Phân loại rác tại nguồn

Môi trường - Ngày đăng : 08:36, 25/01/2013

Về Đoàn Thượng (Gia Lộc) hôm nay, đường làng, ngõ xóm đâu đâu cũng phong quang, sạch sẽ, rác thải được tập kết đúng nơi quy định.



Rác có giá trị sử dụng được tách ra để bán, góp tiền vào quỹ hội

Hình ảnh đẹp ấy là nhờ công sức không nhỏ của các hội viên phụ nữ xã.

Trước đây, người dân nơi đây quen với việc tận dụng rác thải trong sinh hoạt như thức ăn thừa, rau củ loại... dùng để nuôi gia súc, gia cầm. Một số loại rác có thể hoai mục thì ủ trong chuồng trại để làm phân bón. Gần đây, người dân hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, sử dụng nhiều túi ni-lông, chai nhựa trong sinh hoạt thì rác thải trở thành vấn đề nan giải ở địa phương. Tình trạng "mạnh ai nấy vứt" khiến rác thải bừa bãi tràn lan khắp đường làng, ngõ xóm, thậm chí là cả hai bên đường 38B, rất mất vệ sinh, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe con người và môi trường rõ rệt. Trước thực trạng đó, năm 2007, Hội Phụ nữ (HPN) xã đã đứng lên đảm nhận việc thu gom rác thải, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, khi triển khai chỉ có các chị em ở 2 chi hội là thôn Cáy và thôn Đĩnh Đào đồng tình. Các chi hội còn lại đều không nhận, vì cho rằng việc thu gom rác thải rất mất vệ sinh.

HPN xã vừa kiên trì vận động vừa lấy thực tế hoạt động của 2 chi hội trên làm gương. Kết quả, đến năm 2010, cả 4 chi hội còn lại trong xã đã đồng thuận. Đúng thời điểm này, hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhằm đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, chính quyền xã đã cấp cho mỗi chi hội một chiếc xe chuyên chở rác. Vì là công việc đặc thù, bao gồm nhiều yếu tố mất vệ sinh, nếu khoán trắng cho một bộ phận chị em sẽ khó khăn do không ai muốn nhận làm. Mặt khác, số tiền thu phí của các gia đình chỉ khoảng 3.000-5.000 đồng/tháng nên kinh phí trả nhân công rất thấp. HPN xã họp bàn đã thống nhất các chị em luân phiên thay nhau đi thu gom rác thải từ 3-4 lần/người/tháng, số tiền phí thu được sẽ bổ sung vào quỹ hội. Đồng thời, các chị em cũng thực hiện việc quét dọn đường làng, ngõ xóm. Với cách làm này, mọi người đều đồng thuận và thực hiện nền nếp. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới. Bãi chứa rác của xã có diện tích hạn chế đang ngày càng ứ đầy mà khối lượng rác thải không giảm. Trước thực trạng đó, HPN xã đã phát động hội viên thực hiện phân loại rác. Đối với những loại rác phát sinh trong quá trình xây dựng là những vật liệu cứng như gạch, đá... thì tận dụng kè các bờ ao, rãnh nước thải. Các loại rác hữu cơ như  rau, củ, cơm canh thừa tận dụng vào việc chăn nuôi hoặc tiêu hủy chôn lấp ngay tại gia đình làm phân bón cho các loại cây trồng trong vườn nhà. Đối với những loại rác khó phân hủy mà vẫn có giá trị tái sử dụng như túi ni-lông, chai nhựa, vật dụng bằng chất liệu nhôm, sắt, thép... thì gom lại bán cho các cửa hàng chuyên thu mua. Phần lớn các gia đình trong xã đều có thành viên là hội viên HPN, nên trong các buổi sinh hoạt, lãnh đạo hội đã phổ biến việc phân loại rác thải đến từng hội viên. Đồng thời, khi chị em đi thu gom rác thải cũng nhắc nhở các gia đình thực hiện việc phân loại từ sớm. Qua đó, hình thành ý thức cho người dân và tiết kiệm thời gian cho hội viên trong quá trình thu gom rác. Đến nay, hầu hết các gia đình ở Đoàn Thượng mỗi khi đến ngày đổ rác đều tự nguyện mang các xô, thùng, bao tải đựng rác để trước cổng nhà, trong đó chia ra các loại khác nhau. Ông Vũ Ngọc Sung, Trưởng thôn Đĩnh Đào cho biết: "Từ ngày các hội viên phụ nữ đảm nhận việc thu gom rác thải, đường làng, ngõ xóm trong thôn trở nên sạch đẹp hơn. Gia đình tôi cũng rất hưởng ứng việc phân loại rác thải, góp phần giảm bớt gánh nặng cho chị em".

Bà Mai Thị Làn, Chủ tịch HPN xã Đoàn Thượng cho biết, đến nay, tổng số quỹ hội đạt khoảng 100 triệu đồng, trong đó phần lớn nhờ vào nguồn thu phí vệ sinh môi trường. Thực hiện việc thực hành tiết kiệm theo gương Bác, trong năm 2012, các chị em đã tích cóp được 9,5 triệu đồng từ việc bán các loại rác thải có giá trị tái sử dụng. Số tiền này HPN xã đã cho 2 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay không lấy lãi. Hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới, ngoài việc tham gia đảm nhận thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, các hội viên phụ nữ còn tiên phong đóng góp kinh phí xây dựng gần 2 km đường bê-tông ra đồng. Các hội viên còn tích cực đóng góp 578 ngày công lao động công ích cho việc làm đường. Tất cả các chi hội còn tổ chức hội viên vớt bèo, dọn cỏ, đắp bờ, khơi thông mương máng, tu bổ hệ thống thủy lợi nội đồng...

THANH NGA