Nâng cao vai trò giáo dục của tổ chức Đoàn

Xã hội - Ngày đăng : 13:58, 01/02/2013

Trong năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh luôn coi trọng công tác giáo dục tư tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN).



Tổ chức các hoạt động tình nguyện cho đoàn viên thanh niên là cách giáo dục tốt nhất của tổ chức Đoàn

Hầu hết các nội dung giáo dục được lồng ghép thông qua các hoạt động tình nguyện vì an sinh xã hội, sinh hoạt chi đoàn, các cuộc vận động, diễn đàn, hội thi. Riêng trong năm 2012, ĐVTN trong toàn tỉnh đã chung tay thực hiện 328 công trình thanh niên với tổng trị giá hơn 14,5 tỷ đồng; tổ chức 725 buổi tuyên truyền giáo dục, phát 18.500 tờ rơi, thành lập mới 48 đội thanh niên bảo vệ môi trường, duy trì hoạt động của 151 mô hình, câu lạc bộ, nhóm bảo vệ môi trường. Các cấp bộ Đoàn đã phối hợp, quyên góp tặng 6.865 suất quà cho các gia đình chính sách, cựu thanh niên xung phong và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trị giá hơn 2 tỷ đồng; tổ chức 27 đợt khám bệnh tình nguyện, tư vấn, phát thuốc miễn phí cho 5.265 đối tượng chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá hơn 976,5 triệu đồng...

Tuy nhiên, các cấp bộ đoàn vẫn chưa phát huy được hết vai trò trong công tác giáo dục ĐVTN, vẫn còn một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu nhi đứng ngoài tầm ảnh hưởng của tổ chức Đoàn. Theo thống kê của các ngành chức năng, tỷ lệ người vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong độ tuổi thanh niên chiếm khoảng 50%; tỷ lệ thanh niên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, nhiều thanh niên phạm các tội đặc biệt nguy hiểm... Bên cạnh đó, còn có không ít thanh niên sống buông thả, không có lý tưởng, hoài bão, mắc tệ nạn xã hội... Một trong nhiều nguyên nhân của vấn đề này là do cách giáo dục của Đoàn vẫn còn mang tính hình thức. Ví dụ, việc tổ chức giáo dục 6 bài học lý luận chính trị cho ĐVTN mới chỉ tập trung vào đội ngũ cán bộ Đoàn. Hình thức truyền tải quá khô cứng nên dẫn tới tình trạng ĐVTN tới dự cho đủ quân số, điểm danh chứ không mang lại hiệu quả.  Anh N.V.T, một Bí thư Chi đoàn tại TP Hải Dương cho biết: "Việc tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chính trị do Đoàn tổ chức rất có ích, nhưng lượng kiến thức học viên thu nhận được rất thấp, trên lớp không có sự đối thoại giữa giảng viên và học viên, học theo lối mòn, không hấp dẫn nên mỗi lần triệu tập, cán bộ đoàn đi học rất khó khăn, chứ chưa nói tới kêu gọi ĐVTN đi học”. Mặt khác, tại nhiều thôn, khu dân cư hoạt động của các chi đoàn còn cầm chừng, không có những hoạt động cụ thể, thường xuyên và có chiều sâu. Đơn cử như phong trào ra quân dọn vệ sinh nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho ĐVTN. Nhưng các hoạt động bảo vệ môi trường chỉ diễn ra trong các dịp cao điểm như Tháng thanh niên, hoạt động hè, nhân dịp tình nguyện. Ý thức tham gia bảo vệ môi trường của ĐVTN cũng chưa có nhiều chuyển biến. Bên cạnh đó, ngay trong tên gọi của các phong trào cũng chưa thu hút được sự quan tâm của giới trẻ. Phong trào “5 xung kích, 4 đồng hành” của Đoàn, chỉ có cán bộ Đoàn mới nắm bắt được, hiểu rõ nội dung và phương thức hoạt động. Do đó, phong trào không được duy trì một cách thường xuyên, hiệu quả, nhiều nơi còn có biểu hiện đầu voi đuôi chuột, dẫn tới tình trạng chính ĐVTN không thiết tha với các phong trào của Đoàn. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 93 nghìn đoàn viên tham gia sinh hoạt tại 3.985 chi đoàn, nhưng nhiều chi đoàn thôn, khu dân cư chỉ có ban chấp hành mà không có ĐVTN; nhiều chi đoàn vào dịp hè mới có Bí thư... làm hạn chế vai trò giáo dục của Đoàn. Anh V.V.H, một Bí thư Chi đoàn ở huyện Ninh Giang cho biết: “Tại chi đoàn thôn, hầu hết ĐVTN đều đi làm ăn xa, chỉ có vài người ở nhà thì khó xây dựng được tổ chức và càng không thể phát huy vai trò giáo dục của Đoàn".

Chủ đề công tác năm nay của các cấp bộ Đoàn là “Nâng cao vai trò giáo dục của tổ chức đoàn". Để thực hiện thành công chủ đề này đòi hỏi các cấp bộ Đoàn phải có những giải pháp cụ thể, đồng bộ. Để nâng cao vai trò giáo dục của Đoàn, các cấp bộ Đoàn nên ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, giáo dục cho ĐVTN, thực hiện có hiệu quả đề án “Tập hợp ĐVTN thông qua mạng xã hội". Bên cạnh đó, nội dung tuyên truyền cũng cần được đổi mới, đặc biệt chú trọng tuyên truyền về lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, nhận thức về biển đảo quê hương cho ĐVTN. Các cấp bộ đoàn cũng cần nâng cao tính hấp dẫn trong công tác giáo dục ĐVTN, đổi mới hình thức như sân khấu hóa, tổ chức diễn đàn thanh niên, sân chơi tìm hiểu về truyền thống quê hương, đất nước... Tổ chức đoàn phải tích cực phối hợp với nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho ĐVTN. Mặt khác, các phong trào lớn của đoàn cũng cần được đổi mới từ tên gọi cho đến hình thức tổ chức, cách thức hoạt động phù hợp với đời sống giới trẻ, tạo điều kiện để chính các ĐVTN được trải nghiệm qua các hoạt động cụ thể, thiết thực như vận động ĐVTN quyên góp quần áo, sách vở tặng các bạn học sinh nghèo ở biên giới, hải đảo, tổ chức hành trình về nguồn... Qua đó, giúp các bạn ĐVTN tự nhận thức được trách nhiệm của bản thân, nâng cao hơn hiệu quả giáo dục.

TÂM PHÚC