Hướng phát triển bền vững của ngân hàng
Công nghiệp - Ngày đăng : 05:42, 28/12/2012
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Hải Dương vẫn dẫn đầu thị phần dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (NNNT). Năm 2012, Agribank Hải Dương tiếp tục triển khai một số đề án cho vay lĩnh vực NNNT như: đề án cơ giới hóa nông nghiệp, đề án chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, giải quyết vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục vụ NNNT nhằm mục đích tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất với lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết 13 của Chính phủ. Ngoài khách hàng cá nhân và hộ gia đình, Agribank Hải Dương còn chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các đối tượng sản xuất, kinh doanh hiệu quả, chương trình xây dựng nông thôn mới... Vì vậy, hết tháng 11, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank Hải Dương đạt 6.763 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2011. Trong đó, cho vay lĩnh vực NNNT đạt 5.438 tỷ đồng, chiếm 80% tổng dư nợ toàn chi nhánh, tăng hơn 1.800 tỷ đồng so với năm 2011, vượt 12% chỉ tiêu kế hoạch được giao. Nếu tính riêng cho vay lĩnh vực NNNT của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh, dư nợ của Agribank Hải Dương chiếm tới 40% tổng dư nợ.
Nhiều hộ nông dân được hỗ trợ lãi suất mua máy nông nghiệp
Thời gian qua, mới có một vài TCTD lớn như: Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV... khai thác thị trường NNNT. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, khả năng hút vốn của khu vực NNNT vẫn còn rất lớn. Đây chính là lý do các TCTD dần chuyển dòng vốn về khu vực nông thôn để tăng lợi nhuận, đồng thời tạo sự an toàn cho hoạt động kinh doanh. Các TCTD tập trung kiện toàn các phòng giao dịch, tích cực chăm sóc khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch, triển khai nhiều gói vay với lãi suất ưu đãi đối với lĩnh vực NNNT. Nguồn vốn cũng được các TCTD điều hòa linh hoạt, chủ động, nhằm đáp ứng đủ vốn vay cho nhu cầu của người dân khu vực nông thôn. Ông Nguyễn Văn Miêng, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Nhị Chiểu cho biết: "Hết tháng 11, dư nợ cho vay khu vực nông thôn của VietinBank Nhị Chiểu đạt gần 470 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng dư nợ toàn chi nhánh. Khách hàng truyền thống của VietinBank là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản... Tuy nhiên, VietinBank Nhị Chiểu vẫn dành một nguồn vốn nhất định cho lĩnh vực NNNT. Tất cả các chương trình cho vay NNNT đều được VietinBank Nhị Chiểu triển khai, trong đó tập trung chủ yếu vào cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp và cho vay tiêu dùng trên địa bàn nông thôn. Mặc dù chỉ là những món vay nhỏ lẻ, nhưng đã đem lại hiệu quả cao nhờ tính an toàn của đồng vốn. Tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn thấp hơn rất nhiều so với các gói cho vay sản xuất, kinh doanh khác. Đây là thị trường đầy tiềm năng, bền vững để VietinBank Nhị Chiểu tiếp tục khai thác trong thời gian tới".
Trước đây, nhiều ngân hàng chỉ tập trung ưu tiên cho những dự án, những doanh nghiệp lớn với những món vay từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng. Những món vay này đã đem lại khoản lợi nhuận khá cho ngân hàng. Tuy nhiên, cũng vì những món vay lớn, nên chỉ cần một vài doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ xấu sẽ tăng nhanh, kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận lập tức bị ảnh hưởng. Vì vậy, từ cuối năm 2011, một số ngân hàng trên địa bàn TP Hải Dương đã chuyển dần dòng vốn về khu vực NNNT. Mặc dù các món vay không lớn, công việc của các nhân viên tín dụng vất vả hơn, chi phí cũng tăng, nhưng khách hàng trả nợ gốc và lãi rất đúng hạn, tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn rất thấp. Hiện tại, một số ngân hàng đang xây dựng kế hoạch chi tiết để có thể tiếp cận sâu rộng hơn nữa vào thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng này.
Khi các TCTD hướng dòng vốn về nông thôn, nông dân là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Anh Chu Trọng Thứ ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cho biết, từ năm 1994 đến nay, nếu không có nguồn vốn vay của ngân hàng thì anh không thể duy trì và phát triển trang trại của mình. Với nguồn vốn ngân hàng cộng với nguồn lực sẵn có, anh xây dựng trang trại trên diện tích 2,2 mẫu, trong đó có 1,5 mẫu ao, gần 1.000 m2 chuồng trại chăn nuôi gà, lợn. Dưới ao, thả các loại cá truyền thống như trắm, trôi, chép, rô phi. Ngoài 100 con lợn nái và vài trăm con lợn thịt, mỗi năm anh nuôi thêm khoảng 5.000 con gà, ngan, vịt. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi từ 200 - 250 triệu đồng.
Là người thường xuyên giúp nông dân tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, ông Lê Văn Duẩn, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Thanh Miện cho biết: "Năm 2012, HND huyện Thanh Miện đứng ra tín chấp cho các hội viên vay gần 85 tỷ đồng từ Agribank Thanh Miện, trên 30 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và hàng chục tỷ đồng từ các ngân hàng khác trên địa bàn huyện. Các TCTD trên địa bàn huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Đặc biệt, chương trình vay vốn mua máy nông nghiệp được nhiều nông dân hưởng ứng. Hiện tại đã có 42 hộ tham gia chương trình, trong đó có 5 ô tô, 3 máy gặt đập liên hợp và 34 máy cày, máy tuốt lúa với tổng vốn vay 5 tỷ đồng".
Nhờ phát triển trang trại tổng hợp, mỗi năm anh Chu Trọng Thứ, thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ)
thu lãi hàng trăm triệu đồng
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh, hết tháng 11, tổng dư nợ thuộc lĩnh vực NNNT đạt 14.106 tỷ đồng, chiếm tới 46% tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh, tăng 3,3% so với cuối năm 2011. Trong đó, cho vay chi phí sản xuất nông nghiệp đạt 5.213 tỷ đồng; cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn đạt 4.453 tỷ đồng; cho vay phát triển ngành nghề nông thôn đạt gần 1.400 tỷ đồng... Số nợ xấu, nợ quá hạn khoảng 106 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ rất thấp so với các khoản vay khác. Tuy nhiên, tín dụng lĩnh vực NNNT vẫn còn những hạn chế như: dòng vốn chỉ tập trung vào một số lĩnh vực, chương trình nhất định. Trong đó, cho vay chi phí sản xuất nông nghiệp, cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp và cho vay tiêu dùng cá nhân trên địa bàn nông thôn chiếm trên 70% tổng dư nợ. Những đối tượng rất cần vốn để phát triển sản xuất như: chủ trang trại, HTX, tổ hợp tác lại khó tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng. Những hạn chế này cần được khắc phục để đồng vốn thực sự phát huy hiệu quả, tạo nền tảng phát triển bền vững cho các TCTD.
VỊ THỦY