Giới trẻ ngại nói "cảm ơn" và "xin lỗi"
Xã hội - Ngày đăng : 08:05, 04/01/2013
Hiện nay, việc nói “cảm ơn” và “xin lỗi” khi giao tiếp dường như là một điều gì đó quá xa lạ với nhiều bạn trẻ.
Các nhà trường cần tăng cường dạy kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho các bạn trẻ (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Ảnh: Minh Mẫn
Trong buổi chiều cuối năm, trên đường phố có khá đông người đi lại, một tốp học sinh, với bộ đồng phục đi trên những chiếc xe đạp điện đắt tiền, đi hàng hai, hàng ba, vô tư nói chuyện oang oang, rồi họ vô tình quệt phải một người đẩy xe bán rau. Các bạn trẻ không hề dừng lại để giúp người phụ nữ đó nhặt lại rau quả bị rơi tung tóe ra đường và xin lỗi mà chỉ quay lại nhìn với ánh mắt dửng dưng, tỏ vẻ khó chịu vì bị "làm phiền" và phóng xe đi mất… Đây chỉ một trong số rất nhiều câu chuyện về các bạn trẻ quá thờ ơ với lời xin lỗi.
Cả văn hóa sử dụng từ “cảm ơn” của giới trẻ bây giờ cũng khó thấy. Khi nhận được một món quà hay sự giúp đỡ của người khác, nhiều bạn trẻ cũng không hề nói tiếng cảm ơn. Dường như các bạn nghĩ đó là điều nghiễm nhiên được hưởng. Chị Nguyễn Thị Hồng ở khu 20, phường Hải Tân (TP Hải Dương) cho biết: “Khi mua quà cho con hoặc giúp con làm bài tập mình cũng không mấy khi để ý đến câu cảm ơn, nghe cứ thấy nó khách sáo, mình chỉ nhắc con phải cảm ơn khi nhận được quà từ người khác”.
Việc hình thành thói quen dùng từ “cảm ơn” và “xin lỗi” trong giới trẻ không chỉ xuất hiện khi các em đã lớn, đã tự nhận thức được vấn đề, mà việc hình thành này phải được định hình từ khi còn nhỏ. Chị Vũ Thị Tuyết Mai ở phố Canh Nông, phường Quang Trung (TP Hải Dương) cho biết: “Con gái tôi mới 5 tuổi, nhưng cháu khá ngang bướng, khi chơi thường giành đồ chơi của bạn làm bạn khóc nhưng chỉ đến khi mẹ dọa đánh đòn thì mới chịu xin lỗi bạn, có những lúc dù bị đánh cũng nhất định không chịu nói lời xin lỗi”...
Ngay trong chương trình học từ lớp học mầm mon cho tới tiểu học, THCS, các bạn trẻ đều được học “cảm ơn” và “xin lỗi” để giúp các em hiểu đúng khi nào thì cần nói lời “cảm ơn”, khi nào cần nói lời “xin lỗi”. Cô giáo Võ Thu Trang, giáo viên Trường Mầm non Nhị Châu (TP Hải Dương) cho biết: "Ở trên lớp, các bé đã được các cô hướng dẫn cách nói "cảm ơn" và "xin lỗi". Có thể trong sinh hoạt, giao tiếp hằng ngày ở gia đình, các bé ít được bố mẹ nhắc nhở để hình thành thói quen biết nói "cảm ơn" và "xin lỗi" nên bài học nhanh chóng bị lãng quên".
Bên cạnh đó, một thực tế đôi khi vẫn diễn ra tại một số trường học: các giờ học đạo đức, giáo dục công dân không được thầy cô đầu tư nhiều công sức trong bài giảng, không có sự mở rộng hay giải thích rõ hơn cho học sinh hiểu kỹ về ý nghĩa của những bài học đạo đức. Hơn nữa, ở một số khối lớp cuối cấp, các thầy giáo, cô giáo dạy các môn chính như toán, văn học, tiếng Anh, hóa học… lại đảm nhận dạy môn giáo dục công dân, như vậy có việc tận dụng thời gian học của môn này để luyện tập bài vở của các môn khác.
Để khắc phục tình trạng này, trước hết mỗi người lớn phải làm gương cho em nhỏ, giúp các em hình thành thói quen tốt. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng cần đa dạng hóa nội dung học tập của bộ môn đạo đức, giáo dục công dân, qua đó, giúp hình thành nhân cách cho các em. Trong các tiết sinh hoạt hoặc ngoại khóa, nhà trường có thể đưa thêm nội dung thực hành kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp cho các bạn trẻ. Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn cũng cần tổ chức thêm các buổi giáo dục kỹ năng sống cho thanh niên, trang bị cho các bạn trẻ khả năng giao tiếp, ứng xử thông minh, lịch sự.
PV