Người vẽ tranh kính ở thị trấn Cẩm Giàng

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 14:41, 20/01/2013

Đã vài chục năm vẽ tranh nên ông Dỵ không thể nhớ hết được mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh trên kính. Nghiệp vẽ tranh gắn với ông Dỵ như duyên tiền định.



Cõ lẽ ông Dỵ là người đầu tiên và cuối cùng vẽ tranh kính ở thị trấn Cẩm Giàng


Từ thời Pháp thuộc đến giờ, thị trấn Cẩm Giàng không chỉ nổi danh do gắn liền với tên tuổi của 3 anh em nhà văn Thạch Lam và các món ăn tinh tế do người gốc Hoa chế biến mà còn được nhiều người biết đến bởi có những người thợ tài hoa vẽ tranh, đóng giày, cắt tóc, cắt may. Ở gần giữa đường Độc Lập của thị trấn, đoạn sắp rẽ vào ga xép Cẩm Giàng, bây giờ vẫn có một ông thợ già như thế.

Nhớ hồn tranh kính

Đã vài chục năm vẽ tranh, lại ở vào tuổi 76 nên ông Phạm Thuần Dỵ không thể nhớ hết được mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh trên kính. Nghiệp vẽ tranh gắn với ông Dỵ như duyên tiền định. Ngày còn trai trẻ, mê vẽ quá nhưng làm gì có cọ, có màu nên nhân những lần đi làm thủy lợi địa phương, ông chọn lựa từng viên sỏi ống mang về nghiền làm màu vẽ tranh trên giấy. Có người trong ngành thương nghiệp mê tranh quá, đem đến tận nhà biếu ông cái phiếu trị giá 2 cân thịt. Kỷ niệm ấy làm ông nhớ mãi và càng trân trọng nghề nghiệp của mình.

Ban đầu ông Dỵ chỉ vẽ theo sở thích, vẽ để tặng hoặc vẽ trang trí trong nhà, nhưng dần dà được nhiều người biết đến, ông Dỵ chuyển sang vẽ tranh "thương mại". Làm tranh để bán, song chẳng vì thế mà tranh ông thiếu đi những chắt chiu tâm huyết.

Hơn 30 năm trước, kính vẽ hiếm lắm, thường phải nhập từ Thái Lan. Để có kính vẽ, ông phải đạp xe xuống thị xã Hải Dương hoặc sang thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) đổi tranh đã hoàn thiện để lấy kính về dùng. Vẽ tranh kính mỗi người có một bí quyết, kỹ thuật và tay nghề khác nhau. Nhưng với ông Dỵ, mảng tối trong tranh tuyệt đối không được dùng sơn đen, vì trong quá trình vẽ, nếu không ưng muốn sửa lại thì phải cạo sơn đi làm lại, tranh vừa xấu vừa mất thời gian. Do đó, mảng đen nhất thiết phải dùng mực tàu, bút sắt. Vẽ tranh kính rất cần sáng tạo, tưởng tượng và tư duy. Bởi lẽ, tranh phải vẽ ngược hoàn toàn. Ông Dỵ bảo: "Ban đầu bắt tay vào nghề, mỗi lần vẽ được một vài nét lại phải lật ngược tranh để kiểm tra. Sau này, trong quá trình lao động mới nảy ra sáng kiến dùng một chiếc gương để phía trước, chỉ cần nhìn vào gương rồi vẽ". Ngay cách phối màu, pha chế cũng cần có kinh nghiệm. Ví dụ, dùng sơn tây vẽ cùng dầu bóng thì tranh rất nhanh khô nhưng khó chỉnh sửa, nhiều khi hỏng cả bức nên phải dùng dầu hỏa thay cho dầu bóng. Đề tài trong những bức vẽ của ông khá đa dạng, từ cảnh sinh hoạt ở nông thôn, cày cấy, ruộng đồng đến sông nước. Ông vẽ cả chân dung, tranh chúc thọ, tranh tứ bình, tứ quý. Có một thời, ông vẽ cả tranh kính đề tài sơn thủy, cành hoa, tùng hạc bán cho thợ đóng giường mô-đéc, tủ bích-phê. Bây giờ, không còn ai dùng những đồ ấy nữa, nhưng trong nhà ông vẫn còn giữ nhiều tranh kính, thỉnh thoảng ông lại bỏ ra xem hoặc vẽ một bức tranh mới cho đỡ nhớ.

Vẫn say nghiệp vẽ

Ở tuổi 76, cứ 3 giờ sáng ông Dỵ đã thức dậy, đều đặn như một chiếc đồng hồ. Sau vài động tác thể dục, uống một ly cà phê nóng, một ly ngũ cốc là ông bắt tay vào làm việc. Ông Dỵ bảo, một người đã bước qua thời quân ngũ lại bị ảnh hưởng của chất độc da cam như ông, nếu không yêu nghề thì giờ chắc không cầm cự được. Ông khoe, nhờ nghề này, ông không chỉ được thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật mà còn trở thành lao động chính, nuôi được vợ cùng 4 con, rồi chuyển được nhà từ trong làng ra mặt phố. Nhưng nhiều lúc cũng buồn, vì tranh kính giờ đã hết thời, phải chuyển sang chất liệu khác, từ tranh giả sứ cho đến tranh vải chất liệu màu dầu, màu nước. Cũng may, do đã lành nghề tranh kính, nên giờ thay đổi cũng không khó khăn gì. Gần Tết nên ông phải làm việc nhiều hơn. Giờ 2 vợ chồng già ở cùng gia đình cậu con trai út, kinh tế cũng chẳng phải lo lắng gì, ông vẽ tranh theo sở thích nhưng cũng thêm thu nhập. Dịp Tết năm ngoái, ông bán tranh các loại được 45 triệu đồng, còn Tết này sẽ phấn đấu tăng thu hơn 5 triệu đồng. Để làm tranh bán, ông sắm cả máy tính, tìm tòi thể hiện trên các chất liệu. Hết đồ nghề, ông lại một mình đi xe đạp điện xuống TP Hải Dương hoặc đi tàu hỏa lên Hà Nội mua sắm. Về đến nhà lại một mình lụi cụi đóng khung, căng toan để vẽ. May mắn là, vợ ông rất hiểu tính chồng nên luôn ủng hộ. Nhờ thế, ông chỉ việc chuyên tâm làm việc.

Trở lại chủ đề tranh kính, ông Dỵ nói: "Tranh kính vẽ xong treo lên phải trong vắt, bền màu. Người chơi ngày càng hiếm, bởi không nhiều người cảm thụ được những tranh này. Vả lại, giờ tranh nhiều chất liệu, người chơi tranh lại chạy theo thị hiếu nên tranh kính đã thực sự đi vào dĩ vãng".

Với người vẽ tranh kính, đòi hỏi phải có tay nghề cao, cách bố trí mảng miếng, lớp trước, lớp sau thật khoa học, nên ở thị trấn Cẩm Giàng bây giờ, ngoài ông Dỵ chẳng còn ai vẽ nữa... Có lẽ vì thế, ông Dỵ là người vẽ tranh kính đầu tiên và cũng là cuối cùng ở mảnh đất này.

CẨM GIANG