Ngành điện tham gia xây dựng nông thôn mới
Công nghiệp - Ngày đăng : 14:39, 31/12/2012
Sau khi nhận bàn giao, ngành điện tập trung đầu tư cải tạo lưới điện cho các xã với mục đích không ngừng nâng cao chất lượng nguồn điện...
Từ năm 2008 đến nay, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã khắc phục khó khăn về vốn, tập trung đầu tư cải tạo lưới điện cho các xã bàn giao lưới điện hạ áp về cho ngành điện để cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn điện nông thôn.
Xã Tân Việt được ngành điện đầu tư gần 5 tỷ đồng, xây dựng 5 trạm biến áp, nâng cấp hoàn
chỉnh lưới điện hạ thế, trở thành xã đầu tiên hoàn thiện lưới điện nông thôn của huyện Thanh Hà
Đầu tư lớn
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, từ cuối năm 2008, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã lập đề án tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến hộ dân ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Điều khác biệt của tỉnh ta với các tỉnh bạn là việc tiếp nhận lưới điện được sự với thỏa thuận ba bên: chính quyền, HTX hoặc doanh nghiệp đang kinh doanh điện và ngành điện. Thực hiện theo định hướng này quá trình tiếp nhận lưới điện chậm hơn, song nó thực sự dân chủ, bình đẳng. Đến nay, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã tiếp nhận và bán điện trực tiếp đến người dân tại 191 xã trong tổng số 234 xã (trong đó có một số xã mới chuyển thành phường), đạt 82%.
Ngay sau khi tiếp nhận, công ty đã lập dự án ở các xã có đủ điều kiện đầu tư, nâng cấp mạng lưới điện nông thôn, xây dựng bổ sung hệ thống lưới trung áp, "cấy" thêm các trạm biến áp, tăng dung lượng, chống quá tải, giảm bán kính cấp điện, thay thế toàn bộ hòm hộp công tơ mới. Ông Nguyễn Trọng Hữu, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương cho biết: "Để đầu tư nâng cấp lưới điện nông thôn cần nguồn vốn rất lớn (mỗi xã cần đầu tư 3 - 4 tỷ đồng), trong khi nguồn vốn của công ty có hạn. Chúng tôi đã cân đối các nguồn, đăng ký kế hoạch đầu tư xây dựng với Tổng công ty Điện lực Miền Bắc tìm nguồn vốn vay ODA, làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), để tạo nguồn đầu tư nâng cấp lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh. Công ty tạm dừng không thi công các dự án xây nhà cho các tổ điện, không mua sắm để dành vốn khấu hao cơ bản ưu tiên đầu tư cải tạo nâng cấp lưới điện hạ thế nông thôn. Từ năm 2008 đến nay, công ty đã đầu tư gần 1.743 tỷ đồng cho hệ thống điện nông thôn. Riêng năm 2012, công ty được giao kế hoạch đầu tư 779,5 tỷ đồng, trong đó, vốn vay ODA là 644,5 tỷ đồng và vốn khấu hao xây dựng cơ bản là 135 tỷ đồng".
Chất lượng điện thay đổi
Với cách làm đó, trong 4 năm qua, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương từng bước nâng cấp cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn giai đoạn 1 cho 109 xã; lập dự án nâng cấp giai đoạn 2 cho 44 xã. Các xã được xây dựng thêm hàng trăm trạm biến áp chống quá tải, cải tạo lưới điện hạ thế bằng cách đầu tư xây dựng mới, bổ sung hệ thống cột điện, thay thế dây trần cũ rão bằng đường trục cáp bọc bảo đảm an toàn, hạn chế thất thoát trên đường dây, chất lượng điện được cải thiện rõ rệt. Riêng từ nguồn vốn của JICA, toàn tỉnh đã "cấy" được 108 máy biến áp chống quá tải ở khu vực nông thôn. Dự án Năng lượng nông thôn II xây dựng 139 trạm biến áp. Dự án lưới điện phân phối nông thôn giai đoạn I và II cũng hoàn thành 69 trạm biến áp... Toàn bộ việc cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện cơ bản phù hợp với hướng quy hoạch nông thôn mới, kết hợp với bố trí dân cư, khu vực phát triển kinh tế ở từng địa phương. Đến nay, công ty đã triển khai xong dự án cải tạo lưới điện hạ thế tại các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Ninh Giang, Thanh Miện, Gia Lộc và thị xã Chí Linh. Tới hết năm 2012, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã cơ bản đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống lưới điện nông thôn cho 60% số xã mà đơn vị đã tiếp nhận. Tỷ lệ tổn thất điện năng tại các xã khi mới tiếp nhận đều ở mức bình quân 22- 23%, đến đầu năm 2012 đã giảm xuống còn hơn 15%. Đối với các xã đã cải tạo lưới điện tương đối hoàn chỉnh thì tỷ lệ tổn thất điện năng còn 10%.
Hiện nay, chất lượng điện ở nhiều xã do ngành điện quản lý bán điện chưa được cải thiện nhiều. Nguyên nhân là do kinh phí đầu tư của ngành điện còn hạn chế hoặc việc bàn giao lưới điện còn nhiều khúc mắc về thủ tục hành chính, tài chính… Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã có kế hoạch triển khai cải tạo nâng cấp các xã còn lại trong năm 2013 và chậm nhất sẽ hoàn thiện trong năm 2014. Khi đó, toàn bộ 191 xã ngành điện đã tiếp nhập sẽ đạt tiêu chí về điện trong xây dựng nông thôn mới.
TRẦN TUẤN