Vị tể tướng thanh bạch
Danh nhân - Ngày đăng : 14:36, 27/01/2013
Cụ Chí đỗ khoa Thư toán loại ưu năm 18 tuổi nhưng làm quan ở ngôi Tể tướng, hơn hẳn các vị đỗ đại, trung, tiểu khoa của làng...
Ban thờ và cổ vật về 3 vị khoa cử trong nhà thờ Quang chấn đường
Học vấn thời Lê trung hưng của làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang) ở ngôi quán quân tầm quốc gia nhưng trong số những người giành học vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân và cả học vị Cử nhân, Tú tài đều không ghi tên cụ Vũ Duy Chí. Cụ là đỗ khoa Thư toán loại ưu năm 18 tuổi nhưng làm quan ở ngôi Tể tướng, hơn hẳn các vị đỗ đại, trung, tiểu khoa của làng. Với gia đình, cụ Chí còn là vị "kiến trúc sư" dựng tòa nhà lễ nghĩa, trồng thửa ruộng sách vở.
Tể tướng Vũ Duy Chí (1605-1679) sinh giờ Quý Hợi (9-11 giờ đêm), ngày mồng 9, tháng 7, năm Kỷ Tỵ, tướng ngũ đoản, trán cao. Sử sách ghi chép về ông khá phong phú. Hiện trong khuôn viên ngôi nhà thờ Quang chấn đường do ông Vũ Trọng Chính (hậu duệ trưởng dòng Vũ Duy) trông nom, thờ cúng còn 2 di sản văn bia, câu đối tuổi đời hơn 300 năm ghi chép về Tể tướng Vũ Duy Chí. Văn bia Quang chấn đường, chiều cao 148 cm, chiều rộng 103 cm, dày 23 cm, viết chữ Hán Nôm 4 mặt. Văn bia do Tiến sĩ, Đông các học sĩ đệ nhị giáp, chức Tham tụng, Hình Bộ Thượng thư Hồ Sỹ Dương soạn năm 1679 ghi về cuộc đời Tể tướng Vũ Duy Chí khá chi tiết từ công lao sự nghiệp giúp vua, chúa được khen là bề tôi "lập công phi thường và giao cho việc phi thường", đến nuôi dạy con đỗ tiến sĩ, tạo dựng gia phong, thờ phụng cha mẹ, tổ tiên chí hiếu ở mức "thấu đến mặt trời mặt trăng" (lời trong văn bia).
Năm đầu vào quan nghiệp, cụ được bổ chức nhỏ: Trung thư học sinh (Lương thư văn học sinh). Quá trình phấn đấu từ năm 1628 đến năm 1675 từng qua 9 lần thăng chức. Theo sách Tộc phả họ Vũ, Nhà xuất bản Thế giới năm 2007 và văn bia Quang chấn đường thì trong khoảng niên hiệu Cảnh Trị (1663-1671) cụ được thăng Thượng thư Bộ Công, tước Quận công; năm 1669 được thăng Tham tụng Tể tướng.
Trong thời gian từ 1650- 1673, có 4 chuyện tác động đến tâm tư cụ Chí. Chuyện thứ nhất xảy ra khi thăng chức Tham chính trấn Thanh Hoa (nay thuộc Thanh Hóa), quần thần có lời bàn, cụ chưa qua Bảo cử (lệ tuyển dụng người của Chúa Trịnh để cất nhắc những người trung thành và được việc không cần thông qua khoa cử, chỉ cần được đại thần trong triều đề cử) nhưng Chúa vẫn tùy ý cất nhắc. Chuyện thứ hai là năm 1659, vì dạy con Vũ Bật Hài đỗ tiến sĩ, được thăng Tả Thị lang Bộ Công, Thiêm sai Bồi tụng. Chuyện thứ ba là trong khoảng niên hiệu Cảnh Trị (1663-1671), cụ được thăng Thượng thư Bộ Binh, tước Quận công, lại được ban ân điển về phong ấm (phong chức tước cho ông bà, cha mẹ, các con). Sau cụ được phong đến Thượng thư Bộ Lễ, Tham tụng Tể tướng (năm 1669). Quần thần thắc mắc vì cụ vốn dĩ là chân lại viên. Chuyện thứ tư là vụ xử án gia đình do người em ruột là Tiến sĩ Vũ Cầu Hối (đỗ cùng khoa thi với Tiến sĩ Vũ Bật Hài, năm 1659) bị tội ăn hối lộ trong kỳ thi trung khoa ở Thanh Hóa năm 1673, khi đang chức Tham chính xứ Thanh Hoa (Chuyện này được chép trong sách Mộ Trạch làng khoa bảng, làng cổ văn hóa, TS Vũ Huy Thuần chủ biên, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin năm 2010, trang 175).
