Lò gạch thủ công trước ngày “khai tử”

Công nghiệp - Ngày đăng : 07:22, 28/12/2012

Mặc dù chuẩn bị phải ngừng hoạt động nhưng tâm lý chung của nhiều chủ lò gạch vẫn chưa thực sự sẵn sàng, có ý kiến đề nghị tỉnh gia hạn cho lò úp vung.


63 cặp lò gạch úp vung trong tỉnh sẽ phải dừng hoạt động từ ngày 1-1-2013.
 Trong ảnh: Một cặp lò gạch úp vung của ông Ngô Văn Viện ở xã Kim Đính (Kim Thành)


Theo Sở Xây dựng, toàn tỉnh hiện có 63 cặp lò úp vung sẽ phải ngừng hoạt động theo quy định của UBND tỉnh, tập trung chủ yếu ở Kim Thành, Nam Sách, Chí Linh, Kinh Môn. Theo ghi nhận của chúng tôi vào những ngày cuối tháng 12 này, các cơ quan chức năng trong tỉnh đang tích cực tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc các chủ lò gạch chấp hành quy định của tỉnh. Tuy nhiên, tâm lý chung của nhiều chủ lò gạch vẫn chưa thực sự sẵn sàng ngừng hoạt động từ ngày 1-1 tới, có ý kiến đề nghị UBND tỉnh gia hạn thời gian hoạt động cho lò úp vung.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Sáng 26-12, ông Lê Ngọc Sang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Kim Thành đã trực tiếp kiểm tra các lò gạch úp vung ở bãi sông xã Kim Đính. Đây là xã có số lượng lò úp vung nhiều nhất huyện, gồm 2 cặp lò của ông Ngô Văn Viện và 2 cặp của ông Nguyễn Đức Tiến. Ông Lê Ngọc Sang yêu cầu các chủ lò ở đây phải chấp hành nghiêm quy định dừng hoạt động từ ngày 1-1 tới. Trước đó, UBND huyện Kim Thành đã có công văn, tổ chức hội nghị thông báo tới các xã, chủ lò gạch về quyết định của UBND tỉnh. Huyện Kim Thành sẽ có 13 cặp lò úp vung ở các xã Tam Kỳ, Liên Hòa, Bình Dân, Kim Đính, Ngũ Phúc, Kim Lương phải ngừng hoạt động từ ngày 1-1-2013.

Huyện Nam Sách hiện có 12 cặp lò úp vung ở 3 xã Hiệp Cát (8 cặp), Cộng Hòa (2 cặp), Nam Tân (2 cặp). Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách cho biết: “Sau khi có Quyết định 2519 của UBND tỉnh, ngày 27-11, UBND huyện Nam Sách đã có công văn đôn đốc các xã, chủ lò gạch thực hiện nghiêm quyết định của UBND tỉnh. UBND huyện cũng đã thành lập đoàn kiểm tra các xã thực hiện quyết định như thế nào. UBND xã có hoạt động sản xuất gạch đã thông báo đầy đủ, tuyên truyền về quyết định cấm lò gạch úp vung hoạt động từ ngày 1-1 tới”.

Ngày 18-12 vừa qua, UBND huyện Thanh Hà cũng có thông báo tới UBND các xã, chủ lò gạch về quyết định cấm hoạt động lò úp vung. UBND huyện yêu cầu UBND xã kiểm tra, giám sát các chủ lò gạch chấp hành quy định về thời gian tháo dỡ, san tản, thực hiện các nghĩa vụ có liên quan. Chỉ đạo việc tháo dỡ các vỏ lò úp vung, hoàn thổ khu vực lấy đất làm gạch, trả lại mặt bằng phục vụ sản xuất. Rà soát các hợp đồng thuê, thầu đất giữa UBND xã với chủ lò để thanh lý hợp đồng với trường hợp phải tháo dỡ. Đối với các trường hợp cố tình không chấp hành, UBND xã phối hợp với cơ quan liên quan lập biên bản, xử lý theo quy định. Đối với các chủ lò gạch úp vung, trước mắt cần dừng khai thác nguyên liệu, dừng sản xuất để bảo đảm thời gian chấm dứt hoạt động từ ngày 1-1-2013.

