Chất vấn các thành viên UBND tỉnh

Tin tức - Ngày đăng : 08:41, 13/12/2012

Hôm nay (13-12), Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XV bước sang ngày làm việc cuối cùng. Buổi sáng, các đại biểu chất vấn các thành viên UBND tỉnh.



Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hữu Dương trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Chung


Trách nhiệm để "đổ" quy hoạch thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Truyền (Kinh Môn), Phan Ngọc Núi (Kim Thành), Nguyễn Mạnh Kỳ (Chí Linh), Hoàng Văn Bảo (Tứ Kỳ) cho rằng chất lượng quy hoạch nông thôn mới chưa tốt cũng như ách tắc của khâu này do trung ương chưa phê duyệt quy hoạch sử dụng đất...

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hữu Dương cho biết, theo kế hoạch, đến năm 2015, Hải Dương có 58 (25%) xã hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, đến 2014 sẽ có được vài xã đạt. Đến thời điểm này, tỉnh mới có xã Nhân Quyền (Bình Giang) đạt 14 tiêu chí.

Ông Dương thừa nhận, hiện nay có tình trạng các xã đùn đẩy trách nhiệm cho cấp trên trong xây dựng quy hoạch cũng như thực hiện các tiêu chí khác. Việc này là do nhận thức của người đứng đầu địa phương đó còn hạn chế. Bản thân các xã phải nhận thức được việc xây dựng nông thôn mới là mang lại lợi ích thiết thực cho nơi đó. Do vậy, khi xây dựng nông thôn mới, ngay từ khâu quy hoạch, chính quyền xã phải bắt tay vào thực hiện. Bản thân họ mới là người hiểu được mảnh đất và con người nơi đó, từ đó mới có những đề xuất với đơn vị tư vấn thực hiện quy hoạch phù hợp.

Vấn đề "tắc" trong quy hoạch sử dụng đất, ông Dương cho biết việc này thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương. "Một mặt chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị trung ương sớm phê duyệt quy hoạch sử dụng đất nhưng sẽ khó tránh được việc các huyện phải làm lại quy hoạch bởi quy hoạch phải khả thi, hiệu quả thì trung ương mới phê duyệt" - ông Dương nói.

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Tiến Hóa thừa nhận chất lượng các bản quy hoạch nông thôn mới của các xã chưa tốt. Nguyên nhân là do trách nhiệm của chính quyền các địa phương chưa cao, còn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Ngoài ra, trình độ của cán bộ cấp xã hạn chế, phần lớn phó thác cho tư vấn. Trong khi đó, năng lực nhiều đơn vị tư vấn hạn chế, nhiều huyện không có kiến trúc sư... nên khi tham gia cùng tư vấn xây dựng quy hoạch gặp rất nhiều khó khăn, phải sửa đi sửa lại nhiều lần vẫn không đạt. Mặc khác, phần lớn đơn vị tư vấn hiện nay chỉ quen quy hoạch trụ sở làm việc, khu dân cư còn quy hoạch vùng sản xuất rất yếu. "Lập quy hoạch vùng sản xuất, nhiều bản quy hoạch chỉ "bôi màu" cho xong mà không chỉ rõ, chi tiết" - ông Hóa cho biết.



Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Tiến Hóa làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến
quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thành Chung


Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Hóa cũng thừa nhận kinh phí cho công tác lập quy hoạch từ 250-400 triệu đồng/xã nhưng hiện nay xã nhiều nhất mới chỉ nhận được khoảng 200 triệu nên khó thực hiện đúng kế hoạch. Để giúp các địa phương trong khâu lập quy hoạch, ngày 21-12 tới, Sở Xây dựng sẽ tổ chức hội thảo lập quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Tại hội thảo, lãnh đạo các địa phương sẽ được các chuyên gia hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc.

Ông Hóa cũng đề nghị các xã cần tập trung cho đầu tư cho vùng sản xuất trước, rồi lấy tiền đó đầu tư xây dựng nông thôn mới mới bền vững, hạn chế nguồn lực tập trung xây trụ sở làm việc...

Kết luận vấn đề này, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thanh Quyến yêu cầu Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Những xã nằm trong số 58 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn đầu chưa được cấp đủ tiền cho khâu quy hoạch, tỉnh cần cấp đủ. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã trước khi trình quy hoạch phải mang ra thảo luận tại HĐND cấp xã, hội nghị quân-dân-chính... để nghe góp ý, những điểm nào chưa phù hợp phải sửa. Khâu quy hoạch rất tốn kém, từ 250-400 triệu đồng/xã. Nếu quy hoạch không tốt, làm xong rồi bỏ, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố, thị xã.

