Máy bay B52 suýt "tuyệt chủng" trên bầu trời Hà Nội
Tin tức - Ngày đăng : 21:29, 07/12/2012
Sự việc trên khiến báo chí phương Tây nhận định chua cay: "Cứ với tốc độ này, chỉ 3 tháng nữa B52 sẽ bị tuyệt chủng".
Tháng 4-1972, Mỹ phát động trở lại cuộc chiến tranh phá hoại hòng bóp nghẹt miền Bắc Việt Nam. Mật danh của chiến dịch được đặt là Linebacker I. Trong cuộc chiến bằng không quân và hải quân của Mỹ được tái khởi động, Hà Nội, Hải Phòng và các đô thị lớn khác ở miền Bắc là các mục tiêu chính. Cường độ cũng như mật độ số lần đánh phá những mục tiêu này luôn ở mức cao.
Những hố bom sau đợt rải thảm của B52 |
Những ngày cuối năm 1972, đỉnh cao của những cố gắng duy trì "thế mạnh" trên bàn thương lượng của Mỹ là "Cuộc ném bom mùa Giáng sinh" - đã được chuẩn bị kế hoạch từ trước với mật danh Linebacker II. Bắt đầu chiến dịch này, ngay đêm đầu tiên (18/12/1972), không lực Mỹ đã huy động tới 90 lần mỗi chiếc B52 và 163 lần mỗi chiếc máy bay chiến thuật, tập kích liên tiếp vào các mục tiêu trọng yếu của Hà Nội như sân bay Nội Bài, Gia Lâm, đài phát thanh Mễ Trì, ga Đông Anh... và đặc biệt là Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân, Sở chỉ huy Sư đoàn phòng không 361.
Trong cuộc đụng độ lịch sử với B52 trên bầu trời Hà Nội, một trong những lực lượng có vai trò rất quan trọng là radar. Với những bài học kinh nghiệm đúc rút từ khắp các chiến trường, từ nhiều trận đánh với B52 trước đây, lực lượng radar đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát hiện sớm mục tiêu.
19h10 tối 18/12/1972, Đại đội radar 45, Trung đoàn 291 thông báo sớm 35 phút trước khi B52 vào đánh phá Hà Nội. Đây là khoảng thời gian vô cùng quý giá để các Tiểu đoàn tên lửa chủ động đón hướng và quyết định thời cơ phóng đạn. Lúc 20h13, kíp chiến đấu Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 261 đã phóng đạn tiêu diệt mục tiêu. Chiếc B52 đầu tiên trúng đạn bùng cháy sáng rực trên bầu trời Hà Nội, như một pháo đài khổng lồ lao xuống cánh đồng Chuôm (xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Kết thúc ngày đầu tiên của "Điện Biên phủ trên không", bộ đội tên lửa đã tiêu diệt 3 máy bay B52.
Trong giai đoạn I của chiến dịch Linebacker II, máy bay Mỹ đã liên tục đánh phá Hà Nội trong 6 ngày, 7 đêm; trút hàng ngàn tấn bom đạn xuống mảnh đất từng được mệnh danh là "Thăng Long phi chiến địa". Với hoả lực phòng không hiệu quả của Việt Nam, kẻ thù đã phải chịu những tổn thất nặng nề với 52 máy bay bị bắn rơi, trong đó có 18 chiếc B52.
Bước vào giai đoạn II, từ đêm 26/12/1972, Mỹ huy động 105 máy bay B52 và 100 máy bay chiến thuật yểm trợ, đánh ồ ạt từ nhiều hướng vào nhiều mục tiêu khác nhau ở Hà Nội, Hải Phòng. Không chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự, chính trị, B52 còn ném bom "rải thảm" vào các khu dân cư đông đúc ở Hà Nội như Khâm Thiên, An Dương, làm chết rất nhiều người.
Rút kinh nghiệm đợt I, chúng thay đổi thủ đoạn, chiến thuật, thay đổi đường bay, tăng cường gây nhiễu, phóng bom tạo thành những "đám mây nhiễu kim loại" bao phủ bầu trời nhằm che mắt hệ thống radar... Tuy nhiên, ngay trong đêm 26/12, đã có 18 máy bay Mỹ bị tiêu diệt, trong đó có 8 B52 (có 4 chiếc rơi tại chỗ)... Thực trạng trên khiến báo chí phương Tây nhận định chua cay: "Cứ với tốc độ này, chỉ 3 tháng nữa B52 sẽ bị tuyệt chủng!".
Xác một B52 bị hạ gục trên bầu trời Hà Nội |
Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Mỹ đã sử dụng 741 lượt B52 để trút xuống Hải Phòng và Hà Nội hơn 20.000 tấn bom hủy diệt các mục tiêu dân sự: bệnh viện, khu dân cư, trường học... Tội ác này đã phải trả giá đắt. Mỹ thiệt hại 81 máy bay, trong đó có 34 "pháo đài bay" B52, 5 "cánh cụp cánh xòe" F 111; 43 phi công Mỹ bị bắt sống... Nếu tiếp tục mức độ tổn thất như 12 ngày đêm cuối tháng 12 trên bầu trời Hà Nội, Mỹ sẽ hết máy bay chiến lược B52 trong vài tháng. Trầm trọng hơn là tổn thất to lớn về lực lượng phi công lái B52 - thứ còn khó thay thế hơn B52.
Mức độ B52 bị tiêu diệt đạt 17,6% (34/193 chiếc B52 của Mỹ huy động vào chiến dịch; Mỹ có tổng số 400 B52 thời điểm đó) - vượt xa mức Nhà trắng có thể chấp nhận được, buộc Mỹ phải chấm dứt cuộc tập kích chiến lược và trở lại Hội nghị Paris... Gần 1 tháng sau, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, mở ra một giai đoạn mới cho sự nghiệp thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.
Máy bay chiến lược B52, vốn được mệnh danh là "Siêu pháo đài bay"; cao hơn 12 mét, dài hơn 49 mét, sải cánh hơn 56 mét và nặng trên 200 tấn. Một chiếc B52 có thể mang 30 tấn bom, bay cao 20 km và liên tục 20.000 km, không cần tiếp nhiên liệu. Với những tính năng ưu việt và được đội hình máy bay tiêm kích, máy bay gây nhiễu điện tử dày đặc bảo vệ, B52 là "con quái vật" rất khó bị tiêu diệt... Song, trong 12 ngày đêm kiên cường chiến đấu, quân và dân thủ đô đã đập tan cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ. Tổng số 81 máy bay Mỹ trong đó có 34 chiếc B52, 5 chiếc F111A, 21 chiếc F4C-E... đã tan xác trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng...; hàng trăm giặc lái bị tiêu diệt hoặc bị bắt sống. |
Theo An ninh Thủ đô