Cụ làm quan ở ngôi trên muôn người, dưới một người nhưng dám can Chúa Trịnh Tạc khi quần thần a dua khen nịnh. Cụ Chí tu dưỡng đạo đức, nhân cách và lẽ sống được ghi trong gia phả họ Vũ lần trả lời phỏng vấn câu hỏi về tài sản có được khi làm quan, câu hỏi và trả lời như sau: Tướng công làm quan thăng đến tột đỉnh mà sao không xây nổi nhà lầu, cũng chẳng có ruộng vườn để lại làm sản nghiệp cho con cháu, thế là cớ sao? Ông đáp: trên con đường làm quan của tôi mà lấy sự buông thả cái tâm theo tiền tài, lợi lộc đâu phải là khó. Nhưng tôi muốn lấy sự trong sạch để nối dõi nghiệp nhà mà dạy bảo cháu con biết dựng tòa nhà lễ nghĩa, trồng thửa ruộng sách vở, không làm bại hoại gia thanh, mãi mãi được hưởng phúc ấm của thơ văn như thế là giàu sang cao hơn tiền bạc của cải nhiều. Năm 70 tuổi, cụ Chí dâng sớ xin Vua, Chúa về hưu nhưng phải lần dâng sớ năm 72 tuổi mới được chấp nhận. Khi cụ về chí sĩ, Vua Lê tặng cụ 10 đôi câu đối khẳng định tài năng sánh với Tể tướng Tiêu Hà đời Hán cao tổ, Triệu Phổ thời Bắc Tống. Câu đối ghi: Nhất đại tôn thần Tiêu Tướng quốc/ Lưỡng triều nguyên lão Triệu, Hàn Vương (dịch nghĩa: "Làm quan đầu triều một đời như Tướng quốc Tiêu Hà (tướng quốc Tiêu Hà là tam kiệt đời Hán)/Làm nguyên lão hai triều như Hàn vương Triệu Phổ (ông là Tể tướng thời Bắc Tống). Chữ được tạc vào gỗ quý, sơn son thếp vàng từ năm Ất Mão (1676), khi cụ Chí về chí sĩ 1 năm. Tài như Tể tướng Tiêu Hà, như Hàn Vương Triệu Phổ, thật ít người đạt đến. Quốc sử nhận xét: Chí là người cẩn thận kín đáo, lại có tâm cơ, Chúa cho rằng có thể làm được việc lớn, cho nên từ chân duyện lại làm đến Tể tướng rồi mới về hưu (Đại Việt sử ký toàn thư- Bản kỷ tục biên, tập 1, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1982, trang 24). Khi mất (năm 1679) cụ được triều đình ban 500 quan tiền chi tiêu mai táng, cử lệnh quan về dụ tế, tặng tên thụy, truy tặng chức Thái phó.
Cụ Chí là con thứ 3 của Cống sĩ Vũ Quốc Sĩ, em Hoàng Giáp Vũ Bạt Tuỵ, anh Công Bộ Tả thị lang Vũ Phương Trượng, Tiến sĩ Vũ Cầu Hối.
VĂN LỘC