Đừng coi văn hóa là thứ yếu
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:51, 27/12/2012
Trong khi hàng loạt tiêu chí đã và đang được các địa phương đặt mục tiêu chinh phục thì tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM hiện đang bị coi nhẹ.
Xã Tân Quang (Ninh Giang) đã quy hoạch đất xây trung tâm văn hóa xã nhưng chưa biết bao giờ mới triển khai được
Không khó để nhận thấy khi công cuộc xây dựng NTM được triển khai, diện mạo các xóm thôn thay đổi hằng ngày. Nhiều địa phương đua nhau làm đường giao thông, đường nội đồng, chỉnh trang làng xóm, xây dựng các công trình công cộng: trụ sở làm việc UBND xã, trạm y tế, trường học… Nhiều tiêu chí như quy hoạch và thực hiện quy hoạch, môi trường, điện, bưu điện… đã và đang được nhiều địa phương cán đích. Nhưng phần lớn các địa phương mới tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng.
Về xã Tân Quang (Ninh Giang), chúng tôi thấy trung tâm xã mới được xây dựng hai tầng khang trang. Tân Quang có 2 thôn Đoàn Xá và Hội Xá, được chia thành 4 khu dân cư, là một trong 5 xã của Ninh Giang xây dựng NTM giai đoạn I. Chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi, đến nay, xã đã có trạm y tế, 3 trường học đạt chuẩn. Cả 2 thôn là làng văn hóa, 4 khu dân cư có nhà văn hóa đổ mái bằng. Tuy nhiên, so với tiêu chí NTM thì cả 4 đều chưa đạt. Trong đó, 3 nhà văn hóa phải mở rộng khuôn viên, nhà văn hóa của thôn Đoàn Xá phải xây mới. Xã đã quy hoạch khu trung tâm thể thao-văn hóa với diện tích 3,75 ha. Trong đó, riêng kinh phí xây nhà văn hóa trung tâm dự kiến từ 4,5-5 tỷ đồng. Quy hoạch là vậy nhưng xã thừa nhận chưa biết đến bao giờ mới triển khai được. Ông Vũ Duy Điển, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tân Quang đã đạt 10 tiêu chí NTM. Xã đang tập trung nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Hạng mục được xã ưu tiên thực hiện trong nhiệm kỳ này là trụ sở làm việc với kinh phí trên 6 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh hỗ trợ 3 đợt 2,1 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách xã. Xã cũng được trên hỗ trợ 500 triệu đồng xây dựng bãi rác tập trung. Công tác quy hoạch đã xong chỉ chờ triển khai. Cùng với đó, Tân Quang đang huy động nguồn lực trong dân xây dựng trên 1,1 km đường giao thông. Còn về cơ sở vật chất văn hóa, do thiếu kinh phí, địa phương phải tạm gác lại. Nếu chỉ trông vào nguồn lực địa phương thì mốc đề ra năm 2015 không thể đạt được. Trước mắt, xã sẽ sử dụng hội trường đã có sẵn cho các sự kiện văn hóa, hội họp.
Tiêu chí văn hóa đang khiến không ít địa phương đau đầu. Xã Đồng Quang (Gia Lộc) có 7 thôn, là một trong 6 xã được chọn xây dựng NTM giai đoạn I của tỉnh. Ông Đỗ Xuân Cộng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Theo bộ tiêu chí quốc gia về NTM, để đạt về văn hóa thì xã phải có từ 70% số thôn trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa. Thế nhưng hiện mới chỉ có duy nhất thôn Đôn Thư được công nhận danh hiệu làng văn hóa từ năm 2006.
Đôn Thư là làng duy nhất của xã Đồng Quang (Gia Lộc) được công nhận danh hiệu làng văn hóa,
nhưng cơ sở vật chất còn rất hạn chế
Theo hướng dẫn, để được công nhận làng văn hóa phải có từ 80% số gia đình trở lên có đời sống kinh tế ổn định, tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%; có cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ nhu cầu cộng đồng; đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, môi trường sạch sẽ; có từ 80% số hộ trở lên được công nhận là gia đình văn hóa, không có án hình sự, không có người mắc tệ nạn xã hội và người sinh con thứ ba... Với một xã còn bộn bề khó khăn như Đồng Quang, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 17%, để thực hiện các tiêu chuẩn trên không thể một sớm một chiều. Năm 2012, xã đăng ký xây dựng thôn Đông Trại là làng văn hóa. Đoàn kiểm tra của huyện đã về kiểm tra đợt đầu. Sang năm 2013, Đồng Quang phấn đấu xây dựng thêm hai làng văn hóa là Đông Thượng và Đông Hạ. Theo quy định, qua 3 năm kiểm tra nếu đạt sẽ được ra quyết định công nhận làng văn hóa. Nếu suôn sẻ, năm 2015, Đồng Quang sẽ có 4/7 thôn đạt danh hiệu văn hóa, chiếm 57%, vẫn thấp hơn so với quy định. Đến nay, Đồng Quang mới đạt được 6 trong tổng số 19 tiêu chí.
