Trung Quốc ngày càng hiếu chiến
Bình luận - Ngày đăng : 13:01, 08/12/2012
|
Ngày 6-12, Tân Hoa xã đưa tin, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc đối thoại với các chuyên gia nước ngoài ở Bắc Kinh. Trong cuộc gặp, ông Tập cho biết, Trung Quốc đang theo con đường phát triển hòa bình và sẽ không trở thành mối đe dọa với bất kỳ nước nào. “Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi bá quyền hoặc chủ nghĩa bành trướng” - ông Tập nhấn mạnh.
Tuy nhiên, giới chuyên gia chính trị quốc tế đánh giá trên thực tế, các diễn biến gần đây như vụ hộ chiếu đường lưỡi bò, gây đứt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam, việc “chặn, khám xét, trục xuất” tàu nước ngoài trên Biển Đông... phản ánh một thực tế trái ngược.
“Quá tự tin, thiếu hợp tác”
Báo Asie - Info (Pháp) trong bài viết “Một hành động đe dọa mới của Trung Quốc trên Biển Đông” ngày 5-12 đã điểm qua những diễn biến gần đây của Trung Quốc, từ việc đưa ra hộ chiếu đường lưỡi bò hoặc quy định sẽ chặn và kiểm tra tàu bè nước ngoài trên Biển Đông đến việc tàu cá gây đứt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam. Báo này nhận định hình thức gây hấn này đang cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc không hề tỏ ra có ý định muốn làm giảm căng thẳng ở những vùng biển đang tranh chấp với các nước ven bờ như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei.
Nhà phân tích chính trị Philippines Richard Javad Heydarian, trên báo Asia Times, cũng đưa ra nhận định tương tự. “Chính quyền Trung Quốc cũng muốn thách thức chính sách xoay trục của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương bằng đòn đe dọa các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực và các nước láng giềng” - chuyên gia Heydarian nhận định. Nguyên nhân là bởi vì Mỹ hiện vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp ngân sách cho kế hoạch tăng cường lực lượng quân sự ở châu Á, chiến lược bị xem là để đối phó với sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Một số nhà quan sát phương Tây và Trung Quốc cho rằng trên thực tế, từ vài năm qua chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu thay đổi chính sách đối ngoại. Giáo sư David Denoon thuộc ĐH New York (Mỹ) nhận định hiện Trung Quốc đang áp dụng chính sách đối ngoại “quá tự tin, thiếu hợp tác”. Giáo sư Diêm Học Thông, viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế ĐH Thanh Hoa, cũng khẳng định mục tiêu, cách tiếp cận của ngoại giao Trung Quốc đã thay đổi từ hướng “thụ động” sang “chủ động phản ứng”.
Báo Ấn Độ Defense News & Analysis nhắc lại năm ngoái truyền thông Trung Quốc đã dồn dập trích lời các chiến lược gia quân sự nước này khẳng định chính sách “làm hài lòng láng giềng” và “gác tranh chấp qua một bên” là không hiệu quả, và đề xuất cần sử dụng vũ lực trong tranh chấp chủ quyền.
Một cựu quan chức Ấn Độ nhận định chính quyền Trung Quốc hiện đang ngả theo hướng này. Việc Trung Quốc in hộ chiếu đường lưỡi bò và đòi kiểm soát Biển Đông từ ngày 1-1-2013 không phải là biện pháp hành chính, mà là các bước nhằm thực hiện ý đồ bá quyền từ cấp chính phủ cao nhất. Hồi tháng 10-2012, Nhân Dân Nhật Báo đưa tin, Bắc Kinh sẽ triển khai máy bay do thám không người lái trên Biển Đông. Tất cả đều cho thấy Bắc Kinh đang bộc lộ tham vọng bá quyền khi sức mạnh kinh tế và quân sự của họ tăng lên.
Sẽ lấn tới mạnh bạo hơn trên Biển Đông
Giới quan sát nhận định, như trang tin Đa Chiều tại Hong Kong cho biết, Trung Quốc sẽ còn lấn tới trên Biển Đông. Những diễn biến gần đây như vụ hộ chiếu đường lưỡi bò, đưa ra bản đồ “thành phố Tam Sa”, kế hoạch chặn và kiểm tra tàu bè nước ngoài và tàu cá gây đứt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam đang cho thấy Trung Quốc dường như đã khởi động trở lại đường lối cứng rắn về vấn đề Biển Đông. Đáng chú ý là giới tham mưu chiến lược Trung Quốc đang tìm kiếm các bước chuẩn bị tiếp theo nhằm độc chiếm Biển Đông.
Theo Tân Hoa xã, cùng ngày với việc tỉnh Hải Nam thông qua điều lệ về kiểm tra và bắt giữ tàu bè nước ngoài trên biển Đông, hơn 40 nhà tham mưu chiến lược của Trung Quốc đã có mặt tại thành phố Tam Á để tham gia hội thảo đánh giá tình hình an ninh và tương lai Biển Đông do Ủy ban chính sách an ninh quốc gia thuộc Hội Nghiên cứu khoa học chính sách Trung Quốc tổ chức.
Các nhà tham mưu chiến lược Trung Quốc này, như chính Tân Hoa xã đưa tin, đã cho rằng căng thẳng leo thang trên Biển Đông là do “các nước khu vực cấu kết với nước ngoài để bao vây Trung Quốc” và cáo buộc các nước ở biển Đông đang “tăng cường quân sự hóa, tư pháp hóa, khu vực hóa và dân sự hóa các vùng biển và đảo của Trung Quốc”. Tại hội thảo, các nhà tham mưu chiến lược này cũng kiến nghị cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu vấn đề Biển Đông, đưa Biển Đông vào chiến lược phát triển thành “cường quốc biển” của Trung Quốc, đẩy nhanh việc xây dựng ở Biển Đông cũng như “hoàn thiện công tác lập pháp trong nước, nhanh chóng đưa ra luật biển cơ bản, đồng thời tổ chức lại lực lượng tuần tra, bảo vệ chủ quyền trên biển”...
Theo các nhà quan sát, với việc máy bay chiến đấu lần đầu tiên hạ cánh thành công trên tàu sân bay Liêu Ninh, có thể dự báo trong tương lai Trung Quốc sẽ có sách lược lấn tới mạnh bạo hơn trong vấn đề Biển Đông.
S.HÀ - M.LOAN - Đ.PHƯƠNG(TT)