Làng Vực có điện cũng như không
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:00, 13/01/2013
Khoảng 2 năm nay, cuộc sống của người dân thôn Làng Vực, xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) bị đảo lộn vì nguồn điện quá yếu, không đáp ứng đủ nhu cầu.
Trạm biến áp khu tái định cư ở thôn Làng Vực đã xây dựng từ 3 năm nay nhưng vẫn chưa hoạt động
Việc người dân ăn cơm không ngon, không được xem chương trình thời sự lúc 7 giờ tối, phải dùng đèn dầu, nến để thắp sáng phụ trợ đã quá đỗi quen thuộc.
Cuộc sống tối tăm
Mùa đông rất nhanh tối, mới hơn 6 giờ chiều mà đường thôn Làng Vực đã phủ kín bóng đen. Chúng tôi vào nhà ông Nguyễn Bá Chính (53 tuổi), cả khu nhà tối như bưng, gọi mãi mới thấy ông Chính cầm đèn pin lọ mọ từ vườn về, quần áo lấm lem. Tôi hỏi sao không bật điện trong nhà lên, ông Chính nhấn công tắc, bóng điện com-pắc 15W sáng lờ mờ không đủ trông rõ mặt người. Bực mình, ông tắt công tắc này và bật một bóng điện com-pắc khác lấy nguồn từ ắc-quy của bình phun thuốc trừ sâu (nhà ông vốn có 1 bình thuốc sâu để phun trừ dịch bệnh cho đàn gia cầm, lúa). Bóng com-pắc 13W này khi bật kèm theo tiếng kêu "o, o" nhưng còn sáng hơn đèn 15W dùng điện lưới. Ông Chính mang cho tôi xem một hộp đựng 10 bóng điện hỏng. Ông bảo chỉ chừng 2 tháng nay, nguồn điện phập phù, lúc được, lúc tắt nên đã hỏng mất 10 bóng điện ấy. Ngoài ra, ti-vi cũng phải mang đi sửa thường xuyên, tuổi thọ ngắn vì điện cứ chập chờn.
Ông Chính soi đèn pin dẫn tôi ra xem ao cá, chuồng trại chăn nuôi. Ông bức xúc: “Nhà tôi vừa bị chết 2 tấn cá. Cá bị “nổi đầu” do thiếu ô-xi nhưng không có điện để chạy máy bơm, máy sục khí nên đành chịu, phải mang cá đem chôn ở vườn, đau lắm! Cũng vì chưa có điện thắp sáng ở chuồng trại nên 600 con vịt đẻ vẫn đang ở dưới ao, chưa về chuồng. Không có điện, chúng đẻ trứng ít lắm. Tôi đã phải bỏ một số khu chuồng, không thể chăn nuôi vì không đủ nguồn điện”. Lúc tôi về, ông Chính phải cầm đèn soi cho để tôi mở khoá xe máy.
Ở Làng Vực, người dân có được bữa cơm tối nóng sốt là chuyện không đơn giản. Để nấu cơm tối, chị Nguyễn Thị Hợp thường đun bằng bếp ga cho cơm ráo nước, sau đó mới đặt vào nồi điện để ủ chín. Thấy tôi nhìn chiếc đèn dầu để trên mặt tủ, chị Hợp kể: “Nhiều hôm 7 giờ tối điện lưới không đủ thắp sáng nên tôi phải dùng nến, đèn dầu. Điện không đủ mở ti-vi nên lắm hôm nhà tôi đi ngủ sớm, chẳng biết tin tức gì. Hôm bão số 8 tràn về, tôi cũng không hay”. Nhà chị Hợp đang nuôi 70 con lợn con. Rét đậm, rét hại nhưng nhiều bóng điện sưởi đành bỏ xó vì điện yếu chị không thể thắp điện sưởi cho lợn. Nếu cứ cố tình sử dụng, bóng điện hay hỏng. Đàn lợn cứ chết dần, chết mòn. Ngay cả việc bơm tát ao cá cũng phải sử dụng máy bơm dầu. Ở nhà chị Hợp, bình nước nóng để hoen gỉ, không sử dụng lâu ngày, muốn tắm nước ấm cũng khó.
