Cụm công nghiệp "vắng khách"

Kinh tế - Ngày đăng : 05:55, 27/12/2012

Thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều nhà đầu tư chưa muốn vào các cụm công nghiệp.



Hầu hết các cụm công nghiệp đều bám mặt đường, mà vẫn khó thu hút đầu tư

Khó thu hút đầu tư

Theo Sở Công thương, hiện nay tỉnh ta có 36 CCN với tổng diện tích quy hoạch còn gần 1.700 ha, trong đó có hơn 1.089 ha đất sản xuất công nghiệp. Đến nay, có 30 CCN đã đi vào hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy khá cao, hơn 67% (bình quân toàn quốc là 46%). Tuy nhiên, bên cạnh 18 CCN đã lấp đầy từ 70% diện tích trở lên, vẫn còn tới 12 CCN đang hoạt động... nhưng vắng như "chùa Bà Đanh", 6 cụm đang xây dựng với tốc độ "rùa bò" hoặc còn trên giấy? Ông Nguyễn Văn Năng, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Cẩm Giàng cho biết, 2 CCN ở Lương Điền (Cẩm Giàng) là số ít CCN có nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật (Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trường Dương làm chủ đầu tư), đều nằm sát quốc lộ 38 và gần nút giao thông Quán Gỏi trên quốc lộ 5, liền kề làng nghề mộc Đông Giao. Cả năm nay, chủ đầu tư đã tổ chức quảng bá, khuyến khích thuê đất sản xuất nhưng vẫn luôn vắng khách. Muốn bán cả dự án cũng chưa tìm được đối tác. Cụm CCN này khoảng 75 ha nhưng mới có 2 dự án sử dụng 5 ha, đều là các đơn vị có trước khi thành lập CCN.

Huyện Thanh Miện xây dựng 4 CCN, với tổng diện tích quy hoạch hơn 164 ha, trong đó CCN Tứ Cường thành lập 2004, Đoàn Tùng thành lập năm 2005, nhưng đến nay vẫn chưa có khách; 2 CCN Ngũ Hùng và Cao Thắng đều thành lập 2009, cũng mới thu hút được mỗi cụm 1 dự án với tỷ lệ lấp đầy dưới 9%...

Tỷ lệ thuê đất quá thấp khiến các CCN không thể hoạt động hiệu quả và nảy sinh nhiều bất cập. Theo quy hoạch, các CCN đã được phê duyệt đều bố trí các công trình thu gom, xử lý rác, nước thải tập trung, diện tích trồng cây xanh... Tuy nhiên, do các CCN chưa có chủ đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng nên chưa được lập báo cáo đánh giá tác động môi trường... Nước thải của các cơ sở sản xuất trong cụm xả trực tiếp vào hệ thống thủy lợi, ruộng canh tác xung quanh, gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng sản xuất và sinh hoạt. Một số CCN do không có hệ thống thoát nước mặt, nước thải bảo đảm nên đã xảy ra úng lụt, ô nhiễm cục bộ khi trời mưa, điển hình như CCN Tân Hồng (Bình Giang), CCN phía tây đường Ngô Quyền, thuộc phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương)... Ở một số CCN, rác thải rắn được đổ, đốt bừa bãi ở ngay diện tích đất chưa sử dụng liền kề trong CCN, gây ô nhiễm môi trường như ở các CCN Hưng Thịnh, Tráng Liệt (Bình Giang), Cộng Hòa, Tân Dân (Chí Linh)... Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), qua kết quả quan trắc và phân tích các thông số môi trường chất lượng nước mặt tại các mương thoát nước, nguồn tiếp nhận nước thải của các CCN đã có các dự án vào hoạt động thì hầu hết đã có dấu hiệu bị ô nhiễm. Một số CCN đã trở thành điểm "nóng" về ô nhiễm môi trường như CCN Gia Lộc 1, CCN phía tây đường Ngô Quyền ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương), CCN Tân Hồng (Bình Giang)...

Chính vì hoạt động không hiệu quả nên một số CCN đã phải chuyển mục đích sử dụng. Trước năm 2010, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch phát triển 40 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích gần 2.000 ha. Nhưng nay, ngoài CCN Lai Cách đã nâng cấp thành khu công nghiệp thì một số CCN đã phải chuyển thành khu đô thị như các CCN: Chí Minh (Chí Linh), Đồng Tâm-Vĩnh Hòa (Ninh Giang)... Một số CCN giảm quy mô, do một phần diện tích chuyển thành đất ở như ở các CCN Việt Hòa, Cẩm Thượng (TP Hải Dương), Hiệp Sơn (Kinh Môn), Cộng Hòa (Kim Thành), hoặc được điều chỉnh quy hoạch để phát triển hạ tầng giao thông như ở Nhân Quyền (Bình Giang).

Cần có cơ chế, chính sách phù hợp

Ông Vũ Doãn Quang, Giám đốc Sở Công thương đánh giá, những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển các CCN. Điều này được thể hiện trong các Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… Tỉnh ta cũng có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ để phát triển các ngành công nghiệp nói chung, trong đó có CCN. Cơ chế hỗ trợ tập trung vào đầu tư hạ tầng thiết yếu như điện, cấp thoát nước, đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc, giải phóng mặt bằng, vay vốn tín dụng đầu tư phát triển, các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm có thời hạn tiền đất… Tuy nhiên, do ngân sách địa phương hạn chế, lại chưa có quy định thống nhất của Trung ương nên mức hỗ trợ còn rất thấp so với nhu cầu. Thêm nữa, việc đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào CCN cũng còn nhiều vấn đề cần bàn. Ở nhiều CCN, nhà đầu tư phải tự làm hạ tầng ngoài hàng rào, địa phương chỉ hỗ trợ một phần hoặc trừ vào tiền thuê đất. Điều này đã khiến các CCN không chỉ khó thu hút nhà đầu tư, mà thời gian xây dựng hạ tầng kỹ thuật cũng thường bị kéo dài từ 3-5 năm.

Các quy định đối với việc thành lập cụm công nghiệp cần phải chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, cần có nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cần định hướng sử dụng vào việc xây dựng các công trình xử lý nước thải, chất thải. Một số chuyên gia cho rằng, thay vì hỗ trợ cho nhiều CCN, thì nên có hỗ trợ để xây dựng nên những cụm “ra tấm, ra món”. Ngoài hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hạ tầng CCN, các doanh nghiệp sản xuất cũng cần được hỗ trợ khi di dời vào CCN, chi phí các doanh nghiệp phải trả lớn hơn rất nhiều so với tự thuê đất ở bên ngoài hay tận dụng sản xuất ngay tại hộ gia đình.

Để các CCN trên địa bàn tỉnh ổn định và phát triển bền vững, các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục cụ thể hóa quy hoạch phát triển CCN theo quy hoạch vùng tỉnh, cấp huyện phải xây dựng đề án Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn bảo đảm phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đồng thời phù hợp yêu cầu bảo vệ môi trường chung.  

THÀNH LONG