Doanh nghiệp xây dựng chật vật vượt khó

Công nghiệp - Ngày đăng : 06:06, 31/01/2013

Hầu hết doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn vốn ít nên việc trì hoạt động luôn là bài toán khó trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay...


Nhiều công trình xây dựng chậm tiến độ. Trong ảnh: Công trình Trụ sở Công ty CP Đê kè Hải Dương thi công dở dang do nhà thầu thiếu năng lực. Ảnh: Nhân Chính

Khó chồng lên khó

Theo TS Nguyễn Tiến Hóa, Giám đốc Sở Xây dựng, một năm kinh tế gặp khó khăn thì 2 - 3 năm kế tiếp, doanh nghiệp xây dựng vẫn bị ảnh hưởng. Bởi thông thường ký hợp đồng xong cần 1 - 2 năm thi công, sau đó doanh nghiệp mới được thanh quyết toán. Thế mà khó khăn trong ngành xây dựng đã kéo dài vài năm rồi.

Về cơ bản, các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh ta đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu vốn hoạt động. Mỗi doanh nghiệp có số vốn điều lệ trung bình 4 - 5 tỷ đồng, hầu hết lại nằm ở tài sản cố định như đất đai, máy móc, trang thiết bị..., vốn lưu động không đáng kể. Do đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động nhờ tiền vay ngân hàng. Vốn duy trì hoạt động hoặc mở rộng sản xuất luôn là bài toán khó.

Năm 2012, số lượng hợp đồng mới ký được rất ít, nhiều doanh nghiệp chủ yếu hoàn thành các đơn hàng đã ký trước đó. Những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, nhiều doanh nghiệp không tạo được việc làm cho công nhân... Tuy vẫn duy trì hoạt động, nhưng quá trình sản xuất, kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro.

Kỹ sư Phạm Ngọc Hường, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng số 5 (Kinh Môn) cho biết: Doanh nghiệp được thành lập đã trên 30 năm nhưng nay chỉ cố duy trì hoạt động. Doanh thu năm 2012 chỉ đạt khoảng 30 tỷ đồng và cũng chủ yếu ký được trong năm 2011. Lực lượng lao động chỉ còn già nửa so với năm 2002 (khi công ty tiến hành cổ phần hóa). Không có việc làm, đời sống người lao động khó được bảo đảm.

Khó vay vốn đã đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau. Lãnh đạo Công ty CP Xây lắp 3 (Chí Linh) cho biết, có lúc đơn vị bị bên A nợ đọng gần 30 tỷ đồng, kéo dài vài năm...  Không đòi được nợ, công ty buộc phải nợ lại các đơn vị cung cấp vật liệu. Công ty CP Xây lắp 1 thi công khu đô thị Lai Cách (Cẩm Giàng), giá trị thực hiện đạt trên 12 tỷ đồng, nhưng 4 - 5 năm nay chưa được thanh toán một đồng nào. Hầu hết các doanh nghiệp hạn chế vay ngân hàng bởi lãi suất quá cao, rất khó bảo đảm lợi nhuận.


Công ty CP Xây lắp 1 thi công khu đô thị Lai Cách (Cẩm Giàng) giá trị thực hiện đạt trên 12 tỷ đồng
nhưng 4-5 năm nay chưa được thanh toán.
Ảnh: Trung Kiên


Nghị quyết 13 của Chính phủ về giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường được ban hành đã được hơn 8 tháng, nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng vẫn chưa được cải thiện. Đẩy mạnh chi tiêu công, trong đó có chi tiêu cho đầu tư xây dựng là nội dung được kỳ vọng nhất của Nghị quyết 13, có thể tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp xây dựng, kích cầu thị trường… Tuy vậy, chính sách này vẫn chưa được triển khai. Hàng loạt công trình vẫn đang tạm dừng hoặc giãn tiến độ. Theo ông Hoàng Anh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Sông Đà - Cao Cường (Chí Linh), công ty hiện gặp nhiều khó khăn khi thị trường xây dựng và bất động sản “đóng băng”. "Lúc Nghị quyết 13 ra đời, doanh nghiệp cũng hy vọng, nhưng càng chờ... càng thất vọng”, ông Hoàng Anh nói. Ngay giữa năm 2012 (thời điểm ban hành Nghị quyết 13), có ngày công ty bán được khoảng 40 m3 gạch, 100 tấn vữa... Còn nay, tỷ lệ bán lẻ không đáng kể. ACC là một sản phẩm gạch mới của Sông Đà - Cao Cường, chủ yếu cung cấp cho các dự án, công trình lớn tại Hà Nội, lượng gạch tiêu thụ có tháng lên tới 50 nghìn m3. Nhưng từ tháng 8-2012, gạch bán cho các dự án này giảm dần và nay đã dừng hẳn, cùng với đó là nợ cũ còn tồn. Hiện nay, doanh thu của công ty chỉ đạt khoảng 200 triệu đồng/tháng, trong khi chi phí đầu tư đã cả trăm tỷ đồng...

