Tìm hiểu các kết luận, nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI)

Tin tức - Ngày đăng : 07:54, 17/01/2013

Để phục vụ việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI), Hải Dương online giúp bạn đọc tìm hiểu các kết luận, nghị quyết của Hội nghị.


Câu hỏi: Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua những nghị quyết, kết luận nào?

Trả lời: Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua 2 nghị quyết và 3 kết luận sau:

Thứ nhất, Nghị quyết về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31-10-2012);

Thứ hai, Nghị quyết về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1-11-2012);

Thứ ba, Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2012; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2013 (Kết luận số 49-KL/TW ngày 16-10-2012);

Thứ tư, Kết luận về Đề án "Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước" (Kết luận số 50-KL/TW ngày 29-10-2012);

Thứ năm, Kết luận về Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" (Kết luận số 51-KL/TW ngày 29-10-2012).

Ngoài ra, Ban Chấp hành Trung ương cũng xem xét, cho ý kiến một số vấn đề quan trọng khác về công tác xây dựng Đảng như vấn đề quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước; về việc thành lập Ban Kinh tế Trung ương; về báo cáo kiểm điểm Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI: "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

Câu hỏi: Những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và những kết quả, hạn chế chủ yếu?

Trả lời:
Năm 2012, kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động rất phức tạp. Trong nước, lạm phát và lãi suất tín dụng tăng cao; cầu nội địa giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, sản xuất gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chúng ta nỗ lực ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh; đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn gây mất ổn định chính trị - xã hội, đe dọa chủ quyền quốc gia của các thế lực thù địch phản động. Về kinh tế, tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng: lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, sản xuất kinh doanh được duy trì, tăng trưởng 9 tháng đạt 4,73%, dự báo cả năm đạt khoảng 5,2%. Tái cơ cấu nền kinh tế đổi mới mô hình tăng trưởng có kết quả bước đầu. Chi ngân sách nhà nước đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán và các nhu cầu phát sinh, nâng mức chi cho an sinh xã hội. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí có tiến bộ. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Về tổng thể, chúng ta đã đạt và vượt 10 trên 15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém. Kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. Nguy cơ lạm phát cao chưa bị đẩy lùi. Nợ xấu ngân hàng có xu hướng tăng; kết quả xử lý nợ xấu còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn, sản xuất cầm chừng, hàng tồn kho ở mức cao, một số phải giải thể hoặc ngừng sản xuất. Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và nguồn nhân lực chưa được cải thiện đáng kể. Việc tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính, ngân hàng đang ở giai đoạn đầu, còn nhiều lúng túng. Thu ngân sách nhà nước không đạt mục tiêu. Việc triển khai Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn chưa mạnh mẽ, quyết liệt. Đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Khoa học và công nghệ chưa có bước đột phá để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Công tác quản lý tài nguyên, môi trường còn nhiều bất cập. Trật tự, an toàn xã hội còn nhiều mặt yếu kém, bức xúc. Công tác quản lý thông tin, nhất là thông tin mạng, blog cá nhân chưa tốt, còn bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, bịa đặt, gây dư luận xấu. Nhu cầu thông tin của người dân và xã hội, trong nhiều trường hợp, chưa được đáp ứng kịp thời, đầy đủ. Cải cách hành chính vẫn còn chậm. Một số bộ phận công chức không làm tròn trách nhiệm, ảnh hưởng tới lòng tin của nhân dân... Những hạn chế, yếu kém vừa nêu có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhất là những bất cập trong chỉ đạo, điều hành, quản lý và công tác dự báo.

(Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương)