Lời tiên đoán lịch sử của Bác Hồ
Tin tức - Ngày đăng : 10:23, 16/12/2012
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội không quân, ngày 9-2-1967
Bốn mươi năm đã trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc đến chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", chúng ta không thể quên lời tiên đoán chiến lược và sự chỉ đạo sát sao của Bác Hồ từ trước đó 10 năm…
Căn dặn từ khi B52 chưa xuất hiện
Thực tế cho đến đầu năm 1964, máy bay B52 chưa xuất hiện trên chiến trường Việt Nam, các tài liệu về B52 cũng chưa nhiều. Vào giữa năm 1964, Mỹ chọn căn cứ An-đơ-xơn trên đảo Gu-am (Mỹ) làm căn cứ xuất phát của máy bay chiến lược B52. Bằng nhiều con đường khác nhau, ta đã biết được B52 là loại máy bay chiến lược hạng nặng tầm xa do hãng Bô-inh sản xuất năm 1954, trang bị cho không quân Mỹ từ 1955. Đến năm 1961, loại máy bay này đã qua 8 lần cải tiến, từ B-52A đến B-52H, có thể mang từ 17 - 30 tấn bom, bay liên tục 21 giờ trên chặng đường 12 nghìn km (B-52G), đến 16 nghìn km (B-52H), hoạt động được cả ban đêm trong điều kiện khí hậu phức tạp, bay ném bom ở độ cao 9-11km, với kíp lái 6 người. B52 còn được trang bị 15 máy gây nhiễu điện tử, 2 máy gây nhiễu bằng sợi kim loại, có tên lửa nhử mồi để nhiễu loạn ra-đa đối phương, có pháo chống máy bay đặt ở phía đuôi. Trong thời gian đưa B52 ném bom Việt Nam, Mỹ có khoảng 450 chiếc B52. Báo chí Mỹ đã không ngớt quảng cáo để gây ấn tượng với thế giới về loại “siêu pháo đài bay” này. Họ gọi đây là vũ khí chiến lược “vô địch”, “bất khả xâm phạm”.
Nhưng ngay từ năm 1956-1958, theo chủ trương của Đảng và Bác Hồ, Bộ Quốc phòng đã tuyển chọn và đưa hàng trăm cán bộ đi học khoa học kỹ thuật quân sự hiện đại tại Liên Xô và Trung Quốc để đáp ứng với tình hình mới. Năm 1962, đến thăm Binh chủng Phòng không, Bác Hồ đã nói với Tư lệnh Phùng Thế Tài: “B52 bay cao hơn 10 km mà trong tay chú chỉ có cao xạ thôi. Ngay từ bây giờ chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến máy bay B52”. Đến tháng 4-1966, khi Mỹ dùng máy bay B52 lần đầu tiên ném bom ở đèo Mụ Giạ, Quảng Bình, Bác đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - không quân (PK-KQ) nghiên cứu cách đánh B52.
Theo chỉ thị của Bộ tư lệnh, Bộ Tham mưu Quân chủng đã sưu tầm tài liệu về B52 và tổ chức một số cán bộ quân báo, đem theo phương tiện trinh sát kỹ thuật hiện đại, vào khu vực Vĩnh Linh (Quảng Bình), nơi có B52 đang hoạt động, để nghiên cứu trên thực địa và qua màn hình của ra-đa, đặc điểm thủ đoạn hoạt động của máy bay B52, nhất là thủ đoạn gây nhiễu điện tử.
Ngày 7-2-1965, nhân dịp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Kô-xư-ghin đang thăm Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức đặt vấn đề với Liên Xô giúp ta xây dựng lực lượng tên lửa phòng không. Sau đó Liên Xô đã giúp Việt Nam xây dựng được 2 trung đoàn tên lửa đầu tiên.
Được tin Bộ đội Tên lửa sắp ra quân chiến đấu, ngày 19-7-1965, Bác Hồ đã đến thăm Quân chủng PK-KQ tại Bạch Mai. Người ân cần dặn dò các cán bộ, chiến sĩ phòng không: “...Tinh thần của con người phải làm sao chuyển qua súng, làm sao phải có kỹ thuật giỏi, ta phải tìm địch mà đánh. Muốn bắn trúng bắn rơi địch từ loạt đạn đầu, phải tập luyện thật công phu, mới có thể bắn rơi được tại chỗ. Lúc đánh phải hiệp đồng cho tốt, ai đánh tầng thấp, ai đánh tầng cao, phải phối hợp thật chặt chẽ”. Lời dạy của Bác thật đầy đủ, toàn diện. Quán triệt chỉ thị của Người, ngày 24-7-1965, lực lượng tên lửa của Trung đoàn 236 hiệp đồng với các đơn vị pháo cao xạ và ra-đa với sự giúp đỡ của địa phương đã bắn rơi được 3 máy bay địch, bắt sống giặc lái. Ngày đó đã trở thành ngày truyền thống của Bộ đội Tên lửa phòng không. Biết tin Bác rất vui mừng và khen Bộ đội Tên lửa đã ra quân đánh thắng trận đầu, lập công xuất sắc. Cuối năm 1966 đầu năm 1967, cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất của Mỹ ở miền Nam thất bại, Mỹ bắt đầu dùng B52 đánh phá ác liệt vào Vĩnh Linh, Quảng Bình để ngăn chặn trực tiếp sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Trước tình hình đó, Trung đoàn 238 - đơn vị tên lửa thứ hai được lệnh cơ động vào Quảng Bình, Vĩnh Linh, để nghiên cứu cách đánh máy bay B52, tuân theo lời Bác dạy: “Có vào hang cọp mới bắt được cọp”.
