Bài cuối: Vẽ lại bức tranh quê

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:25, 15/12/2012

Những gì “mắt thấy tai nghe” ở 4 xã xây dựng NTM cho thấy về một nông thôn đang tiến vững chắc trên con đường công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn...


>>Bài 1: Khơi dậy nguồn lực trong dân





Diện mạo nông thôn xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) ngày càng đổi mới. Ảnh: Nhân Chính

Có thể nói như thế không sợ quá lời khi chúng tôi về những xã xây dựng nông thôn mới (NTM) thấy đường làng, ngõ xóm, trong thôn, ngoài đồng đâu đâu cũng phong quang, rộng rãi, mặt đường trải nhựa hoặc đổ bê-tông phẳng, không đâu còn thấy con đường đất nào. Hôm đến Nam Chính (Nam Sách), suốt con đường trục vào xã gần 1 cây số còn thấy hai bên trồng toàn cây lấy gỗ, có lẽ lâu lắm mới lại gặp hàng cây đẹp đến thế trên con đường vào xã. Khi làm việc, các đồng chí lãnh đạo xã cho biết, Nam Chính sau 2 năm xây dựng NTM thì 100% đường đi lại trong làng, ra đồng đều bê-tông hóa, riêng từ đầu năm đến nay các thôn trong xã đã trồng hơn 7.000 cây xanh ven đường trục. Đường làng, ngõ xóm không chỉ được làm mới và trùng tu, nâng cấp mà còn xây dựng đường thoát nước hai bên, chẳng kém quốc lộ. Chúng tôi đến xã nào cũng được nghe nói về quá trình làm mới, nâng cấp đường trong làng, ngoài đồng như thể đấy là công việc chiếm phần quan trọng trong 2 năm đầu triển khai chương trình xây dựng NTM.

Xã Nam Chính có Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh mới khánh thành dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám 1945, Quốc khánh 2-9 vừa qua. Khu tưởng niệm rộng 8.700 m2 như một điểm nhấn hấp dẫn ngay trung tâm xã và ở đúng nơi cách đây 47 năm, ngày 15-2-1965, Bác Hồ đứng nói chuyện với cán bộ, nhân dân trong xã khi Người về thăm Nam Chính, bấy giờ đang dẫn đầu về phong trào vệ sinh phòng bệnh ở miền Bắc. Trong câu chuyện cũ nhưng vẫn luôn luôn là mới về lần Bác Hồ thăm Nam Chính, chúng tôi hỏi đồng chí Vương Đình Quy, Chủ tịch UBND xã:

- Vậy ngày nay xã còn duy trì được phong trào như mấy chục năm về trước nữa không?

- Được, và hơn ấy chứ. Vì thế, ngày 1-7-2012 vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới về thăm xã và dự lễ phát động phong trào vệ sinh yêu nước do Bộ Y tế và tỉnh Hải Dương tổ chức tại Nam Chính. Chẳng hạn về y tế thì hiện nay xã đã có Trạm Y tế rộng rãi, khang trang hơn nhiều so với trước, với một khu nhà hai tầng có 16 phòng khám, điều trị và một bác sĩ, bốn y sĩ, chưa kể các tuyên truyền viên ở khắp 5 thôn. Còn trong các gia đình thì hiện nay 100% số hộ có giếng nước, nhà tắm, nhà vệ sinh đạt chuẩn...

Nói tới y tế, sức khỏe, Chủ tịch UBND xã Vương Đình Quy cũng nói luôn với chúng tôi, Nam Chính đã có bể bơi rộng hơn 1.200 m2, là nơi luyện tập thường xuyên của hàng trăm thanh thiếu niên và cả trung niên ham mê bơi lội.

Quả là suốt 47 năm qua, Đảng bộ và nhân dân trong xã vẫn luôn xứng đáng với lời khen của Bác Hồ khi Người về thăm: “Xã Nam Chính là kiểu mẫu công tác vệ sinh phòng bệnh”.