Sông Đà - Cao Cường không phải là cá biệt. Hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn vào thời điểm này được hỏi về tác động của gói hỗ trợ theo Nghị quyết 13 đều trả lời: “chưa thấy tác động cụ thể”. Ngay với gói hỗ trợ thị trường xây dựng và bất động sản, đa phần các ngân hàng vẫn rất dè dặt cho vay, vì sản phẩm làm ra chưa dễ bán, nợ xấu luôn rình rập. Tình trạng tồn kho lớn của các mặt hàng xi-măng, sắt thép, gạch... là những điển hình. Bên cạnh đó, nhiều dự án xây dựng dang dở đành “đắp chiếu” do cạn kiệt nguồn vốn, ngân hàng cũng lo ngại nợ xấu, không cho vay thêm.

Phải tìm cơ hội

Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Hải Dương Phan Mạnh Hùng chia sẻ, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, giải pháp tối ưu là cần giữ người, kết hợp đào tạo và đào tạo lại lực lượng kỹ thuật, vì khi thị trường phục hồi, vấn đề nhân lực lại tiếp tục là bài toán khó. Bên cạnh đó, khó khăn hiện nay cũng là cơ hội để doanh nghiệp kiện toàn lực lượng, tổ chức lại sản xuất để phát huy cao nhất nội lực. Để tìm kiếm việc làm, đơn vị phải ra các thị trường ngoại tỉnh như: Bắc Ninh, Thái Bình và hiện đang thử sức cả ở miền Tây Nam Bộ. Năm nay, doanh nghiệp này đang phấn đấu vượt từ 10% trở lên giá trị sản lượng 80 tỷ đồng đã thực hiện trong năm 2012.

Ông Lê Văn Định, Tổng giám đốc Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công cho rằng, thông tin rõ ràng, minh bạch là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay. Các cơ quan quản lý nhà nước và ngành ngân hàng nên có những thông tin kịp thời, chính xác, nhất quán; các giải pháp điều hành kinh tế cần được thực hiện đồng bộ, cân nhắc kỹ những hiệu ứng có thể phát sinh khi thực hiện, đồng thời cần có lộ trình thực thi hợp lý, tránh để doanh nghiệp bị “sốc”, bị động, lúng túng khi quyết định các phương án kinh doanh...

Theo TS Nguyễn Tiến Hóa, Giám đốc Sở Xây dựng, khi thị trường xây dựng phục hồi, cơ hội sẽ không chia đều cho các doanh nghiệp. Khủng hoảng đã giúp sắp xếp lại “bản đồ” doanh nghiệp xây dựng và “chính trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, năng lực và tư cách của mỗi nhà thầu được bộc lộ rõ”. Do vậy, lợi thế hiện đang có phần nghiêng về những nhà thầu đã thể hiện được tính thích ứng cao trong năm 2012 đầy khó khăn. Sự thích ứng này có được nhờ tính chuyên nghiệp của nhà thầu, trong đó hai yếu tố mang tính quyết định đối với chất lượng thi công là quy trình công nghệ chặt chẽ và con người phục vụ quy trình đó. Các doanh nghiệp cần tránh đầu tư đa ngành, dàn trải, kém hiệu quả, nên tập trung vào các dự án có tiềm năng và vốn bảo đảm. Mỗi doanh nghiệp cần tái cấu trúc lại sản xuất, kịp thời nắm bắt và nghiên cứu thị trường, bảo đảm giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

THÀNH LONG