Chuyện bây giờ mới kể

Tin tức - Ngày đăng : 12:27, 28/12/2012

Không thể ngờ được, một người nhỏ thó như ông lại dám xông lên bắt giữ giặc lái B52 của Mỹ vào rạng sáng một ngày 40 năm về trước.


Đó chính là ông Nguyễn Văn Gián ở khu Thượng, xã Tráng Liệt (Bình Giang).




Địa điểm ông Gián bắt giữ giặc lái B52


Từ chính trị viên trung đội nữ dân quân

Năm nay, mặc dù đã bước sang tuổi 81 nhưng ông vẫn nhớ tường tận từng sự kiện cách đây hơn 40 năm qua. Khi chúng tôi hỏi về trận đánh tiêu diệt máy bay Mỹ đêm 31-3-1968 của Trung đội nữ dân quân xã Tráng Liệt và việc ông bắt giặc lái B52 của Mỹ vào rạng sáng 22 - 12 - 1972, mắt ông ánh lên tự hào. Ông Gián cho biết: Trung đội nữ dân quân Tráng Liệt được thành lập vào tháng 9 - 1967 có 22 người, tuổi đời trung bình là 18. Ông Gián 17 tuổi, nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn nên địa phương biên chế vào lực lượng dân quân của xã. Ban Chỉ huy trung đội gồm có Trung đội trưởng Đặng Thị Minh, Trung độ phó Bùi Thị Kim, ông Gián là Chính trị viên. Các đồng chí trong trung đội đều có ý chí quyết tâm cao, đã qua nhiều đợt huấn luyện và trực tiếp chiến đấu. Sau khi thành lập, Trung đội dân quân xã Tráng Liệt được trang bị 4 khẩu 12 ly 7, được Tỉnh đội và Huyện đội Bình Giang cử cán bộ về huấn luyện. Từ tháng 11 - 1967 đến tháng 2 - 1968, trung đội đã tham gia một số trận đánh nhưng chưa lần nào bắn rơi được máy bay Mỹ. Tháng 3 - 1968, trung đội xung phong cơ động xuống Hà Kỳ (Tứ Kỳ) đón lõng đường bay của địch. Đến ngày 16 - 3 - 1968, trung đội bố trí trận địa ở bãi giáp sông Luộc, gần bến đò Chanh, thuộc huyện Phụ Dực (nay là huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) để đánh địch. Khoảng 23 giờ ngày 31-3-1968, một tốp máy bay của Mỹ ném bom đánh phá khu vực thị trấn Ninh Giang. Khi máy bay địch vào đúng cự ly trận địa phục kích, dưới sự chỉ huy của Ban Chỉ huy trung đội, các khẩu pháo lập tức bắn chụm vào mục tiêu, tiêu diệt chiếc máy bay A-6A của địch. Với chiến công này đã góp phần buộc Mỹ phải ký tuyên bố kết thúc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ở miền Bắc. Sau chiến công đó, ông Gián được Bộ Tư lệnh Quân khu tả ngạn tặng Bằng khen.

Đến bắt giặc lái B52

Vào thời điểm giặc Mỹ đem B52 đánh vào Thủ đô Hà Nội, ông Gián là dân quân của xã nên thường xuyên cùng với lực lượng khác tuần tra, sẵn sàng chiến đấu. Ông Gián nhớ lại: "Đêm ngày 22 - 12 - 1972, súng nổ vang trên bầu trời Hà Nội, trong lòng tôi thấp thỏm không yên. Đúng lúc ấy, tôi nghe được thông tin trên hệ thống truyền thanh của xã thông báo máy bay B52 đã bị quân ta tiêu diệt trên bầu trời Hà Nội, phi công nhảy dù rơi phía Hải Dương. Sau khi nghe thông báo, tôi chạy ra theo đường làng cách nhà khoảng nửa cây số để xem xét tình hình. Khi đến khu vực cánh đồng thuộc đội 1, thuộc khu Thượng của xã, tôi bất chợt nhìn lên ngọn cây thông phát hiện có tấm dù đang bay phấp phới. Sau một giây trấn tĩnh, tôi nhận định đây là dù của tên phi công B52 vừa bị quân ta bắn rơi. Tôi vội vàng nằm xuống bờ quan sát, phát hiện tên phi công Mỹ cao lêu nghêu đang lồm ngồm bò dậy từ dưới ruộng mạ. Phát hiện ra tôi, tên giặc lái vội vàng đứng dậy, giơ hai tay lên trời tỏ ý đầu hàng. Lúc đầu tôi cũng sợ nó mang súng sẽ bắn nên chưa đứng dậy. Rất cảnh giác, tôi nằm rạp xuống, hô một câu "Hàng thì sống, chống thì chết!" (bằng tiếng Anh). Như hiểu được lời nói của mình, tên giặc lái đứng như trời trồng giữa ruộng, hai tay vẫn giơ lên đầu, miệng lắp bắp. Tôi ra hiệu cho tên giặc lái từ từ tiến về phía tôi. Khi cách khoảng 5 mét, tôi lao lên khống chế hắn". "Trong khi khống chế tên giặc lái ông có sợ hắn chống trả không?"- chúng tôi hỏi. "Tên này cao lớn lênh khênh. Tuy nhiên, tôi hăng quá nên chẳng biết sợ là gì"- ông Gián bộc bạch. Cũng theo ông Gián, tại thời điểm ông khống chế tên giặc lái năm ấy còn có các ông Vũ Trọng Cần, Vũ Đức Tuyết cùng ở xã Tráng Liệt. Sau khi ông Gián khống chế được tên lính Mỹ, ông Cần cầm con dao găm mang sẵn bên mình cắt một đoạn dây dù cùng một số dân quân khác trói tên lính Mỹ lại. Ngay lúc đó, nhiều dân quân của xã và bộ đội ở đơn vị gần đó ập đến, ông Gián và ông Cần trao tên lính Mỹ cho đơn vị bộ đội để bàn giao cho cấp trên. "Sau này hỏi ra mới biết chính tên giặc lái chúng tôi bắt hôm ấy được quân ta trao trả cho quân Mỹ ngay trong đợt trao trả tù binh đầu tiên"- ông Gián cho biết.

Thời khắc bắt tên giặc lái B52 đã qua hơn 40 năm nhưng hình ảnh người dân quân nhỏ thó xông vào bắt tên giặc lái cao lênh khênh đến nay vẫn được nhiều người dân xã Tráng Liệt truyền tai nhau như một niềm tự hào.

NGUYỄN MẪN