Việc dồn điền đổi thửa cũng được đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã phải làm ngay bởi nó vô cùng thiết thực cho mô hình sản xuất hàng hóa tập trung. Đi liền với đó là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các huyện rà soát, báo cáo những phần được hỗ trợ, còn lại những phần nào địa phương phải đầu tư để họ chủ động, tránh chờ đợi cấp trên hỗ trợ, dẫn đến chậm tiến độ...

Phối hợp với chi bộ khu dân cư ngăn chặn giáo viên dạy thêm

Vấn đề dạy thêm học thêm tràn lan; tình trạng chạy trường, chạy lớp xảy ra tràn lan hiện nay đặc biệt tại TP Hải Dương... được các đại biểu chất vấn thẳng thắn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Quốc.



Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Quốc trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Chung

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga thẳng thắn: Ở cấp tiểu học của TP Hải Dương hiện nay tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan; chạy trường, chạy lớp cũng diễn ra phổ biến; hiệu trưởng các trường toàn quyền quyết định cho học sinh vào lớp nào, học cô nào... Việc này Sở Giáo dục có biết không? Biện pháp khắc phục là gì?

Về vấn đề này, người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Nguyễn Văn Quốc thừa nhận có tình trạng trên, gây nhức nhối trong nhân dân. Sở Giáo dục Đào tạo đã nhiều lần làm việc với TP Hải Dương có hướng chỉ đạo quyết liệt để chấm dứt dạy thêm, học thêm trái phép nhưng chưa thực sự hiệu quả.

Sở đang phối hợp với thành phố thực hiện quyết liệt các biện pháp để chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm. Lần này, ngoài lực lượng của ngành, sở đề nghị phối hợp với thành phố làm việc với các khu dân cư nhằm phát hiện những giáo viên đang cư trú tại khu đó dạy thêm, báo cáo với sở để có xử lý. Đối với giáo viên là đảng viên dạy thêm, ông Quốc cho biết sẽ làm việc với chi bộ khu dân cư yêu cầu chi bộ ghi vào bản nhận xét giáo viên này vi phạm. "Phần lớn giáo viên giỏi là đảng viên mà giáo viên giỏi thì mới có học sinh học nên tôi hy vọng với biện pháp mạnh này sẽ chấm dứt được tình trạng dạy thêm học thêm trái phép hiện nay. Dạy học sinh sau buổi 2 là phản khoa học" - ông Quốc khẳng định.

Các đại biểu Lê Văn Hiệu (Nam Sách), Phan Ngọc Núi (Kim Thành) đặt câu hỏi việc chuyển trường tư thục sang công lập có trái với xu thế xã hội hóa giáo dục, làm tăng gánh nặng ngân sách và ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường tư thục không?

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Quốc cho biết, hiện rất nhiều nhà đầu tư muốn mua lại các trường bán công nhưng như phân tích tại báo cáo trình HĐND tỉnh, việc chuyển đổi trường bán công sang công lập là phương án tốt nhất ở thời điểm này. Tuy nhiên, từ việc chuyển đổi thí điểm 2 trường: Kinh Môn II và Gia Lộc II, chúng tôi sẽ có đánh giá kết quả và tiến độ thực hiện để báo cáo UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Qua đó, tham mưu cho UBND tỉnh về cơ chế, chính sách đối với các trường sau khi chuyển đổi... "Chúng tôi đã tính toán rất kỹ khi chuyển toàn bộ 12 trường bán công sang công lập, mỗi năm ngân sách sẽ tăng thêm khoảng 10 tỷ đồng. Số tiền này chúng tôi trích từ ngân sách giành cho giáo dục do Trung ương cấp chứ không lấy từ ngân sách tỉnh", ông Quốc giải thích.

Vấn đề ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh của trường tư thục, chúng tôi cũng đã tính đến. Hiện toàn tỉnh có 13 trường THPT tư thục. Sở vẫn có kế hoạch phân bổ cho các trường này tuyển sinh. Tuy nhiên, ngay cả những năm trước, nhiều trường không tuyển đủ số học sinh được phân bổ.

Về việc giảm học phí cho các trường tư thục nhằm tạo công bằng cho học sinh, ông Quốc cho biết việc này rất khó bởi trường tư thục là do tư nhân đầu tư nên giảm hay không tùy thuộc vào "ông chủ" trường đó...

