Át chủ bài của lưới lửa phòng không Hà Nội

Tin tức - Ngày đăng : 15:23, 19/12/2012

Sát thủ của các "pháo đài bay" bắn rơi hàng chục máy bay B-52 của Mỹ chính là hệ thống phòng không, được tạo bởi các tên lửa tầm cao SA-2.

Tên lửa S-75 Dvina do Liên Xô chế tạo, thường được gọi là tên lửa dẫn dường SA-2, tiêu diệt mục tiêu ở tầm cao, có dẫn hướng, thuộc loại đất đối không (SAM). Kể từ khi lần đầu được triển khai vào năm 1957, đây là loại tên lửa phổ biến nhất trong lịch sử nhân loại. SA-2 hạ máy bay lần đầu tiên vào tháng 10-1959 tại Trung Quốc, bằng ba phát tên lửa ở độ cao 20 km.

Hệ thống SA-2 nổi danh lừng lẫy kể từ khi một khẩu đội tên lửa với phiên bản nâng cao về tầm xa bắn hạ một chiếc máy bay trinh thám U-2 tối tân của Mỹ trên bầu trời Liên Xô tháng 5-1960. SA-2 cũng được triển khai tới Cuba trong cuộc khủng hoảng hạt nhân năm 1962, tại đó nó bắn hạ một chiếc U-2 khác của Mỹ, sự kiện suýt nữa châm ngòi chiến tranh hạt nhân Xô - Mỹ.

Trong giai đoạn 1958-1964, người Mỹ phát hiện có tới hơn 600 trận địa tên lửa trên đất Liên Xô, bao quanh các khu trung tâm dân cư, công nghiệp và trụ sở cơ quan chính phủ. Đến giữa những năm 1960, có khoảng 1.000 trận địa tên lửa như vậy ở Liên Xô. Cuối thập niên 60, các hệ thống tên lửa SA-2 được triển khai tới Đông Đức, cũng như các nước trong khối hiệp ước Vacsava, Trung Quốc, Triều Tiên, và cuối cùng là miền bắc Việt Nam.

Năm 1965, Việt Nam đề nghị Liên Xô hỗ trợ trong việc đối phó với không lực của Mỹ, bởi hệ thống phòng không Việt Nam khi đó không tiêu diệt được các mục tiêu ở tầm cao. Sau những cuộc thương thảo, SA-2 được lựa chọn để đưa đến Việt Nam. Việc chuẩn bị xây dựng các trận địa này được tiến hành, và vào tháng 4-1965, Mỹ bắt đầu phát hiện. Theo các tài liệu được công nhận rộng rãi trên wikipedia, một số nhà hoạch định chính sách chiến tranh Mỹ yêu cầu đánh bom các trận địa này, nhưng bị phản đối bởi nếu làm như vây có thể gây thương vong cho các công dân Liên Xô.

Pháo cao xạ (ảnh trên) và tên lửa phòng không tạo nên hệ thống lưới lửa dày đặc trên bầu trời Hà Nội, chống các báy bay ném bom và máy bay chiến thuật của Mỹ. Ảnh: wikipedia

Pháo cao xạ (ảnh trên) và tên lửa phòng không tạo nên hệ thống lưới lửa dày đặc trên bầu trời Hà Nội, chống các báy bay ném bom và máy bay chiến thuật của Mỹ.

Tháng 7-1965, Mỹ mở chiến dịch tấn công các trận địa tên lửa của Việt Nam, với việc tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố sẽ ném bom các trận địa. Bộ đội Việt Nam liền đem giấu các hệ thống tên lửa phòng không và xây dựng các mục tiêu giả. Chiến thuật này khiến không lực Mỹ bị lừa và phải chịu nhiều thiệt hại.

Trong thời gian giữa 1965 và 1966, các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam thực hiện các bước cải tiến cho hệ thống SA-2, như nâng cấp hệ thống radar và chống nhiễu điện tử. Các chuyên gia còn phát triển hệ thống dẫn đường bị động, theo đó tên lửa sẽ bám chặt lấy chính thiết bị gây nhiễu. Ngoài ra họ còn có biện pháp "phóng giả", trong đó radar theo dõi được kích hoạt nhưng tên lửa không được phóng đi. Điều này cho phép khẩu đội vô hiệu hóa vũ khí của mục tiêu mà không cần tốn tên lửa SA-2.

Mỗi khẩu đội điển hình thường có 6 tên lửa bán cố định, các ống phóng đơn. Các quả tên lửa được bố trí cách nhau từ 60 đến 100 mét, theo hình hoa 6 cánh, trong khi hệ thống radar và dẫn hướng bố trí ở giữa. Cách bố trí này cũng khiến các trận địa rất dễ bị nhận ra trên các ảnh mà máy bay trinh thám chụp. Thông thường, bên cạnh mỗi khẩu đội có các xe tải mang khẩu đội dự phòng ở gần đó.

Tên lửa SA-2 là loại hai tầng, gồm tầng đẩy hoạt động bằng nhiên liệu rắn và tầng cao dùng nhiên liệu lỏng gồm nitric acid và dầu hỏa. Sau khi bắn ra, tên lửa bay với tốc độ Mach 3. Tầng đẩy có bốn cánh, tầng trên có các cánh điều khiển ở trên thân, và một bộ cánh điều khiển ở gần đuôi, một bộ cánh rất nhỏ nữa ở mũi.

Trên một trận địa tên lửa phòng không ở miền bắc Việt Nam với các khẩu đội SA-2. Ảnh: wikipedia

Trên một trận địa tên lửa phòng không ở miền bắc Việt Nam với các khẩu đội SA-2.

Tên lửa được điều khiển bằng tín hiệu radio, trên một hoặc ba tần số phát đi từ các máy tính dẫn hướng tại trận địa. SA-2 nhận tín hiệu điều khiển nhờ các antenna lắp trên cánh. Mỗi hệ thống dẫn hướng chỉ theo được một mục tiêu, nhưng có thể điều khiển cùng lúc ba tên lửa. Sau mỗi loạt tên lửa bắn đi, hệ thống tiếp tục điều khiển các loạt bổ sung ngay khi tần số của nó rảnh rỗi.

Phiên bản chuẩn của tên lửa SA-2 mang đầu đạn 195 kg, tính cả vật liệu nổ, tiếp xúc và dây cháy. Đầu đạn có bán kính sát thương 65 mét ở độ cao thấp, và bán kính này tăng lên khi nó hoạt động ở tầm cao hơn, do áp suất không khí giảm. Bán kính này có thể lên đến 250 mét. Độ chính xác của tên lửa là 75 mét, điều đó giải thích vì sao các khẩu đội thường bắn hai tên lửa trong một loạt. Đặc biệt, phiên bản SA-2E có thể mang đầu đạn hạt nhân với sức công phá 15 kiloton.

Tầm hoạt động chuẩn của SA-2 là 45 km, trần 20.000 mét. Trong cuộc chiến ở miền bắc Việt Nam, các radar và hệ thống dẫn hướng thường cho SA-2 săn mục tiêu tầm cao. Mục tiêu tầm thấp thường được dành cho pháo phòng không, tạo thành một "lưới lửa" trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng.

Trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, các "pháo đài bay" B-52 của Mỹ bay đội hình thường là tốp ba chiếc gồm máy bay chiến thuật kèm B-52 ở tầm cao. Chúng phải đối mặt với lưới lửa phòng không của quân đội Việt Nam, gồm các tên lửa, pháo phòng không và chiến đấu cơ MiG-21, và loại máy bay được mệnh danh là pháo đài bay đã "chết" nhiều nhất bởi các tên lửa SA-2.

Máy bay ném bom B-52 của Mỹ rải bom ở miền bắc Việt Nam năm 1972. Ảnh: Wikipedia

Máy bay ném bom B-52 của Mỹ rải bom ở miền Bắc Việt Nam năm 1972.

Ánh Dương (VnE)