Nguyện vọng của một số chủ lò là không chính đáng

Trước ngày lệnh cấm có hiệu lực, nhiều chủ lò gạch úp vung vẫn tiếp tục sản xuất. Sáng 26-12 vừa qua, tại khu vực lò gạch của ông Ngô Văn Viện ở xã Kim Đính (Kim Thành), công nhân vẫn tiếp tục đưa gạch mộc vào lò để chuẩn bị đốt. Ông Viện cho biết: “Hoạt động sản xuất gạch của tôi giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động, thu nhập bình quân của mỗi lao động từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Khi lò dừng hoạt động thì người lao động sẽ tự giải tán về quê. Tôi mong muốn tỉnh gia hạn hoạt động lò gạch thêm một thời gian nữa để giải phóng nguyên liệu tồn đọng. Nếu tỉnh có cơ chế chuyển đổi từ lò gạch úp vung sang lò hốp-man thì chúng tôi sẽ làm”. Tương tự, ông Nguyễn Đức Tiến, một chủ lò gạch úp vung ở đây cũng mong muốn tỉnh gia hạn hoạt động để khai thác hết hàng nghìn m3 đất còn tồn đọng. Mặt khác, tỉnh nên có cơ chế hoạt động cho các loại lò gạch áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để chủ lò chuyển đổi khi xóa lò úp vung.

Nhiều chủ lò gạch úp vung cũng đã có đơn đề nghị cơ quan chức năng gia hạn thời gian hoạt động. Ông Phan Văn Bẩy, một chủ lò gạch ở xã Hiệp Cát (Nam Sách) đề nghị tỉnh kiểm tra toàn bộ các loại lò gạch trong tỉnh. Những lò gạch không bảo đảm quy định về xây dựng, môi trường thì loại bỏ, lò gạch nào bảo đảm thì cho hoạt động từ nay đến năm 2015. Trong thời gian này, chủ lò sẽ cam kết thực hiện nghiêm quy định về xây dựng, vận hành, xử lý môi trường và các nghĩa vụ khác.

Việc UBND tỉnh đề ra lộ trình cấm hoạt động lò gạch úp vung, liên tục kiểu đứng, hốp-man là để bảo đảm cân đối cung - cầu trong sản xuất, kinh doanh gạch, giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân ở nhiều địa phương, hạn chế khai thác quá mức tài nguyên đất và chấn chỉnh những chủ lò cố tình vi phạm pháp luật. Không phải đến bây giờ, tỉnh mới “bất ngờ” thông báo về lệnh cấm mà đã có lộ trình từ trước, thông báo rộng rãi tới các chủ lò. Do vậy, các chủ lò cần thực hiện nghiêm quyết định của UBND tỉnh, lò úp vung phải ngừng hoạt động từ ngày 1-1-2013. Những chủ lò mong muốn tiếp tục sản xuất gạch nên áp dụng công nghệ sản xuất gạch không nung để bảo đảm môi trường.

Ngày 1-11-2012, UBND tỉnh có Quyết định 2519/QĐ-UBND về việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công có xử lý nước vôi (lò úp vung), lò liên tục kiểu đứng và lò hopman (hốp-man). Theo đó, lò úp vung sẽ chấm dứt hoạt động từ ngày 1-1-2013, lò liên tục kiểu đứng, hốp-man ngừng hoạt động từ ngày 1-1-2016. Đối với lò liên tục kiểu đứng có vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Quyết định số 661/QĐ-UBND ngày 15-3-2011 của Chủ tịch UBND tỉnh cũng ngừng hoạt động từ ngày 1-1-2013.



NINH TUÂN - THÀNH LONG