gái và con rể đưa về, bà bắt tắc-xi, bế cả hai đứa cháu ngoại về theo. May mà hàng xóm nghe tiếng khóc thét của thằng bé - cháu nội ông Hoà nên họ chạy sang ngay. Thì ra ông Hoà bị huyết áp cao, vừa bế cháu vừa xách thùng quần áo lên sân thượng để phơi, hoa mắt, chóng mặt nên ngã lăn đùng ra giữa cầu thang. Ông Hoà được hàng xóm đưa đi bệnh viện cấp cứu còn thằng cháu đích tôn thì may mắn chỉ bị bươu đầu.
Sau đợt điều trị dài ngày ở bệnh viện, ông Hoà đi lại được bình thường. Bác sĩ cảnh báo: “Nếu không cẩn thận thì ông Hoà rất dễ bị tai biến mạch máu não, phải có chế độ ăn uống, tập luyện thể thao và chăm sóc cẩn thận thì ông mới sống thọ được”. Bà Lan nghe thế bèn giao trả hai đứa cháu ngoại cho con gái và con rể, đồng thời tuyên bố với các con: “Con nuôi cha cũng không bằng bà nuôi ông. Bệnh tình của bố con như thế nên các con tự lo liệu việc trông nom, nuôi dạy các cháu. Bố mẹ chỉ hỗ trợ một phần nào thôi. Nếu các con thấy khó khăn quá, bố mẹ sẽ cho tiền để các con thuê người bế cháu”. Các con bà nghe vậy đều im lặng, không ai dám có ý kiến gì.
Từ đó, bà Lan không phải đi bế cháu ngoại nữa mà ngày ngày ở nhà chăm sóc ông Hoà chu đáo. Sáng sáng, hai ông bà tập dưỡng sinh đều đặn, thấy người khoẻ hẳn ra. Cô con dâu của ông bà cũng chăm chỉ hơn, không về muộn, không đi liên hoan nhiều như trước. Ngày chủ nhật hằng tuần, các cháu nội, cháu ngoại lại quây quần bên ông bà thật vui vẻ. Bây giờ ông Hoà và bà Lan mới thấy ý nghĩa cuộc sống khi về hưu.
TRẦN THỊ LÀNH