Nhức nhối khai thác cát trái phép tại Hải Dương

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 17:00, 02/12/2012

Những mảnh ruộng ven đê, chân đê thậm chí cả con đê bao lần lượt bị dòng sông nuốt chửng đó là một trong những hậu quả nghiêm trọng của nạn khai thác cát trái phép.



Lực lượng chức năng bắt giữ tàu HD 1026 (ngoài cùng) khai thác trái phép trên sông Luộc
(đoạn qua thôn An Thổ, xã Nguyên Giáp, Tứ Kỳ). Ảnh: tư liệu


Lộng hành “cát tặc”

Hải Dương là tỉnh có nhiều dòng sông đi qua như Kinh Thầy, Thái Bình, Kinh Môn, đây là một trong những địa điểm lý tưởng cho “cát tặc” lộng hành. Khai thác cát trái phép ngang nhiên trên các dòng sông đã và đang khiến dư luận bức xúc. Hậu quả của khai thác cát trái phép không chỉ gây ô nhiễm và thay đổi dòng chảy, làm ảnh hưởng đến luồng chạy tàu mà nghiêm trọng hơn, “cát tặc” cùng việc khai thác, tập kết, trung chuyển cát, sỏi đã uy hiếp nghiêm trọng đến sự an toàn của hệ thống đê điều và công tác phòng, chống lụt. Nhiều công trình dọc theo các tuyến sông như: Kinh Môn, Kinh Thầy, Thái Bình, hoạt động khai thác cát, sỏi đã làm hư hại nhiều công trình kè, thay đổi dòng chảy, làm sạt lở nhiều diện tích đất canh tác ven sông. Một số hệ thống phao báo hiệu đã bị trôi, biển báo hiệu đã bị nghiêng hoặc đổ sập khiến công tác tu bổ gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, hàng nghìn ha diện tích đất nông nghiệp ven sông tại một số địa phương như: Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Kim Thành, Kinh Môn…. cũng bị dòng sông nuốt chửng làm ảnh hưởng đến hoạt động canh tác và đời sống mà con nông dân, gây nên những bức xúc trong dư luận... Theo như một báo cáo gần đây nhất của Ban chỉ đạo Phòng, chống khai thác cát trái phép lòng sông Hải Dương: Nhiều phương tiện khai thác gần bờ gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống đê, kè như khu vực: ngã ba Kèo (sông Kinh Thầy) thuộc địa phận thị xã Chí Linh, sông Thái Bình thuộc huyện Cẩm Giàng, xã Thanh Hải thuộc huyện Thanh Hà, xã Đại Đồng ở huyện Tứ Kỳ, khu vực sông Luộc. Việc khai thác cát trái phép đã làm sạt lở khoảng 14,6 ha đất bãi sông….Mới đây nhất, theo phản ánh của người dân thì việc khai thác cát trái phép đã khiến gần 40m của đê bối ngăn nước sông Văn Úc thuộc xã Vĩnh Lập, huyện Thanh Hà tràn vào đồng ruộng đã bị sạt vào ngày 16-10 khiến nhiều diện tích lúa, vải của người dân bị trôi xuống sông... Hiện nhiều diện tích bãi bồi đã bị dòng sông “nuốt chửng”, nước sông đã tràn vào sát chân ruộng khiến một số diện tích lúa bị đổ. Sự cố sạt lở để cũng đang đe dọa trực tiếp đến hơn 40 mẫu ruộng đang gần đến ngày thu hoạch của người dân thôn Tú Y.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép rất khó dẹp bỏ và ngày càng gây bức xúc trong dư luận là bởi chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, một chiếc thuyền loại vừa, với công suất hút cát trung bình, có thể “móc” từ dưới lòng sông lên khoảng 200m3 đến 300 m3 cát. Chi phí dành cho 1m3 cát khi khai thác trái phép thấp nhưng khi cập bến, bán đến tay người tiêu dùng có thể kiếm lời gấp 3-4 lần. Đầu tư ít, lợi nhuận cao nên những đối tượng khai thác cát trái phép rất manh động và liều lĩnh. Cát từ đáy sông được đưa lên đổ trực tiếp vào khoang thuyền vừa để tận thu cát lại vừa dễ dàng và nhanh chóng rút lui cũng như chạy trốn nếu bị người dân và các cơ quan chức năng phát hiện. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, đối tượng vi phạm sẵn sàng chống đối hoặc sẵn sàng nộp phạt rồi sau đó lại ngang nhiên tái phạm bởi luôn có những thế lực đứng đằng sau bao che; nhiều đối tượng còn chống đối, không xuất trình giấy tờ, đóng cửa tàu không cho lực lượng chức năng vào tàu kiểm tra…. Và cứ thế, “cát tặc” vẫn cứ ngang nhiên lộng hành trước sự bất lực của các cấp chính quyền. Ngay cả khi có đầy đủ lực lượng chức năng ở trên bờ thì “cát tặc” vẫn ngang nhiên hoạt động dưới sông và chỉ khi có lực lượng liên ngành với đầy đủ phương tiện, công cụ hỗ trợ thì mới ngăn cản được. Và phương tiện chỉ dừng lại khi biết có sự can thiệp của lực lượng liên ngành với đầy đủ phương tiện và công cụ hỗ trợ. Thực tế này đã khiến nhiều địa phương có tâm lý e ngại xử lý phương tiện tàu, thuyền khai thác cát trái phép….