Xã Đồng Lạc cũng đã có trụ sở xã khang trang với một dãy nhà hai tầng trên khu đất rộng 10.000 m2. Xã có sân vận động khang trang, rộng tới 8.000 m2 là nơi luyện tập thường xuyên của những người yêu thích bóng đá, bóng chuyền. Nhà văn hóa xã có thư viện với hơn 500 đầu sách, chủ yếu phục vụ các thanh thiếu niên. Chủ tịch UBND xã Lê Văn Phàn cho biết: Xã  hiện có 7 làng văn hóa, còn đội văn nghệ thì thôn nào cũng có, cứ hai năm xã lại tổ chức hội diễn văn nghệ một lần, để chọn một đội đi dự hội diễn văn nghệ huyện. “Kinh phí ư, làm gì có, chủ yếu dựa vào dân và xã hội hóa thì mới hoạt động được”.

Nói đến thư viện, chúng tôi lại nhớ hôm đến xã Cộng Hòa (Kim Thành), vào thôn Tường Vu thăm thư viện Tâm Thành. Đây là một thư viện gia đình, nhưng theo ông Đoàn Văn Thi, 63 tuổi, trông coi thư viện thì thư viện hiện có 7.027 cuốn sách, mỗi tuần mở cửa 4 ngày (thứ 3, 5, 7, chủ nhật), mỗi lần mở 2 tiếng sáng (8-10 giờ), 2 tiếng chiều (14 -16 giờ) thu hút khá đông thiếu niên, học sinh, không chỉ trong thôn, xã mà còn cả xã bạn cũng sang đọc hoặc mượn sách.

Quả là đời sống văn hóa, tinh thần ở nông thôn đã được nâng cao so với vài ba năm trước. Đồng ý kiến với chúng tôi nhưng tâm đắc và cụ thể hơn, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) nhấn mạnh: Đáng chú ý là giáo dục, trước có làm nhưng từ khi xây dựng NTM đến nay làm mạnh và nâng cao hơn. Trước năm 2010, xã có 2 trường là mầm non và tiểu học đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện (mầm non năm 2004, tiểu học năm 2006); nhưng khi xây dựng đề án giáo dục xã vẫn mạnh dạn đưa lên đạt chuẩn quốc gia lần 2, kết quả là năm nay đã được trên công nhận và cả hai trường đều đạt trường tiên tiến xuất sắc. Trường Tiểu học xã hiện nay không những có đủ cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, thể thao, mà vừa qua còn đưa vào sử dụng thư viện điện tử với một nhà hai tầng có đủ thiết bị cho các em học tập. Tuy thế, xã hiện còn trường THCS mới đạt trường tiên tiến xuất sắc chứ chưa đạt chuẩn, đang phấn đấu đạt vào năm 2015.

Những gì chúng tôi nghe và thấy ở những xã đang xây dựng NTM, nhìn chung là rất đáng phấn khởi, dẫu trong 19 tiêu chí quốc gia hiện tại hầu như cả bốn xã đều đạt 11 hoặc 12 tiêu chí, còn 6 hoặc 7 tiêu chí chưa đạt; nhưng đấy lại là những tiêu chí rất khó thực hiện, chẳng hạn tiêu chí chợ xã, nghĩa trang nhân dân thôn, xử lý chất thải, và nhất là xóa nghèo, một tiêu chí tưởng cũng không khó lắm, nhưng hôm về Tân Kỳ chúng tôi lại nghe các đồng chí ở đây bảo, rất khó xóa. Tân Kỳ hiện còn 5,2% hộ nghèo (142/2.246 hộ dân trong xã) nhưng một số hộ lại nằm trong hoàn cảnh rất khó khăn, neo đơn, già cả, nên dù có quan tâm đến mấy cũng khó giúp họ thoát được nghèo.

Thế nhưng những gì “mắt thấy tai nghe” ở 4 xã xây dựng NTM  cũng đủ để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên về một nông thôn đang tiến vững chắc trên con đường công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn với một nền kinh tế hàng hóa đang rõ dần và một bức tranh làng quê khác xa rất nhiều với làng quê những năm thế kỷ XX.

CAO NĂM