Bối cảnh diễn ra cuộc tập kích

Tin tức - Ngày đăng : 11:43, 18/12/2012

Năm 1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.


Từ đó, nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Với bản chất hiếu chiến, xâm lược và phản động, đế quốc Mỹ đã thay chân thực dân Pháp thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự để đánh phá miền Bắc, chống chủ nghĩa xã hội và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ bị phá sản hoàn toàn. Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang Chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam và sử dụng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất. Bị thất bại liên tiếp trên cả hai miền Nam - Bắc, ngày 1-11-1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố chấm dứt ném bom - kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, đồng thời chuyển sang thực hiện Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bắt đầu vào giai đoạn quyết định. Trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao ta đều giành thắng lợi to lớn. Chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, ngày 6-4-1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn vội vã ra lệnh tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt, tàn bạo hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B52 đánh phá các tỉnh: Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Hải Phòng... Quân và dân ta đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, đánh bại các cuộc tập kích đường không của địch. Thắng lợi này làm cho cục diện chiến tranh chuyển hướng có lợi cho ta, trong khi phía Mỹ không đạt được mục tiêu đề ra của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai. Chiến tranh càng tiếp tục kéo dài, càng khoét sâu thêm những mâu thuẫn nội bộ và khó khăn về kinh tế, chính trị, xã hội của nước Mỹ. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, sức ép của cử tri, của phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam và các lực lượng chính trị ở Mỹ tác động mạnh mẽ đến Tổng thống Ních-xơn. Hội nghị đàm phán bốn bên tại Pa-ri đã kéo dài 4 năm mà Mỹ vẫn chưa tìm được lối thoát. Đến đầu tháng 10-1972, ta đưa ra dự thảo Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam” và phía Mỹ chấp thuận bản dự thảo này.

Sau khi Ních-xơn tái cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, đế quốc Mỹ đã trắng trợn lật lọng, xóa bỏ bản dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận với ta, đòi ta phải sửa chữa 126 điểm mà trước đó phía Mỹ đã hoàn toàn nhất trí. Kít-xinh-giơ tuyên bố ngừng đàm phán vô thời hạn với ta.

Ngày 17-12-1972, Tổng thống Ních-xơn chính thức ra lệnh tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào miền Bắc nước ta với tên gọi Chiến dịch “Lai-nơ-bếch-cơ II” hòng khuất phục ý chí đấu tranh của ta và giành lợi thế trên bàn đàm phám.