Sự kém bền vững của các làng văn hóa cũng là một trong những khó khăn trực tiếp tác động đến công cuộc xây dựng NTM. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay, tỉnh ta có 878 trong tổng số 1.431 làng, khu dân cư được công nhận danh hiệu văn hóa (61%). Được công nhận đã khó, nhưng duy trì, giữ vững danh hiệu cũng lắm gian nan. Toàn tỉnh đã có 26 làng, KDC bị xóa danh hiệu và thu hồi bằng. Hằng năm, mỗi huyện có từ một đến hàng chục làng bị nhắc nhở vì còn để sinh con thứ 3, vệ sinh môi trường không bảo đảm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Hiện cũng còn 12 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thị xã "trắng" làng, khu dân cư văn hóa. Còn theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cấp huyện, đến hết tháng 10-2012, toàn tỉnh có 406 trong tổng số 1.026 nhà văn hóa xã đạt chuẩn, 40 trong tổng số 536 khu thể thao xã đạt chuẩn. Những con số trên là thách thức không nhỏ trong công cuộc xây dựng NTM.
Cần giải pháp cụ thể
Hưởng ứng công cuộc xây dựng NTM, thời gian qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều chương trình kế hoạch như “xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở” giai đoạn 2011-2015, Đề án “Phát triển văn hoá nông thôn”, hỗ trợ các trang thiết bị văn hoá, thể thao cho 2 xã điểm là Tân Kỳ (Tứ Kỳ) và Bình Xuyên (Bình Giang) bằng hiện vật trị giá 50 triệu đồng. Ngành rà soát, nắm bắt tiến độ thực hiện các tiêu chí về văn hoá ở 58 xã giai đoạn I. Trong năm 2012, UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho 122 nhà văn hoá thôn, khu dân cư với tổng kinh phí 8,72 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc xây dựng các tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM đang vướng những hạn chế, khó khăn chung như vốn đầu tư cho các xã giai đoạn I còn quá ít, nhận thức của một số xã về xây dựng NTM chưa toàn diện, chưa tích cực, chủ động, chưa năng động, sáng tạo để huy động các nguồn lực tài chính và sức dân tham gia.
Xây dựng NTM để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, vì vậy cần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào các cấp, rà soát bổ sung quy chế, đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp với công cuộc xây dựng NTM. Sáng tạo các hình thức vận động các tầng lớp nhân dân, các cộng đồng dân cư đoàn kết giúp nhau xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, nâng cao chất lượng danh hiệu gia đình, làng, khu dân cư văn hóa. Khơi dậy, phát huy ý thức tự nguyện, tự quản cộng đồng của các tầng lớp nhân dân trong quá trình xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa. Cần có những giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc về xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, cụ thể hoá thành các tiêu chí để đánh giá, bình xét các danh hiệu thi đua.
Bên cạnh đó, cần tập trung nguồn lực thỏa đáng xây dựng cơ sở vật chất văn hóa theo tiêu chí NTM. Đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa, vận động nhân dân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở cộng đồng. Nếu thực hiện tốt khâu tuyên truyền, nhân dân hiểu sẽ đồng lòng hiến đất, đóng góp tiền của xây dựng các thiết chế văn hóa.
Mỗi địa phương cần sáng tạo, linh hoạt trong cách làm, tìm tòi cách tháo gỡ, đưa người dân thật sự thành chủ thể trong xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Đặc biệt, lãnh đạo địa phương phải bỏ tư tưởng chờ đợi đầu tư của Nhà nước, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tìm ra các giải pháp phù hợp với địa phương mình.
HẰNG TRẦN