Gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
Công nghiệp - Ngày đăng : 05:18, 17/01/2013
Do kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) trong tỉnh đang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, thậm chí phá sản.
Sản phẩm bê-tông dự ứng lực tồn nhiều ở Công ty CP Đầu tư và Thương mại Phú Hưng (Kim Thành)
Khó khăn chồng chất
Thời gian qua, giá các nhiên liệu đầu vào như than, điện, xăng dầu… tăng mạnh. Ngay từ đầu năm 2012, giá than tăng từ 5 - 8%, tiếp đó là điện và xăng dầu đều vài lần tăng giá khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXD càng khó xoay xở. Theo tính toán của một số doanh nghiệp sản xuất xi-măng trong tỉnh, giá cả 3 nguyên liệu đầu vào là than, dầu, điện cùng tăng khiến mỗi tấn clinker (clanh-ke) phải gánh thêm chi phí 70 nghìn đồng. Lãi vay ngân hàng cũng là gánh nặng bởi trước khi các ngân hàng thực hiện chủ trương giảm lãi suất thì hầu hết các doanh nghiệp đã vay với mức 17 - 19%/năm... Bên cạnh đó, phí vận chuyển cũng tăng lên do tác động của giá xăng dầu tăng. Trong kết cấu giá thành vận chuyển, xăng dầu chiếm 50%, tác động làm tăng giá thành phẩm mỗi m2 gạch ốp lát ceramic là 1.000 đồng… Các doanh nghiệp xi-măng, sắt thép cũng phải tính thêm một khoản chi phí không nhỏ cho vận chuyển. Nhiều doanh nghiệp liên tục phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tính toán lại các biện pháp ứng phó tình huống chi phí tăng.
Không chỉ có nguyên liệu đầu vào mà thị trường đầu ra cũng rất khó khăn. Các doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch tuy-nen như Mạnh Dũng (xã Văn Đức, Chí Linh), Yến Thanh (Nam Sách), Từ Sơn (TP Hải Dương)... đều chỉ đạt 70 - 80% công suất. Bên cạnh đó, nhiều công trình xây dựng bị chậm, giãn tiến độ hoặc dừng khiến việc tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp càng khó hơn. Sản phẩm làm ra bị tồn đọng, nhưng không sản xuất thì máy móc hư hỏng, còn thiệt hại nhiều hơn.
Trong năm 2012, các thương hiệu lớn về sản xuất xi-măng, thép ở tỉnh ta như Hoàng Thạch, Hòa Phát, Phúc Sơn, Thành Công, Phú Tân, Thái Hưng... đều không đạt chỉ tiêu doanh nghiệp đề ra. Tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn do thị trường dư thừa, giá thành sản phẩm cao, giá bán trên thị trường lại bị khống chế, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp. Hiện nay, nhiều công trình, dự án bị dừng hoặc giãn tiến độ, thị trường bất động sản ảm đạm, xi-măng lại đang dư thừa nên khó có thể tăng giá bán. Từ giữa năm 2012, số lượng tồn kho của thép, xi-măng, gạch ốp lát... đã đáng báo động. Thép Hòa Phát thường xuyên tồn kho 18 - 20 nghìn tấn thành phẩm, 20 - 30 nghìn tấn phôi thép. Không ít doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát, thép… đã chấp nhận bán dưới giá thành để tiêu thụ hàng, thu hồi vốn. Một số sản phẩm của Hoàng Thạch, Thành Công, Phú Tân, Hòa Phát đã tìm đường "xuất ngoại", nhưng cũng ở thế "bất đắc dĩ". Bê-tông cọc ống Kiến Hoa - Đất Việt vừa xuất xưởng đã ế hàng...
Cần được quan tâm hơn
Theo TS Nguyễn Tiến Hóa, Giám đốc Sở Xây dựng, năm 2012 là năm rất khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh VLXD. Nhiều đơn vị cố gắng duy trì sản xuất, nhưng doanh thu, nộp ngân sách nhà nước, thu nhập cho người lao động... đều không bảo đảm kế hoạch. Để hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh ta đã sử dụng xi-măng của doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất ra để hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn, nhưng chưa được nhiều. Tỉnh ta là một trung tâm sản xuất VLXD của cả nước, nhất là xi-măng, gạch và thép nên doanh nghiệp VLXD cần được quan tâm nhiều hơn, nhất là trong lúc khó khăn như hiện nay.
Đại diện các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp đều cho rằng, không phải do sản xuất tăng lên, mà do sức tiêu thụ giảm mạnh, khiến lượng hàng tồn kho lớn. Trước những khó khăn này, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, cùng với các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cần có biện pháp hạn chế nhập khẩu thép, gạch ốp lát… để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm nội địa. Có thể đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông bằng bê-tông xi-măng, khuyến khích sử dụng vật liệu không nung thay thế gạch đất sét nung, hỗ trợ lãi suất vốn vay cho người mua nhà, giảm thuế suất giá trị gia tăng các sản phẩm vật liệu xây dựng xuống 5%...
Bên cạnh sự chia sẻ, tháo gỡ khó khăn của các cấp, các ngành thì chính các doanh nghiệp phải nỗ lực tìm cách để vượt qua và tìm thấy cơ hội trong thách thức. Thực tế thì nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp hoạt động, thận trọng trong đầu tư mới, có kế hoạch lưu kho hàng hoá và bán ra linh hoạt; đưa ra nhiều ưu đãi, chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng, đổi mới chiến lược kinh doanh, rà soát, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết, phát động phong trào tiết kiệm trong cán bộ, công nhân viên. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng quan tâm hơn tới đời sống, tâm lý của công nhân viên, nhất là luôn bảo đảm thu nhập ổn định, tăng lương cho nhân tố tích cực, thưởng cho người có sáng kiến.
Có những doanh nghiệp không những đã trụ vững mà còn tiếp tục mở rộng. Phó Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Nguyễn Đức Duyến cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng công ty quyết tâm đưa dây chuyền 2 vào sản xuất trong tháng 7-2013. Để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải ra môi trường và nhất là giảm chi phí, công ty tăng cường kiểm soát thiết bị, bỏ khâu tinh luyện thép để giảm 40 kWh điện/tấn thép thành phẩm. Hoàn thiện dây chuyền ép than "quả bàng" và tận thu khí than lò thổi để đốt lò gia nhiệt, giảm 50% lượng than...
Hy vọng với các kinh nghiệm vượt khó trong năm qua, cùng với các chủ trương, chính sách hỗ trợ phù hợp, các doanh nghiệp sản xuất VLXD sẽ giảm bớt khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định trong năm 2013 này.
THÀNH LONG