Liệu có phải đá ném ao bèo!?

Trước thực trạng việc khai thác, tập kết vận chuyển, mua, bán cát trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng gây mất an ninh trật tự ở địa phương, mới đây, Hải Dương đã triển khai tháng cao điểm phòng, chống khai thác cát trái phép trên địa nhằm chấn chỉnh, lập lại trật tự việc khai thác, tập kết cát sỏi, nguyên vật liệu xây dựng đúng nơi, đúng chỗ, đúng quy định. Đồng thời, xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình trây ỳ, vi phạm. Hải Dương cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống khai thác cát trái phép do đích thân Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và Ban chỉ đạo các địa phương do Chủ tịch UBND địa phương đó làm trưởng ban. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương giao cho chính quyền các địa phương tập trung thành lập các đoàn liên ngành để tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Lãnh đạo tỉnh cũng giao cho các đoàn liên ngành nếu phát hiện các tàu vi phạm mà bỏ chạy thì phải truy đuổi đến cùng để xử lý thật nghiêm.

Tỉnh Hải Dương cũng quyết định trích 100% số tiền xử phạt để tăng cường chức năng, khả năng tài chính cho các lực lượng làm công tác thanh kiểm tra, xử phạt các đối tượng khai thác cát trái phép. Tỉnh Hải Dương cũng chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với lực lượng công an tăng cường kiểm tra đăng ký, đăng kiểm của các phương tiện thuỷ hoạt động trên sông; nếu phát hiện khai thác cát trái phép thì phải xử lý nghiêm, thu hồi giấy phép hoạt động. Hải Dương chỉ đạo chính quyền các cấp tăng cường rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra việc thu mua cát của các chủ bến bãi, nếu không mua từ nguồn hợp pháp có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc thì phải xử lý thật nghiêm, để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép từ gốc.

Tuy nhiên, trước thực trạng hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn còn trên 200 bến chứa vật liệu xây dựng, trong đó chỉ có 44 bến bãi có giấy tờ hợp lệ. Do đó việc thu gom, mua bán cát trái phép rất khó kiểm soát, xử lý vi phạm… Lãnh đạo tỉnh cũng thẳng thắn thừa nhận do khai thác cát đem lại lợi nhuận lớn nên vẫn có quá nhiều hiện tượng khai thác cát trái phép ngang nhiên, nhiều bến bãi không có phép vẫn hoạt động bình thường. Công tác xử lý cũng gặp nhiều khó khăn bởi nhiều đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh để thực hiện việc khai thác cát trái phép rồi chuyển bỏ chạy sang địa bàn khác. Việc xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép còn chưa nghiêm; vẫn còn hiện tượng người dân bán đất cho các đối tượng để thành lập các bến bãi trái phép. “Việc kiểm tra đăng ký, đăng kiểm cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi nhiều khi lực lượng chức năng đến kiểm tra thì chủ tàu thường trốn tránh để lại một người trông tàu và khi hỏi gì thì bảo cũng không biết” ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Dương chia sẻ

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương thẳng thắn: “Khai thác cát theo qui hoạch và chịu sự quản lí trực tiếp của các cơ quan chức năng phục vụ cho nhu cầu san lấp và xây dựng là cần thiết. Khai thác cát không những nạo vét được dòng chảy mà còn tận thu được nguồn khoáng sản phục vụ cho nhu cầu phát triển”. Tuy nhiên, do lợi nhuận cao, do không phải nộp bất kì một khoản nghĩa vụ nào cho ngân sách nhà nước và do sự buông lỏng trong công tác quản lý nên tình trạng khai thác cát trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra với mức độ và diễn biến ngày một phức tạp.

Trong cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các xã, phường, thị trấn có bến bãi, dòng sông đi qua, tổ chức vào ngày 2-11 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Nguyễn Mạnh Hiển đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý nghiêm để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trong năm 2013. Và để làm được điều này, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, các cơ quan chức năng Hải Dương phải xử lý được tận gốc việc các bến bãi chứa vật liệu xây dựng hoạt động trái phép, các chủ bến bãi phải ký cam kết không thu mua cát không có nguồn gốc và nếu phát hiện được thì cần xử lý thật nghiêm. Cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng với chính quyền các địa phương và phối hợp giữa các địa phương với nhau thì việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép không phải chỉ là việc “ném đá ao bèo”.

MẠNH TÚ(TTXVN)