Trung Quốc leo thang cuộc "xâm lược bằng bản đồ"

Bình luận - Ngày đăng : 14:59, 13/01/2013

Với hành động mới này, Trung Quốc đang leo thang những bước đi nguy hiểm, đẩy khu vực vào tình trạng bất ổn...


Sau khi phát hành hộ chiếu điện tử có bản đồ "đường chín đoạn" bị dư luận quốc tế và khu vực phản đối mạnh mẽ, Bắc Kinh lại tiếp tục gây hấn bằng việc công bố tập bản đồ mới, gộp toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào Trung Quốc.


“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản năm 1904 chỉ giới hạn cương vực Trung Quốc đến đảo Hải Nam (ảnh lớn). Trong khi đó, bản đồ địa hình Trung Quốc do Sinomaps Press vừa ấn bản, bao gồm toàn bộ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc (ảnh nhỏ).

Biến lãnh thổ nước khác thành ao nhà

Với việc công bố này, Cục Tin tức địa lý đo vẽ quốc gia Trung Quốc (NASMG) đã công khai thừa nhận trong những bản đồ nằm ngang trước đây họ chỉ mô tả những quần đảo lớn như Trường Sa, Hoàng Sa, đảo Phú Lâm của Việt Nam và bãi cạn Scarborough do Philippines kiểm soát chứ chưa hề thu gom những đảo và bãi ngầm khác. Điều này trái ngược với luận điệu dựa trên cái gọi là "chứng cứ lịch sử" mà Bắc Kinh từng tuyên bố trước đây để chứng minh “chủ quyền cố hữu” của mình ở Biển Đông.

Nhân Dân nhật báo dẫn lời ông Từ Căn Tài, Giám đốc Tập đoàn xuất bản bản đồ Trung Quốc (Sinomaps Press) cho rằng, tập bản đồ mới này không chỉ gộp các đảo lớn nhỏ ở Biển Đông vào lãnh thổ Trung Quốc mà còn thể hiện mối quan hệ vị trí địa lý của quần thể các đảo này. Ông giám đốc này còn ngang ngược khẳng định tập bản đồ mới này sẽ trở thành tài liệu giúp người dân tăng cường nhận thức về “lãnh thổ quốc gia, bảo toàn quyền và lợi ích biển của Trung Quốc cũng như minh định lập trường ngoại giao chính trị của Trung Quốc”!

Tân Hoa xã còn khẳng định với tấm bản đồ mới này, Trung Quốc càng có thêm bằng chứng “mang sức mạnh trực quan” để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình! Rõ ràng đây là hành vi xâm phạm và xâm lấn lãnh thổ của nước khác, là hành vi gây hấn mới của Bắc Kinh, thể hiện lộ liễu mưu đồ thôn tính và thâu tóm toàn bộ Biển Đông của Bắc Kinh.

Thêm nhiều bằng chứng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Trong khi đó, trong năm 2012, Việt Nam đã nhiều lần đưa ra nhiều bằng chứng khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất là các bản đồ do chính Trung Quốc phát hành. Đó là bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Toàn bộ bản đồ địa lý của đất nước) do nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản năm 1904, được TS Mai Ngọc Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam, nguyên Trưởng phòng Tư liệu thư viện của Viện Hán - Nôm tặng Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Báo chí Trung Quốc vào tháng 7-2012 cũng đã đăng tải lại thông tin này và còn dẫn lời TS Mai Ngọc Hồng về giá trị lịch sử và nội dung không thể chối cãi bản đồ do chính Trung Quốc thực hiện.

Trong những ngày đầu năm 2013, đã có thêm các chứng cứ khẳng định chắc chắn quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại Mỹ vừa tặng thêm cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng 43 tờ bản đồ cổ kèm với cuốn atlas (tập bản đồ) Trung Hoa bưu chính dư đồ do Trung Hoa dân quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919.

Đến nay, ông Trần Thắng đã tặng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng 150 bản đồ (gồm 110 bản đồ gốc và 40 bản đồ tái bản). Đây là những bản đồ về Trung Quốc được xuất bản ở Anh, Đức, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Mỹ và Hồng Công trong thời gian 1626 -1980, trong đó đều không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, ông Trần Thắng đã sưu tầm được 3 atlas do chính quyền Trung Quốc xuất bản trước đây, rất có giá trị trong việc đấu tranh với những đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Điểm chung của 3 atlas này, các bản đồ Trung Quốc in trong đó chỉ giới hạn cương vực Trung Quốc đến đảo Hải Nam, không hề đả động gì đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trả lời báo chí, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng, động thái mới này của Bắc Kinh làm lộ rõ ba vấn đề. Một là, qua vụ “hộ chiếu có in hình đường lưỡi bò” và nay là qua vụ tấm bản đồ của Nhà Xuất bản Sinomaps Press, cộng đồng quốc tế càng nhìn thấy rõ hơn bản chất nước lớn của Trung Quốc. Hai là, những việc làm gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông đã ngang nhiên thách thức dư luận khu vực và thế giới. Ba là, tất cả động thái của Trung Quốc đã góp phần thức tỉnh những ai còn ảo vọng về sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.

PHƯƠNG LINH(tổng hợp)

Tân Hoa xã ngày 12-1 loan báo lần đầu tiên Trung Quốc đã in chi tiết các đảo ở Biển Đông vào bản đồ “địa hình Trung Quốc”. Cùng ngày, NASMG tuyên bố bản đồ này bao gồm 130 đảo lớn nhỏ ở Biển Đông. Phần lớn các đảo này chưa hề được mô tả trong những bản đồ dạng ngang trước đây của Trung Quốc, nay được thay thế bằng bản đồ dạng thẳng đứng để dễ dàng mô tả chi tiết các đảo đá, bãi ngầm trên Biển Đông và gộp vào thành lãnh thổ của Trung Quốc. Tập bản đồ mới này do Sinomaps Press in ấn, dự kiến cuối tháng 1-2013 sẽ phát hành trên toàn Trung Quốc.