Về thăm chiến trường xưa trên đất bạn
Tin tức - Ngày đăng : 08:43, 31/12/2012
Trên đường đến thủ đô nước bạn, đi qua Khăm Muộn, Sa-va-na-khét, Viêng Chăn có trên dưới 30 km rẽ ngang dãy Trường Sơn là đèo dốc, còn mấy trăm cây bằng phẳng.
Qua vùng đất cao nguyên mênh mông, đó đây hiện ra những rừng cao su bạt ngàn xanh tốt do Việt Nam đầu tư...
Các cựu chiến binh Việt Nam dưới chân tượng Phật trong Công viên Phật giáo ở Viêng Chăn
Trung tuần tháng 12-2012, tôi tham gia Đoàn đại biểu Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Hải Dương trở lại chiến trường xưa ở nước bạn Lào. Đoàn có 92 người, do ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh và ông Đoàn Xuân Trịnh - Giám đốc Công ty Du lịch Trường Sơn dẫn đầu. Tôi được đoàn trang bị hai bộ quân phục và chiếc mũ tai bèo, cảm thấy vui vui khi được thơm lây hình ảnh người chiến sĩ Giải phóng quân.
Sáng sớm ngày 9-12, trời rét, đoàn khởi hành từ TP Hải Dương. 8 giờ sáng ngày 11-12, đoàn vào viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi có 700 liệt sĩ quê ở Hải Hưng (cũ) yên nghỉ. Theo lịch trình ban đầu, ngày 11-12, đoàn nghỉ ngơi tại khách sạn Mê Kông ở TP Đông Hà để sáng hôm sau đi đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Lao Bảo sang nước bạn. Tuy nhiên, đoàn được cơ quan hữu trách tỉnh Quảng Trị thông báo phải thay đổi lịch trình, vì cửa khẩu Lao Bảo thời gian này có nhiều đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành ở Trung ương làm thủ tục xuất cảnh sang Lào (trong tháng kết thúc Năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào). Do đó, đoàn đi ngược về Quảng Bình, đến cửa khẩu Cha Lo. Qua cửa khẩu, tôi ngồi trên chiếc xe đi trước. Trên đầu xe hai lá quốc kỳ Việt Nam và Lào tung bay trong gió. Bên thành xe, bên phải có băng rôn ghi dòng chữ vàng: “Tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”, bên trái là hai câu thơ của Bác Hồ: “Việt - Lào hai nước chúng ta. Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long”. Xe ngang qua dãy Trường Sơn hùng vĩ, đi vào tỉnh Khăm Muộn. Đất nước Lào có hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Tháng 12 dương lịch là tháng đầu mùa khô nhưng đã nắng nóng như mùa hè ở ta, tôi vội cởi hai chiếc áo len đang mặc trên người.
Ngồi bên cạnh tôi là đại tá Nguyễn Văn Bặc quê xã Thanh Thuỷ (Thanh Hà). Những năm 1971-1974, chiến sĩ Bặc phục vụ trong Đoàn 70 thuộc Bộ Tư lệnh 559, hoạt động ở Bình Trị Thiên và các tỉnh Trung Lào. Ông Bặc chỉ tay, kia là lùm cây bên dòng suối Cha Lo, phía sau là hang đá. Năm 1971, ông và đồng đội dừng chân nấu cơm ở đó, dùng ống bơ vỏ hộp sữa, cho cát vào rồi đổ xăng châm lửa, như thế sẽ không có khói, máy bay địch không phát hiện được. Khi cơm sôi, cho thêm cát vào ống bơ bớt lửa, cơm sẽ không khê. Có chiến sĩ trẻ tinh nghịch, thỉnh thoảng ném mấy hạt muối vào trong lửa, phát ra tiếng nổ lép bép vui tai. Ông nói, cũng trên quốc lộ 12 này của bạn, xe ô-tô đi ban đêm phải bật đèn gầm, chạy lì rì như người đi bộ, không “bon bon qua núi” như xe ta lúc này.