Tình hình tội phạm đang diễn biến phức tạp

Đại tá Bùi Mậu Quân, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, tình hình tội phạm ang diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân: ảnh hưởng hưởng của suy thoái kinh tế, mặt trái của nền kinh tế thị trường, tình trạng người thất nghiệp gia tăng do không có đất sản xuất hoặc mất việc làm, sự buông lỏng trong quản lý giáo dục con cái của nhiều gia đình, công tác quản lý đối tượng được tha tù còn hạn chế, số người nghiện đông (số liệu ngành đang quản lý là 2.700 người)… Thực tế công tác phòng ngừa tội phạm nếu chỉ phó thác cho ngành công an sẽ không hiệu quả, bởi hiện nay nhiều loại tội phạm xuất hiện do nguyên nhân xã hội, độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hoá, nhiều đối tượng phạm tội lần đầu khi đang là thành viên của các tổ chức đoàn thể, xã hội, là học sinh, sinh viên trong các nhà trường…



Đại tá Bùi Mậu Quân


An toàn giao thông cũng đang diễn biến phức tạp, trong đó có nguyên nhân từ ý thức của người tham gia giao thông… Trước tình hình đó, ngành công an đã có nhiều giải pháp: tăng cường lực lượng tham gia tuần tra kiểm soát, trong đó bố trí cả cảnh sát giao thông mặc thường phục tuần tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông; thành lập lực lượng cảnh sát bắt cướp C112. Mới đây, lực lượng công an Hải Dương đã phối hợp với công an tỉnh bạn bắt 2 đối tượng ở Hải Phòng tham gia nhiều vụ cướp xe máy như vụ cướp xe máy SH ở Hải Dương hôm 24-11 vừa qua.

Đại tá Bùi Mậu Quân thừa nhận tình hình khai thác cát trái phép hiện diễn ra rất phức tạp mặc dù lực lượng công an đã có nhiều cố gắng. Nguyên nhân là do chiều dài toàn tuyến đường sông trên địa bàn tỉnh hơn 500 km trong khi lực lượng mỏng, phương tiện ít; kinh phí cho hoạt động tuần tra, kiểm soát hạn chế; phối hợp giữa lực lượng công an với các địa phương, ngành khác chưa tốt... Để chấn chỉnh tình trạng này, Công an tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát, kiểm tra lại các bến bãi. Kiên quyết xóa bỏ những bến bãi hoạt động không phép bởi đây là nơi tiêu thụ cát khai thác trái phép. Đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo các ban chỉ huy quân sự huyện, thị xã, thành phố tăng cường phương tiện, cùng với lực lượng công an chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép hiện nay.

Kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển tốt



Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Bài


Đầu giờ chiều cùng ngày, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Bài giải trình về tình hình vay vốn của các doanh nghiệp cũng như tình hình nợ xấu...

Theo bà Bài, phần lớn doanh nghiệp đến ngân hàng vay đều không đủ điều kiện vay vốn. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay ứ đọng sản phẩm, hàng tồn kho lớn. Đến giữa quý 3, hệ thống ngân hàng thương mại đã cơ cấu lại nợ cho một số doanh nghiệp với số tiền gần 3.000 tỷ đồng, nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất. Qua đó, tín dụng đă tăng từng tháng: tháng 10 tăng 7,7%, tháng 11 tăng 9,8%, dự kiến cả năm, tăng khoảng 10,5%. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi từ 9-13%. "Những doanh nghiệp tái cơ cấu được, có khả năng phát triển thì ngân hàng tiếp tục cho vay để phục hồi sản xuất, kinh doanh", bà Bài khẳng định.

Trong khi phần lớn doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các doanh nghiệp đóng ở khu vực nông thôn, sử dụng nhiều lao động tại chỗ lại làm ăn có lãi. Đến thời điểm này, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này là trên 15 nghìn tỷ đồng (chiếm 47% tổng dư nợ tín dụng). Qua kiểm tra cho thấy, tín dụng nông nghiệp, nông thôn phát huy hiệu quả tốt. Phần lớn làm ăn có lãi, tiền lãi, tiền gốc trả ngân hàng đúng hạn.

Về vấn đề nợ xấu, tính đến thời điểm này, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng khoảng 1,7% tổng dư nợ (không tính gần 3.000 tỷ đồng nợ của các doanh nghiệp đã được cơ cấu). So với mức nợ xấu của cả nước ở mức khoảng 8,8%, thì nợ xấu của Hải Dương thấp, ở mức an toàn. Nợ xấu khu vực nông nghiệp, nông thôn thấp, nơi cao nhất 1,5%, nhiều nơi dưới 1%.

Thời gian tới, NHNN tiếp tục cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn nhằm đáp úng kịp thời các nhu cầu vốn và nhu cầu thanh toán, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013, giúp doanh nghiệp và kinh tế địa phương tiếp tục vận hành và tăng trưởng. Tiếp tục thực hiện biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi... cho khách hàng theo đúng quy định của pháp luật. Tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục có những chính sách kích cầu hoặc có thể chỉ định để giúp một số doanh nghiệp có lượng hàng hóa tồn kho lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (sắt thép, xi-măng, gạch...)...

SỸ THẮNG