Sức bật mới ở Nam Sách
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:02, 03/02/2013
Từ lâu, Nam Sách đối với tôi như một điểm đến hấp dẫn.
Làng văn hóa Cao Đôi, xã Hợp Tiến (Nam Sách) hôm nay. Ảnh: Thành Chung
Không chỉ bởi nơi ấy nổi tiếng với gốm Chu Đậu, lại nằm trên trục đường nối tới vùng địa linh nhân kiệt Côn Sơn-Kiếp Bạc, mà còn bởi những tháng năm tuổi trẻ mê thơ thần đồng Trần Đăng Khoa, tôi cũng mê luôn con sông Kinh Thầy có: Hàng chuối lên xanh mướt/Phi lao reo trập trùng/Vài ngôi nhà đỏ ngói/In bóng xuống dòng sông (Bên sông Kinh Thầy). Thế nên, hôm nay, trên đường đến huyện Nam Sách, tôi cứ dán mắt nhìn ra ngoài cửa xe, như tìm trong khoảng không bao la trước mặt: Vài ngôi nhà đỏ ngói/In bóng xuống dòng sông...
Nhưng không, không chỉ có “vài ngôi nhà”, mà còn không biết cơ man nào là nhà xây hai, ba tầng, bốn, năm, thậm chí sáu, bảy tầng cũng có sừng sững hiện ra trước mắt. Làm việc với các đồng chí ở huyện, chúng tôi được biết, Nam Sách đã có gần 100% số hộ nông dân có nhà xây mái ngói, mái bằng hoặc cao tầng (gọi chung là “ngói hóa”). Nhiều xã như Đồng Lạc, Quốc Tuấn, Nam Tân, Hợp Tiến, Nam Chính có tới 100% số gia đình đã “ngói hóa”. Hôm chúng tôi về các xã Quốc Tuấn, Đồng Lạc còn thấy nhà xây bám hai bên đường làng rộng thênh thang, kiến trúc mang kiểu dáng khác nhau, có nhà xây theo kiểu biệt thự nằm giữa khuôn viên cây trái sum suê trông thật hấp dẫn, không khác thị trấn, thị tứ.
Kỹ sư Vũ Thị Liên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) nghe tôi nói điều nhận xét trên liền nói ngay: "Quy hoạch dân cư là một trong những quy hoạch quan trọng mà Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện cũng như các xã đặc biệt coi trọng".
Rồi như câu chuyện của chúng tôi cũng là những điều làm đồng chí luôn trăn trở, suy nghĩ. Thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng NTM, Nam Sách chọn 5 xã: Nam Tân, Hợp Tiến, Nam Chính, An Lâm, Đồng Lạc xây dựng đợt 1. Huyện cũng triển khai Quy chế xây dựng NTM lồng ghép với các chương trình khác ở nông thôn, như chương trình nước sạch, chương trình vệ sinh môi trường ở 13 xã còn lại. Từ năm 2012, BCĐ xây dựng NTM huyện Nam Sách tập trung chỉ đạo 5 xã triển khai đợt 1, công khai với nhân dân các thôn về đề án xây dựng NTM đã được UBND huyện phê duyệt, sau đó xây dựng kế hoạch thực hiện cho từng giai đoạn. BCĐ xây dựng NTM huyện cũng đồng thời chỉ đạo 13 xã còn lại xây dựng quy hoạch chung và lập đề án cụ thể bám sát 19 tiêu chí quốc gia. Với sự chỉ đạo sâu sát, ráo riết, hiệu quả của Huyện ủy, UBND và BCĐ xây dựng NTM huyện, ngay từ giữa năm 2012, Nam Sách đã phê duyệt xong quy hoạch chung và đề án xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 của 13 xã còn lại; sau đó, các xã công bố công khai với nhân dân về quy hoạch chung và đề án cụ thể, tổ chức thực hiện lồng ghép với các chương trình đang tiến hành ở xã. Vì thế không chỉ 5 xã xây dựng NTM đợt 1 mà nhiều xã trong huyện như Nam Hồng, Phú Điền, Thanh Quang, Hồng Phong, Quốc Tuấn cũng triển khai thực hiện có kết quả nhiều đề án trong xây dựng NTM. Chẳng hạn, xã Nam Hồng thực hiện lồng ghép với công trình nước sạch nông thôn với kinh phí xây dựng 7,5 tỷ đồng, thì dân đóng góp tới 2,5 tỷ đồng. Xã Thanh Quang xây dựng 2,7 km đường bê-tông nội đồng với chi phí gần 5,2 tỷ đồng, thì dân đóng góp tới gần 2,3 tỷ đồng. Xã Nam Hưng nâng cấp trường mầm non hết 600 triệu đồng hoàn toàn do dân đóng góp.