Trên đường đến thủ đô nước bạn, từ quốc lộ 12 sang quốc lộ 13, đi qua các tỉnh Khăm Muộn, Sa-va-na-khét, Viêng Chăn chỉ có trên dưới 30 km rẽ ngang dãy Trường Sơn là đèo dốc, còn mấy trăm cây số băng qua vùng đất cao nguyên bằng phẳng. Bên những nhà sàn của đồng bào các dân tộc Lào là những thửa ruộng trơ gốc rạ sau mùa thu hoạch. Bên bạn chỉ trồng lúa nước một vụ vào mùa mưa, còn mùa khô hạn hán và chưa có hệ thống thủy lợi như ở các tỉnh đồng bằng nước ta. Qua vùng đất cao nguyên mênh mông, đây đó hiện ra những rừng cao su bạt ngàn xanh tốt do Việt Nam đầu tư. Trồng trọt và chế biến cà phê, cao su, thuỷ điện, xây dựng là lĩnh vực nước ta đầu tư đáng kể vào Lào.
Nhân dân các bộ tộc Lào hiền hoà chất phác, khi biết chúng tôi là người Việt Nam, bạn cười tươi: “Việt-Lào xa-ma-khi” (đoàn kết hữu nghị). Trước cửa cơ quan, trường học, các làng bản ven đường, hoa chăm-pa nở trắng. Không ở đâu như trên đất nước Lào hoa chăm-pa lại nhiều đến thế, cảnh hoa trắng ngần điểm chút phấn vàng lộng lẫy.
Năm 2012, bạn khánh thành nhiều công trình mang dấu ấn tình hữu nghị keo sơn, tình đoàn kết đặc biệt thuỷ chung Việt - Lào. Thăm Bảo tàng Bản Đông ở Xê-pôn, cách biên giới 42 km về phía tây, đoàn chúng tôi tặng bảo tàng bức ảnh lớn Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Tại khu vực này, từ ngày 12-2 đến 13-3 (1971), quân đội ta đập tan cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh chiếm đường 9 - Nam Lào của 5 vạn quân Mỹ, nguỵ hòng cắt đôi chiến trường Đông Dương, chặn đứng đường vận tải chiến lược của ta. 22 nghìn tên địch đã bị loại khỏi vòng chiến đấu, hành lang chiến lược được giữ vững. Đại tá Nguyễn Văn Bặc chỉ tay, ngọn đồi phía bên phải bảo tàng là nơi đại tá Thọ của nguỵ bị chiến sĩ ta bắt sống.
Đoàn cùng ông Bun-ma, Chủ tịch huyện Mường Phìn và đại diện lực lượng vũ trang tỉnh Sa-va-na-khét làm lễ dâng hương tại Tượng đài chiến thắng Mường Phìn... Bức tượng chiến sĩ Quân đội cách mạng Lào giương cao lá quốc kỳ in hình mặt trăng tròn trên nền xanh, bên cạnh chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam súng chắc trong tay, bên dưới có dòng chữ vàng: “Tổ quốc ghi công các chiến sĩ Lào - Việt Nam” bằng song ngữ.
Theo chương trình đã thoả thuận trước, chiều ngày 12-12, đoàn đến thăm Sư đoàn 4 Quân đội Nhân dân cách mạng Lào. Thiếu tướng Sư trưởng Tha-non Ninh-thon và các sĩ quan, chiến sĩ nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi trong tình đồng chí, anh em thân thiết. Bạn và ta ngồi quanh bàn tròn trò chuyện, uống bia Lào và ăn trái cây. Lúc chia tay, ta và bạn cùng đứng lên đồng thanh hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, không khí chan hoà tình hữu nghị. Đêm hôm đó, chúng tôi nghỉ tại khách sạn Nan-hai ở Sa-va-na-khét, thành phố lớn thứ hai của Lào. Ban chỉ huy Sư đoàn 4 của bạn đến thăm và dùng bữa cơm tối thân mật với ta.
Chúng tôi dành nhiều thời gian ở thủ đô Viên Chăn, thành phố xinh đẹp bên dòng sông Mê Kông thơ mộng, thăm Bảo tàng Tổng Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Công viên Phật giáo, thăm Thạt Luổng - biểu tượng của đất nước Triệu Voi, chùa Si-sa-két cổ kính, tượng đài Pa-tu-xay... Đất nước hoa chăm-pa hiền hòa, tình đồng chí thủy chung Việt - Lào để lại trong chúng tôi những ấn tượng không thể phai mờ.
LƯƠNG SƠN