Ý kiến cán bộ, hội viên ở cơ sở

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:37, 18/12/2012

Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi đã giúp đỡ nhiều hộ nghèo, cận nghèo vay vốn, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình hiệu quả...


Thường xuyên dạy nghề cho nông dân




Những năm qua, Hội Nông dân (HND) xã Tân Hồng (Bình Giang) luôn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các phong trào của hội, đặc biệt là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi. Xã có nhiều hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi cấp tỉnh, huyện và cấp xã. HND cũng luôn coi đó là những mô hình điểm và nhân rộng trong toàn xã. Nhiều mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi của các hội viên mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch cho người dân địa phương và vùng lân cận. Các mô hình này còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều hộ nghèo trong và ngoài xã. Từ khi triển khai phong trào, tổ chức hội đã giúp đỡ nhiều hộ nghèo, cận nghèo vay vốn, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình hiệu quả. Hằng năm, từ phong trào này, HND xã đã chung tay cùng với các ngành, đoàn thể góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã.

Để phong trào ngày càng phát triển, thời gian tới, tôi mong muốn HND tỉnh thường xuyên mở các lớp tập huấn, dạy nghề cho nông dân. Tổ chức cho nông dân tham quan các mô hình chăn nuôi, trồng trọt trong và ngoài tỉnh để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, nhưng thời gian cho thuê đất lập trang trại, gia trại còn ngắn nên nhiều nông dân không yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài. Đề nghị HND tỉnh quan tâm kiến nghị lên cấp trên về vấn đề này.

     VŨ ANH BA- Hội Nông dân xã Tân Hồng, Bình Giang


Động lực để sản xuất, kinh doanh giỏi



Năm 1990, tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Do bố tôi trước đây làm ở Viện Cây lương thực và cây thực phẩm nên tôi sớm có niềm đam mê sản xuất các giống cây có chất lượng cao để phục vụ nhân dân. Qua thực tế, tôi nhận thấy nhiều nông dân không may mua phải những giống cây kém chất lượng dẫn đến hiệu quả, năng suất cây trồng thấp, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Xuất phát từ 2 nguyên nhân trên, tôi quyết định đi học hỏi kinh nghiệm ghép một số loại cây như: ổi, táo, hồng xiêm, nhãn… Trong quá trình sản xuất cây giống, tôi tích cực lên Viện Cây lương thực và cây thực phẩm để tìm hiểu kiến thức, những giống cây tốt, đồng thời tìm nhiều loại sách hướng dẫn, tham gia các buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật do Hội Nông dân (HND) phối hợp tổ chức. Tôi thu gom hạt giống từ nhiều nơi, sau đó đem về ươm thành cây thực sinh để làm gốc ghép. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm, gia đình tôi sản xuất và bán ra thị trường 1,5 vạn cây ổi, trên 4.000 cây hồng xiêm, trên 3.000 cây nhãn, trên 2.500 cây xoài bảo đảm chất lượng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi trên 230 triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên tạo việc làm ổn định cho 9 lao động có hoàn cảnh khó khăn. Trong 3 năm qua, gia đình tôi liên tục đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương. Danh hiệu này tạo động lực giúp tôi phấn đấu hơn trong công việc.

Để đạt được danh hiệu trên là sự cố gắng, nỗ lực của bản thân nhưng không thể thiếu sự giúp đỡ của các cấp HND trong tỉnh trong việc trang bị cho tôi những kiến thức về sản xuất cây giống.

Tôi mong muốn các cấp HND trong tỉnh tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho các hội viên tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Cùng với việc tạo nguồn vốn vay, các cấp HND cần thường xuyên đưa kỹ thuật đến với nông dân thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, hội thảo đầu bờ, tham quan các mô hình kinh tế có hiệu quả. Các cấp hội phối hợp với các đơn vị liên quan có các giải pháp lâu dài để hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm an toàn, đặc trưng cho từng vùng, đồng thời xúc tiến thương mại nhằm phát triển sản xuất.

     NGUYỄN QUỐC HUY - Xã Gia Tân, huyện Gia Lộc