Nhà chị Nguyễn Thị Mận có cháu Đặng Thị Hồng đang học lớp 1 và Đặng Thị Hoa học lớp 7. Lúc đầu, bóng điện huỳnh quang ở nhà chị vẫn đủ sáng. Chúng tôi đến chừng 5 phút thì ánh sáng từ bóng điện này chợt tối đi và bỗng phụt tắt. Lát sau, bóng điện lại sáng lên lờ mờ. Nhưng nguồn điện cũng chỉ đủ thắp sáng cho bóng điện ở gian chính, còn ở phòng ngủ, bật bóng điện cũng không sáng. Chị Mận than: “Bình thường mọi hôm khoảng 8 rưỡi tối điện mới đủ thắp sáng. Do điện yếu nên nhiều khi 2 cháu nhà tôi phải sử dụng điện từ bình ắc-quy, đèn pin để học. Thậm chí, khi đèn pin không đủ điện thì phải sử dụng đèn dầu. Tôi chỉ lo các cháu sẽ bị cận thị. Buổi tối không học được thì 4 giờ sáng tôi phải giục các cháu dậy học. Trời rét gọi con dậy sớm cũng thương con lắm nhưng buộc phải thế thôi”.
Trạm biến áp để không
Xã Tứ Xuyên có 3 thôn (Làng Vực, Trại Vực, Quảng Xuyên), trong đó thôn Làng Vực có khoảng 320 hộ dân. Theo ông Đặng Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã, khi chưa bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý thì điện còn yếu hơn do thôn Làng Vực xa nguồn điện, phải sử dụng đường dây dẫn dài. Từ tháng 10 - 2012, sau khi bàn giao lưới điện của HTX dịch vụ điện xã về ngành điện quản lý, Điện lực Tứ Kỳ đã nâng cấp trạm biến áp, thay một phần dây dẫn điện nên nguồn điện có cải thiện một ít. Tuy nhiên, chỉ có xóm đầu ở thôn Làng Vực có điện khá hơn còn những xóm giữa, cuối làng điện vẫn yếu. Ông Sáu cũng thắc mắc: “Khi xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân phải di dời để xây dựng đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chủ đầu tư đã lắp đặt 1 trạm biến áp 180 kVA ở đây. Mặc dù trạm biến áp đã có từ 3 năm nay nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa được đấu nối với nguồn để sử dụng”.
Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Điện lực Tứ Kỳ, trước đây, nguồn cấp điện cho thôn Làng Vực lấy từ 2 trạm biến áp thôn Quảng Xuyên và thôn Trại Vực. Để thi công đường cao tốc ô-tô Hà Nội - Hải Phòng, nguồn điện cấp từ thôn Trại Vực về thôn Làng Vực đã bị ngắt. Điện ở thôn Làng Vực phụ thuộc vào trạm biến áp Quảng Xuyên, đường dây dẫn dài, xa nguồn cùng với nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng dẫn tới điện yếu. Trước đây, HTX dịch vụ điện Tứ Xuyên chủ yếu khai thác chứ chưa chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống điện. Tứ Xuyên là xã cuối cùng ở huyện Tứ Kỳ bàn giao lưới điện về cho ngành điện quản lý vào tháng 10-2012. Sau khi nhận bàn giao, Điện lực Tứ Kỳ đã nâng cấp trạm biến áp thôn Quảng Xuyên từ 180 kVA lên 320 kVA và thay đường dây dẫn từ trạm biến áp này về đầu thôn Làng Vực. Do vậy, điện đã cải thiện một chút. Để cung cấp đủ nguồn điện cho thôn Làng Vực, Điện lực huyện đề nghị đấu nối trạm biến áp ở khu tái định cư với nguồn cấp điện. Theo ông Dương Hà Hải, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tứ Kỳ, hiện nay, Công ty TNHH Hoàn Hảo (nhà thầu thi công khu tái định cư) đang xin thỏa thuận của Sở Công thương, Công ty TNHH một thành viên Điện lực để tìm vị trí đấu nối từ trạm biến áp vào đường điện cao thế. Được biết, vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan liên quan sớm đóng điện ở trạm biến thế khu tái định cư ở thôn Làng Vực để cấp điện cho dân. Khi việc này được thực hiện thì cảnh điện yếu ở thôn Làng Vực mới có thể chấm dứt.
NINH TUÂN