Khu tái định cư chưa... định cư
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:53, 20/01/2013
Khu tái định cư cho người dân xóm 7, thôn Trạm Lộ, xã Bạch Đằng (Kinh Môn) hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng từ năm 2009 nhưng đến nay mới có 2 hộ dân đến ở.
Cơ sở hạ tầng khu tái định cư xây dựng xong từ năm 2009 nhưng đến nay mới có 2 hộ dân ở,
gần 40 suất đất còn lại vẫn chỉ là bãi trống
Không muốn rời nơi ở cũ
Từ UBND xã Bạch Đằng, chúng tôi đi khoảng 2 km đến đê sông Kinh Thầy. Xóm 7 ở bên kia sông, giáp với huyện Đông Triều (Quảng Ninh) và xã Kênh Giang (Chí Linh). Muốn sang xóm 7 phải qua đò. Những ngôi nhà ở đây nằm sát chân đồi, mặt hướng về phía sông. Đa số nhà cửa, vườn tược của người dân chỉ cách bờ sông chừng 100-200 m, không có đê bao bọc. Đi cùng chúng tôi, anh Bùi Văn Khuê, Trưởng thôn Trạm Lộ nhớ lại: “Hơn chục năm trước, xóm 7 thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ. Lũ thường lên cao, kéo dài, có năm ngập vào tận nhà, cuộc sống rất khổ sở. Người dân chỉ canh tác được một vụ lúa chiêm xuân, còn vụ mùa để đất trống”. Trước thực tế ấy, nhiều người dân xóm 7 mong muốn Nhà nước tạo điều kiện di dời ra chỗ ở mới để ổn định cuộc sống, tránh bị thiệt hại do lũ gây ra.
Năm 2007, Chi cục Phát triển nông thôn là chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng khu tái định cư (TĐC) vùng sạt lở xã Bạch Đằng với mục tiêu di chuyển 41 hộ dân xóm 7 về thôn Trạm Lộ. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 5,7 tỷ đồng. Năm 2009, cơ sở hạ tầng khu TĐC đã xây dựng xong, vị trí ở trong đê sông Kinh Thầy, cách nơi ở cũ hơn 1 km. Mỗi hộ dân được cấp khoảng 200 m2 đất, trong khu TĐC có đường bê-tông rộng rãi, hệ thống điện chiếu sáng. Hiện nay, nguồn nước sạch cho khu TĐC cũng đã sẵn sàng, chỉ chờ các hộ dân ra ở đông là đấu nối vào từng hộ. Dự án còn xây dựng cho mỗi hộ một căn nhà cấp 4 có diện tích 10 m2 để người dân tạm trú trong khi chờ làm nhà mới. Khu TĐC nằm trong đê nên không phải lo lũ ảnh hưởng tới cuộc sống. Từ khu TĐC đi ra trung tâm xã Bạch Đằng không cần qua đò, thuận tiện hơn nơi ở cũ. UBND xã cũng tạo điều kiện để người dân canh tác ở chỗ cũ và miễn phí tiền đò đi lại.
Năm 2010, đa số người dân xóm 7 đã nhận đất ở khu TĐC và cam kết sẽ di chuyển, làm nhà mới sau 2-3 năm từ khi nhận đất. Những tưởng 41 hộ dân thuộc diện di dời sẽ sớm sang khu TĐC nhưng đã nhiều năm trôi qua mà nơi đây vẫn vắng bóng những ngôi nhà mới. Đến nay, chỉ có 2 hộ dân đã làm nhà, sinh sống ở đây là các ông Nguyễn Văn Tiến và Bùi Quang Tuyến. Ông Tiến là người chuyển đến khu TĐC đầu tiên, cho biết: “Sang đây có nhiều điều kiện thuận tiện hơn ở nơi cũ. Bà con không sang được, tôi cũng thấy tiếc”.
Từ trung tâm xã Bạch Đằng, muốn sang xóm 7 phải đi đò
Nhận đất cho con
|
Nhà ông Nguyễn Đình Tuynh (sinh năm 1948) chỉ cách bờ sông Kinh Thầy khoảng 50 m. Nhà ông Tuynh cũng thuộc diện di dời nhưng ông không nhận đất ở khu TĐC. “Nhà ông gần sông nhất, có nguy cơ bị sạt lở cao, sao ông lại không muốn sang nơi ở mới?”, chúng tôi hỏi. Ông cho biết: “Hơn chục năm trước lũ có thể lên đến tận nhà nhưng những năm gần đây không có lũ cao, mà có lũ thì cũng rút nhanh. Giờ chúng tôi ở đây ổn định rồi, không thấy đất đai bị sạt lở do thiên tai nữa mà chỉ bị sạt lở một ít do nạn khai thác cát trái phép. Về bên kia nhưng phải sang bên này canh tác cũng bất tiện. Thế nên, nhiều người dân ở đây chỉ nhận đất TĐC cho con cái chứ họ không muốn sang”. Nhiều người dân ở xóm 7 đều có những lý do giống như ông Tuynh, anh Khang nên họ vẫn ở nơi cũ.
Theo ông Trần Xuân Nhuận, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, hiện nay, chính quyền địa phương tiếp tục vận động nhân dân ra nơi ở mới. Chúng tôi cũng tự hỏi liệu ở nơi cũ, người dân đã hết bị đe doạ bởi lũ, bão, sạt lở đất hay chưa? Đành rằng những năm gần đây ít xuất hiện lũ lớn nhưng nguy cơ thiên tai đe doạ tính mạng, tài sản vẫn còn đó.
Cuối ngày, chúng tôi trở lại khu TĐC một lần nữa. Khung cảnh thật đìu hiu. Khoảng 20 căn nhà tạm cấp 4 (mỗi căn nhà 10 m2) xây dựng cho người dân đã bị tốc mái phi-brô xi-măng, có nhà còn mất cánh cửa. Gần 40 lô đất vẫn trống trơn, cỏ dại mọc đầy. Không biết khi nào nơi này sẽ trở nên đông đúc, ấm cúng hơn?
NINH TUÂN