Nữ công nhân sống thử: Đáng lo!

Đời sống - Ngày đăng : 05:44, 21/12/2012

Cuộc sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, sự xô đẩy của môi trường đã khiến nhiều bạn gái sống thử trước hôn nhân để rồi tự nhận lấy những kết cục buồn.



Ban Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền về sức khỏe sinh sản và phát bao cao su cho công nhân


Trong vòng xoáy cơ chế thị trường, nhiều nữ thanh niên nông thôn sớm từ bỏ làng quê vào làm trong các công ty, xí nghiệp với mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, cuộc sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, sự xô đẩy của môi trường đã khiến nhiều bạn gái sống thử trước hôn nhân để rồi tự nhận lấy những kết cục buồn.

Bế tắc từ "nồi cơm chung"

Nguyễn Thị D. năm nay 22 tuổi quê ở Gia Lộc, hiện đang là công nhân Công ty May Tinh Lợi (khu công nghiệp (KCN) Nam Sách, TP Hải Dương). Những ngày đầu mới lên thành phố, chị D. trọ cùng một cô bạn ở quê tại thôn Độc Lập, xã Ái Quốc (TP Hải Dương). Từ chỗ biết chia sẻ với nhau những khó khăn, lại cùng hoàn cảnh là công nhân nên chị D. và anh T. cùng xóm trọ đã có tình cảm với nhau. Lúc đầu chỉ là những lần đi chơi cùng với đám bạn, rồi dần hai người tách nhóm đi chơi riêng. Sau hơn 4 tháng tìm hiểu, chị D. đã quyết định dọn về phòng anh T. ở, cùng “góp gạo thổi cơm chung” để bớt phần gánh nặng về phòng trọ và tiện bề chăm sóc nhau vì chị nghĩ, trước sau gì hai người cũng làm đám cưới. Do thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản nên trong những lần quan hệ tình dục, chị D. đều không sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn. Khi biết chị D. có thai, anh T. đã yêu cầu chị phá thai vì chưa có điều kiện để cưới, đẻ con ra không lấy gì mà nuôi… Nghe lời người yêu, chị đến phòng khám tư nhân để bỏ thai trong bụng. Cuộc sống những ngày sau đó trở nên nặng nề hơn, anh T. dần bộc lộ thói ham chơi cờ bạc, nên kinh tế của “hai vợ chồng” ngày càng khó khăn. Vì nghĩ mình đã lỡ dại nên chị D. vẫn âm thầm chịu đựng với hy vọng một ngày anh T. sẽ sửa đổi và họ sẽ có một đám cưới như mong muốn. Lần thứ 2 có thai, chị D. phải tự đi “giải quyết” hậu quả một mình. Lần này, bác sĩ đã khuyên chị nên thận trọng trong quyết định bỏ thai bởi nó sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng làm mẹ của chị sau này. Nhưng rồi chị D. vẫn phải bỏ cái thai để có thể giữ chân người mình yêu. Tuy là góp gạo thổi cơm chung, nhưng mọi khoản chi phí cho sinh hoạt hằng tháng chị D. đều phải lo hết. Từ ngày dọn về ở với người yêu, chị D. không có tiền gửi về giúp bố mẹ. Lần thứ 3 có thai, cái thai đã 15 tuần tuổi, các bác sĩ khuyên chị nên giữ lại để tránh ảnh hưởng xấu đến sau này. Anh T. vẫn đưa ra hàng trăm lý do để không thể cưới. Chị D. đang bế tắc không biết giải quyết theo hướng nào vì nếu giữ lại cái thai thì với đồng lương ít ỏi không đủ nuôi thân làm sao chị đủ tiền nuôi con; hơn nữa chị sẽ ăn nói thế nào với bố mẹ ở quê, rồi còn bà con họ hàng...

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp một trường nghề ở Sao Đỏ (Chí Linh),  chị Nguyễn Thị P. xin vào làm tại Công ty TNHH Công nghiệp Brother (KCN Phúc Điền, Cẩm Giàng). Vì công ty không có nhà ở cho người lao động, P. đành thuê trọ ở ngoài cùng với 2 người bạn. Cuộc sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm nên khi người bạn trai ở cùng xóm trọ ngỏ lời yêu thương, P. đã nhanh chóng chấp nhận. Chỉ 1 tháng sau, P. đã cùng người yêu thuê phòng ở chung. Tuy nhiên, cuộc sống “vợ chồng” của đôi bạn trẻ cũng thường xuyên diễn ra cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Mỗi khi bực tức, không vừa ý chuyện gì là người yêu lại “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với P. Nhiều khi, P. đi làm với những vết bầm tím trên mặt. Trong quan hệ yêu đương, do còn trẻ nên đã một vài lần P. trót có thai, nhưng bạn trai cô vẫn chưa muốn tổ chức đám cưới nên P. đành phải âm thầm phá bỏ. P. tâm sự, cô cũng muốn chia tay người yêu nhưng lại sợ sau này, khi biết về quá khứ sẽ không còn chàng trai nào đến với mình. Hiện giờ cô đang rất buồn vì người yêu không hề đả động gì đến chuyện cưới xin.



Đoàn Thanh niên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát báo, tài liệu về sức khỏe sinh sản
cho các nữ công nhân tại một nhà trọ ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương)


Để nữ công nhân tự bảo vệ mình


Tỉnh ta hiện đang có 6 KCN hoạt động với số lượng công nhân lao động (CNLĐ) hơn 60 nghìn người, trong đó khoảng 70% là lao động nữ. Phần lớn họ phải thuê nhà trọ trong khu dân cư, cuộc sống xa quê còn nhiều khó khăn, thiếu thốn tình cảm. Mặt khác, với số lượng nữ nhiều hơn nam nên để giữ chân người yêu, các nữ công nhân sẵn sàng chấp nhận sống thử hoặc có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Kết quả là nhiều người lâm vào cảnh "không chồng mà chửa" hoặc bị chính bạn trai của mình bỏ rơi. Năm 2011, Trung tâm Hoạt động nhân đạo tỉnh đã tiếp nhận một bé sơ sinh bị vứt bỏ ở cổng ra vào. Trong số đồ dùng bỏ lại cùng cháu bé có một mảnh giấy do mẹ cháu ghi lại. Qua đó phỏng đoán cháu bé là con một nữ công nhân tự vượt cạn và không có khả năng nuôi dưỡng.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Phạm Thị Tú Anh, Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ - KHHGĐ (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản) cho biết: Vào các ngày thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, khoảng 50% số người tới khám tại trung tâm là nữ công nhân, trong đó có khoảng 10% xin phá thai. Nhiều nữ công nhân chia sẻ, họ phá thai vì chưa thể cưới do điều kiện kinh tế khó khăn.

Việc các bạn trẻ có nhu cầu chia sẻ tình cảm yêu thương là chuyện hết sức bình thường, nhưng các bạn nữ phải biết tự bảo vệ mình, tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản, phải có kỹ năng từ chối việc quan hệ tình dục không an toàn trước hôn nhân. Các cấp công đoàn ngoài hình thức tuyên truyền giúp nữ công nhân có các kiến thức về giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản... cần tổ chức nhiều sân chơi văn hóa, văn nghệ thu hút đông đảo công nhân tham gia. Qua đó, mang đến cho nữ công nhân đời sống tinh thần phong phú, lối sống lành mạnh.

SONG THANH