Gia Lộc xã hội hóa xây dựng nông thôn mới
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:04, 25/12/2012
Nhân dân thôn Cầu Lâm, xã Phạm Trấn làm đường giao thông nông thôn
Mặc dù trời mưa phùn, nhưng cụ Nguyễn Thị Tứ (82 tuổi, ở thôn Cầu Lâm, xã Phạm Trấn) vẫn đứng ở ngoài đường để "canh" không cho xe máy, ô-tô đi vào con đường mà thôn vừa mới làm. Cụ Tứ bảo: "Anh em trong xóm làm vất vả mới có được con đường này, hiện nay, đường chưa khô, nếu không đứng ở đây, nhỡ có xe to đi vào làm hỏng đường thì lại phải làm lại, tốn nhiều công sức, tiền bạc lắm". Cách đó không xa, nhân dân trong thôn đang tích cực đổ bê-tông đoạn đường còn lại.
Trước đây, đường thôn Cầu Lâm được làm bằng gạch, đường nhỏ và chưa có rãnh thoát nước. Tuy không quá khó khăn trong việc đi lại nhưng khi được sự hỗ trợ của cấp trên, lãnh đạo thôn đã tổ chức họp với nhân dân triển khai làm đường mới bằng bê-tông theo đúng tiêu chuẩn NTM. Chủ trương trên nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Ông Nguyễn Đức Thạch, Trưởng thôn Cầu Lâm cho biết: "Đến nay, đường trong thôn cơ bản được bê-tông hóa theo đúng tiêu chuẩn NTM, chỉ còn gần 500 m nữa, dự kiến đến hết tháng 12 này sẽ hoàn thiện. Ngoài được tỉnh hỗ trợ 383 tấn xi-măng thì mỗi khẩu trong thôn đóng góp 750 nghìn đồng và ngày công lao động. Ngoài việc đóng góp theo định mức, một số gia đình còn đóng góp thêm. Nhiều gia đình hiến đất để mở rộng và nắn thẳng đường mà không đòi đền bù. Tiêu biểu như gia đình ông Nhỡ hiến 70 m2. Những gia đình hiến dưới 10 m2 thì rất nhiều".
Ngoài phong trào đóng góp, hiến đất làm đường, năm 2011, thôn Cầu Lâm cũng vận động nhân dân trong thôn và con em xa quê được gần 1 tỷ đồng để xây mới đình thôn. Nhiều gia đình, dòng họ đã đóng góp với số tiền vài chục triệu đồng như: dòng họ Nguyễn Đức 70 triệu đồng, dòng họ Nguyễn Thiện 30 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Túc 30 triệu đồng. Có 4 gia đình thuần nông là Nguyễn Văn Thuy, Phạm Văn Phú, Nguyễn Đức Nhờ và Nguyễn Đức Sáo, mỗi gia đình đóng góp 5 triệu đồng. Ông Nguyễn Đức Tùy năm nay đã 70 tuổi, một trong những người tiêu biểu trong việc đóng góp ở địa phương cho biết: "Gia đình tôi có 5 người con, mỗi khi thôn có việc, tôi đều vận động và được con cháu ủng hộ nhiệt tình. Khi thôn làm đình, gia đình tôi ủng hộ 100 triệu đồng, làm đường thôn này tôi cũng ủng hộ thêm 5 triệu đồng, ngoài ra còn ủng hộ đồng bào lũ lụt, người nghèo...".
2 năm qua, phong trào làm đường giao thông nông thôn ở xã Đoàn Thượng phát triển mạnh mẽ. Tính đến tháng 12 năm nay, toàn xã đã bê-tông hóa được 24,24 trong tổng số 25,44 km đường giao thông nông thôn. Hầu hết các thôn trong xã đều tích cực vận động nhân dân làm đường giao thông nông thôn. Cụ thể, thôn Đươi làm tuyến đường dài 374 m, tổng kinh phí gần 225 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 131 triệu đồng; thôn Thung Độ làm tuyến đường dài trên 1,1 km, kinh phí trên 576 triệu đồng, nhân dân đóng góp trên 286 triệu đồng; thôn Tháng làm đường dài 351 m, kinh phí trên 176 triệu đồng, nhân dân đóng góp 76 triệu đồng. Ngoài đóng góp tiền, nhân dân các thôn còn hiến gần 1.000 ngày công lao động và đất để mở rộng đường.
Đánh giá về hiệu qủa của phong trào xã hội hóa xây dựng NTM, ông Đỗ Văn Sáng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc cho biết: Ngay từ khi triển khai xây dựng NTM, Ban chỉ đạo huyện đã xác định, Gia Lộc là huyện thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu từ cấy lúa và trồng rau màu, số lượng doanh nghiệp đóng trên địa bàn ít, vì vậy, để xây dựng NTM đạt kết quả cao thì việc huy động sức dân là việc làm rất quan trọng. Huyện chỉ đạo các xã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, làm cho nhân dân hiểu và đồng tình trong các việc làm, tránh tình trạng nhân dân chưa hiểu mà phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Mỗi nơi, tùy thuộc điều kiện của mình có những hỗ trợ cụ thể nhằm khuyến khích tinh thần cho nhân dân. 2 năm qua, toàn huyện đã đầu tư trên 91 tỷ đồng để xây dựng, tu sửa các công trình giao thông nông thôn, nhà văn hóa, thủy lợi nội đồng... Trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ 375 triệu đồng, ngân sách xã đầu tư 29 tỷ đồng, vốn của doanh nghiệp 27 tỷ đồng, còn lại 34,7 tỷ đồng là vốn của nhân dân đóng góp. Qua các con số trên, thấy được vai trò của nhân dân rất lớn trong xây dựng NTM.
Bên cạnh những thuận lợi, trong xây dựng NTM ở Gia Lộc còn gặp một số khó khăn. Thu nhập của nhân dân còn thấp nên việc xã hội hóa chưa được cao. Một số nơi thực hiện theo chính sách "chia" cụ thể cho từng khẩu mà chưa làm được theo hình thức để nhân dân tự nguyện đóng góp. Nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, cho rằng đây là việc của Nhà nước, chính quyền. Để việc xây dựng NTM đạt kết quả cao, đạt được mục tiêu, trong thời gian tới, huyện Gia Lộc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân...
THANH HÀ