Công tác thủy lợi trước yêu cầu mới

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:43, 30/01/2013

Hệ thống công trình được quy hoạch và đầu tư xây dựng đã qua mấy chục năm hiện đã xuống cấp, bất cập và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.



Đến nay, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) đã xây dựng, tu bổ gần 8.000 m kênh mương, đáp ứng tưới tiêu
cho toàn bộ diện tích nội đồng. Ảnh: Thành Chung


Hằng năm ở tỉnh ta thường có hàng nghìn đến chục nghìn ha lúa, hoa màu bị giảm năng suất do úng, hạn. Riêng đợt úng nặng ở vụ mùa 2004, theo tổng hợp báo cáo từ các địa phương, toàn tỉnh bị thiệt hại tới hơn 600 tỷ đồng. Trong năm 2012, toàn tỉnh có tới hơn 9.700 ha lúa vụ xuân bị giảm năng suất do hạn hán và hơn 20 nghìn ha lúa vụ mùa bị giảm năng suất do ngập úng, trong đó có 743 ha lúa bị mất trắng.
Về tổng thể, hệ thống công trình thủy lợi tỉnh ta gồm vùng thủy lợi Bắc Hưng Hải và thủy lợi vùng triều với 1.234 trạm bơm tưới, tiêu, hơn 10 nghìn km kênh mương, 68 hồ đập trữ nước tưới (chủ yếu ở Chí Linh)... Hệ thống công trình trên được quy hoạch và đầu tư xây dựng đã qua mấy chục năm, tuy từng bước được đầu tư xây dựng bổ sung nhưng chắp vá, hiện đã xuống cấp, bất cập và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Do tác động của biến đổi khí hậu, quy luật lũ bão cũng thay đổi, nguồn nước từ thượng nguồn các sông lớn giảm, mực thủy triều biến động và các hồ chứa bị cạn kiệt dẫn đến ngay cả trong mùa mưa lũ cũng thiếu nước nguồn cho sản xuất. Nhưng yếu tố ảnh hưởng chính là do trước đây hệ thống thủy lợi được thiết kế chỉ phục vụ tưới tiêu cho 2 vụ lúa. Nay ở tỉnh ta có tới gần 40% tổng diện tích canh tác được thâm canh 3 vụ (thêm vụ đông), trong đó có nhiều diện tích được thâm canh 4 - 5 vụ/năm; gần 20 nghìn ha được chuyển đổi sang trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản và hàng nghìn ha đất lúa được chuyển đổi cho xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp... Việc tưới tiêu còn bị ảnh hưởng do hình thành nhiều tuyến đường giao thông mới của quốc gia và các địa phương. Vì vậy, hệ số tưới tiêu yêu cầu tăng gấp hơn 2 lần so với thiết kế ban đầu. Một bất cập không nhỏ nữa là hệ thống thủy lợi tỉnh ta được thiết kế quy hoạch và đầu tư xây dựng khi chưa có chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nay phải thay đổi theo tư duy mới cho phù hợp.


Trạm bơm Cầu Sộp (Thanh Miện) hoàn thành năm 2010, đáp ứng yêu cầu tưới tiêu
Ảnh: Nhân Chính


Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện nay, các hồ chứa nước bị bồi lắng, xuống cấp, dung tích các hồ chỉ đạt 30 - 70% so với thiết kế ban đầu. Vì vậy, năng lực phục vụ tưới chỉ đạt hơn 50% diện tích so với thiết kế. Phần lớn các trạm bơm tưới, tiêu trên địa bàn đã cũ không phát huy được công suất thiết kế, hiệu suất phục vụ thấp. Trong đó có 963 trạm bơm nhỏ (còn gọi là trạm bơm dã chiến) do hơn 300 HTX Dịch vụ nông nghiệp quản lý đã quá cũ nát, hoạt động không ổn định, tiêu tốn điện năng... cần từng bước được loại bỏ, thay thế toàn bộ. Hệ thống kênh mương bị bồi lắng, xuống cấp nhưng thiếu kinh phí cho nạo vét, tu bổ. Tỉnh ta đã triển khai chương trình kiên cố hóa (KCH) kênh mương nhưng chưa đồng bộ, mới chỉ KCH được các kênh chính, kênh cấp I và một phần nhỏ kênh cấp II, cấp III. Một số tuyến kênh cấp III do các địa phương đã KCH nhưng không nối mạng với hệ thống kênh chính nên phát huy tác dụng kém. Tình trạng vi phạm, lấn chiếm hệ thống kênh mương đã ở mức nghiêm trọng và kéo dài chưa được xử lý. Tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có gần 4.000 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi, trong đó có hơn 500 trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Đó là các trường hợp xây dựng trái phép các công trình nhà, cầu, lều quán... trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, xả nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống thủy lợi. Các vi phạm trên đã đe dọa an toàn, làm hư hại hoặc hạn chế hoạt động của hệ thống, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với công tác chống lụt, úng, hạn...

Về công tác quản lý, ngày 27-7-2011, UBND tỉnh có Quyết định số 18/2011/QĐ-UBND ban hành Quy định bảo vệ và phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nhưng đến ngày 4-12-2012, UBND tỉnh mới có quyết định phê duyệt danh mục công trình thủy lợi được phân cấp quản lý, khai thác cho doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi và các HTX Dịch vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn quy định cụ thể xác định công trình và vị trí cống đầu kênh để phân ranh giới cụ thể giữa doanh nghiệp với các HTX phải phục vụ.

Phải kể tới tình trạng nguồn nhân lực tham gia trong lĩnh vực thủy lợi hiện chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo khảo sát, toàn tỉnh có hơn 6.000 cán bộ, công chức, viên chức và lao động tham gia các hoạt động quản lý khai thác công trình thủy lợi. Trong đó chỉ 4% có chuyên ngành thủy lợi, 14,5% thuộc chuyên ngành khác, 19,4% là công nhân kỹ thuật và 62% là lao động chưa qua đào tạo. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cấp huyện là cơ quan tham mưu cho UBND huyện quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy lợi, nhưng có tới 9 đơn vị không có kỹ sư chuyên ngành thủy lợi.

Theo các đồng chí lãnh đạo Sở NN-PTNT, nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho các công trình thủy lợi trong những năm qua chỉ đạt hơn 20% so với kế hoạch trong Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 5-1-2009 của UBND tỉnh, phê duyệt dự án quy hoạch thủy lợi tỉnh ta đến năm 2015. Các HTX Dịch vụ nông nghiệp được phân cấp quản lý 963 trạm bơm, 60 hồ đập và gần 5.000 km kênh tưới tiêu, bờ vùng... nhưng nguồn thu phí dẫn nước quá thấp nên không có kinh phí cho cải tạo, nâng cấp các công trình được phân cấp quản lý.

Yêu cầu của Chương trình xây dựng NTM đối với tiêu chí thủy lợi là hệ thống thủy lợi phải cơ bản đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và dân sinh, đồng thời hơn 85% chiều dài kênh mương do xã quản lý phải được KCH.

Theo các chuyên gia, để khắc phục những hạn chế trên, đáp ứng được yêu cầu của Chương trình xây dựng NTM, cần thiết phải đầu tư thỏa đáng cho công tác lập đề án quy hoạch tổng thể hệ thống công trình thủy lợi tỉnh ta sao cho phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh tế, xã hội hiện nay theo hướng phục vụ đa mục đích. Từ đó, có phương án đầu tư, thứ tự ưu tiên đầu tư cho trạm bơm, kênh mương, cống các loại và hồ đập.

Đồng thời, phải có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới cơ chế quản lý vận hành hệ thống theo phương pháp tiên tiến và hiệu quả. Đặc biệt, phải có cơ chế thưởng phạt với tập thể và cá nhân theo hiệu quả mang lại trong dịch vụ tưới, tiêu cũng như kết quả xử lý những vi phạm hệ thống công trình thủy lợi.

XUÂN SƠN