Lời tiên đoán lịch sử
Và ngày 17-9-1967, Tiểu đoàn 84 lần đầu tiên bắn rơi 1 chiếc máy bay B52 tại khu vực đảo Cồn Cỏ. Sau đó, Tiểu đoàn 82 cũng tiếp tục bắn rơi B52. Bác Hồ đã kịp thời gửi thư khen ngợi chiến công ấy của Trung đoàn tên lửa 238. Thực hiện chỉ đạo của Người, Bộ Tham mưu Quân chủng PK-KQ đã cử một số cán bộ theo sát đơn vị để rút kinh nghiệm, bắt đầu xây dựng tài liệu về cách đánh máy bay B52. Tài liệu này dần được bổ sung qua các trận đánh sau này, được thể nghiệm qua thực tế và được đúc kết hoàn chỉnh thành quyển sách bìa đỏ: “Cẩm nang đánh B52”, phục vụ cho các đơn vị.
Thấm nhuần lời nói của Bác Hồ: "Hà Nội không có phòng không như nhà không có nóc", Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã tập trung phần lớn tên lửa để bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng. Riêng ở Hà Nội tập trung đến 6-7 trung đoàn, đa số đã được thử thách và có kinh nghiệm chiến đấu trên các chiến trường miền Bắc. Từ đầu năm 1966 đến cuối năm 1967, không quân Mỹ đã mở 7 đợt đánh tập trung quy mô lớn vào Hà Nội. Các đơn vị tên lửa với cách đánh tập trung hiệp đồng chặt chẽ, bước đầu biết cách xử lý nhiễu tạp của địch, nên đã đánh bại các cuộc đánh phá của không quân địch. Đặc biệt có đợt ngày 19-5-1967 đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 77 của Bác, Bộ đội Tên lửa hiệp đồng chặt chẽ với cao xạ, không quân, ra-đa đã bắn rơi 12 máy bay địch, có nhiều chiếc rơi tại chỗ, lập công mừng sinh nhật Bác.
Sau đợt này, Bác Hồ đã nói với đồng chí Phùng Thế Tài lúc này làm Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam: “Sớm muộn gì, Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua, cho nên phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Chú phải nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Thủ đô Bình Nhưỡng. Chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”. Trước lời tiên đoán, cảnh báo quý giá đó, Bộ đội Tên lửa phòng không càng ra sức chuẩn bị tốt mọi mặt để thời cơ đến quyết đánh thắng địch trên bầu trời Hà Nội.
Thất bại sau 6 đợt tập trung quy mô lớn đánh vào Hà Nội, Hải Phòng, vào cuối tháng 12-1967 địch mở đợt tấn công bằng không quân lần thứ 7 vào Hà Nội và tiếp tục dùng mìn phong tỏa cảng Hải Phòng. Nhưng lần này địch đã thay đổi thủ đoạn kỹ chiến thuật. Chúng bắt đầu sử dụng loại nhiễu mới, nhiễu vào rãnh đạn tên lửa, ta bắn lên một số đạn bị rơi xuống đất, có quả rơi cả vào khu dân cư, xâm phạm đến tài sản và đời sống của nhân dân. Nghe tin này, Bác rất đau xót và liền gọi đồng chí Nguyễn Xuân Mậu, Phó Chính ủy Quân chủng PK-KQ lên báo cáo tình hình. Bác đã phê bình và nhắc nhở: “Nhiệm vụ của bộ đội là phải bảo vệ dân, nay chú để tên lửa xâm phạm tính mạng và tài sản của nhân dân, thế có xứng đáng không? Chú cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm và nhanh chóng tìm cách khắc phục”.
Với quyết tâm cao khắc phục khuyết điểm, cộng với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, Bộ đội Tên lửa đã ngày đêm, tìm tòi cải tiến tên lửa, đi đôi với tìm cách đánh mới. Chỉ trong vòng 2 tháng Bộ đội Tên lửa đã khắc phục được và chiến đấu có hiệu quả trong các lần sau địch vào đánh phá miền Bắc.
Quả đúng như lời Bác Hồ tiên tri, đúng 18 giờ 30 ngày 18-12-1972, Không quân Mỹ thực hiện chiến dịch Linebacker II dùng B52 ném bom hủy diệt Hà Nội. Lúc này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò gần gũi của Bác Hồ và là người luôn theo dõi, chỉ đạo Bộ đội Tên lửa phòng không đã kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ tên lửa phòng không Hà Nội: “Cả nước đang hướng về Hà Nội; toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ từng phút Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội”. Những lời tâm huyết đó đã có sức lay động lòng người như lời “Hịch tướng sĩ” khi xung trận, đã thắp lên ngọn lửa của “Hào khí Thăng Long - Hà Nội” trong trái tim của cán bộ, chiến sĩ phòng không Hà Nội.
Sau đó, hãng thông tấn AP đã bình luận về số máy bay B52 bị bắn rơi trong cuộc tập kích này: “Cứ theo tốc độ bị bắn rơi như thế này thì sau 3 tháng, B52 sẽ tuyệt chủng”. Chỉ 12 ngày đêm, bộ đội phòng không Hà Nội đã dũng cảm mưu trí đánh thắng cuộc chiến tranh điện tử của địch, tạo nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy năm châu, thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác.
Trung tướng VŨ XUÂN VINH