Dấu xưa trên đất cù lao Giêng
Du lịch - Ngày đăng : 10:33, 06/01/2013
Cù lao Giêng thuộc huyện Chợ Mới (An Giang) nằm giữa sông Tiền.
Nhà thờ cù lao Giêng
Cù lao có hình tam giác, diện tích chừng 40 km2 bao gồm các xã Bình Phước Xuân, Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp. Du khách đến đây thường tỏ ra ngạc nhiên bởi vùng đất nhỏ vô danh này lại quy tụ nhiều công trình tôn giáo đến thế. Chùa Phước Minh (còn gọi là chùa Bà Vú ở xã Bình Phước Xuân) nằm ven sông Tiền bao la, lộng gió. Di tích này có kiến trúc mang dấu ấn truyền thống, giống như kiến trúc đình, chùa ở đồng bằng Bắc bộ với mái hình thuyền, lợp ngói âm dương, đầu hồi hình đầu rồng, trên nóc có lưỡng long tranh châu, tường gạch vôi ô dước...
Trên đất cù lao Giêng còn có một quần thể di tích tôn giáo quy mô làm du khách bất ngờ ở xã Tấn Mỹ. Nhà thờ cù lao Giêng là một công trình kiến trúc cổ, do linh mục Gazignol khởi công xây dựng năm 1879, mười năm sau (1889) công trình mới hoàn thành. Công trình kiến trúc mang phong cách Roman pha lẫn Gothic, trải hơn 120 năm, hiện vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn.
Theo tư liệu cũ, đây là ngôi nhà thờ được xây dựng kiên cố đầu tiên ở Nam kỳ. Ngôi thánh đường uy nghi, thâm nghiêm với tháp chuông cao vút, các trụ cột tròn, vững chãi liên kết cùng các ô cửa, vòm gió, các tháp nhọn nhỏ hình khối đa giác, các cửa giả hình chữ U ngược tạo thành một kiến trúc rất ngoạn mục, bề thế. Cạnh nhà thờ là tu viện dòng Phanxicô, trước kia đây là chủng viện giáo phận Nam Vang (1872-1946) thuộc địa phận Đàng Trong, bao gồm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và nước Campuchia. Nhiều giáo sĩ miền Nam được đào tạo tại đây.
Cuối cù lao, ở xã Bình Phước Xuân còn có nhà thờ cổ kính trên 100 năm tuổi là nhà thờ giáo xứ Rạch Sâu, một công trình kiến trúc tuyệt đẹp.
Có ý kiến giải thích rằng nơi đây là con đường thuận tiện truyền giáo từ Nam Kỳ qua xứ Campuchia, một địa điểm dừng chân lý tưởng, tránh né sự đàn áp, chống đạo của triều đình Huế. Dấu xưa chốn cũ còn đây, gợi ta nhớ một thời quá khứ xa xưa khai phá vùng đất bồi trù phú giữa dòng Tiền giang bát ngát...