Diện mạo nông thôn mới ở xã An Lâm (Nam Sách). Ảnh: Mai Anh
Bên cạnh đường giao thông và các công trình dân sinh như trạm y tế, nhà văn hóa, trường học thì quy hoạch vùng sản xuất cũng được người dân ở những xã xây dựng NTM đặc biệt quan tâm. Xã Hợp Tiến từ năm 2010 được huyện chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất tập trung giống lúa lai năng suất cao rộng 10 ha, khi triển khai chương trình NTM (2011) đưa ra lấy ý kiến được dân nhất trí đưa lên 30 ha, đến năm 2012 lại đưa lên 40 ha và năm 2013 vùng sản xuất tập trung năng suất cao lại tiếp tục được đưa lên 50 ha. Bình quân mỗi năm Hợp Tiến tăng diện tích vùng tập trung lên 10 ha là một cách đi phù hợp, chắc chắn. Có kinh nghiệm chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất tập trung năng suất cao ở Hợp Tiến, năm 2013 này, huyện Nam Sách có kế hoạch xây dựng ở Đồng Lạc, Quốc Tuấn, mỗi xã một vùng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích mỗi vùng 50 ha, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nông nghiệp, nông thôn Nam Sách qua hai năm xây dựng NTM đang vươn lên thoát khỏi tình trạng thuần nông, manh mún, tạo lập nền sản xuất mới theo hướng tập trung, chuyên sâu và bền vững, với cơ cấu kinh tế hợp lý, mang lại hiệu quả cao.
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi là ngành kinh tế được các xã chú trọng phát triển, qua hai năm xây dựng NTM có bước tiến rõ. Huyện chủ trương hỗ trợ chăn nuôi tập trung, khuyến khích đưa chăn nuôi xa dân cư và chuyển đổi diện tích đầm trũng trồng trọt ít hiệu quả sang chăn nuôi, thủy sản. Theo hướng này, nhiều gia đình nông dân mạnh dạn đầu tư lập trang trại chăn nuôi, như anh Công ở xã Đồng Lạc có 3,2 ha trang trại nuôi tới nghìn con lợn nái; ông Tín, anh Đạt ở xã Nam Tân chuyển 4 ha ruộng trũng làm vùng nuôi cá, mỗi năm thu 500 - 600 triệu đồng. Hiện nay, toàn huyện có 52 trang trại gia đình theo tiêu chuẩn Bộ NN-PTNT quy định, chủ yếu chăn nuôi gà, lợn và thủy sản.
Huyện Nam Sách đã và đang hình thành những vùng sản xuất mang tính đặc thù, như dưa hấu ở Hợp Tiến, chiếm tới 100% diện tích vụ đông; cà chua và vịt đẻ lấy trứng ở Đồng Lạc; nuôi cá lồng trên sông ở Nam Tân, hiện có tới mấy trăm bè; trồng hành ở Nam Trung với hơn 100 máy sấy hành khô; trồng hoa ở Hồng Phong... Đi liền với những vùng sản xuất tập trung là những ngành nghề dịch vụ và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng phát triển nhanh. Chỉ kể vận tải, ở xã Quốc Tuấn đã hình thành những đội xe chuyên chở nông sản, không chỉ trong thôn, xã mà còn làm dịch vụ cho nông dân xã bên cạnh. Xã Nam Hưng lại có nghề mộc phát triển, còn xã An Lâm có nghề làm gạch, quanh năm bán gạch cho khắp nơi...
Một khi sản xuất phát triển, thu nhập tăng, mức sống của người dân được cải thiện thì đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân cũng được nâng cao. Đấy là điều chúng tôi thấy rất rõ khi về huyện Nam Sách. Thu nhập bình quân toàn huyện năm 2012 là 18,9 triệu đồng/người, cao hơn nhiều so với trước khi triển khai xây dựng NTM; tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 còn 6,85%, giảm gần 1,7% so với 2011; nhiều nơi như Nam Chính, Đồng Lạc, Nam Tân tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 5% số hộ trong xã.
Dẫu con đường đi tới còn dài và không ít chông gai, thậm chí có tiêu chí rất khó thực hiện, nhưng những gì Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Sách đạt được qua hai năm xây dựng NTM đã tạo ra sức bật mới tràn đầy lạc quan, tin tưởng như mùa xuân dâng trào nhựa sống.
CAO NĂM
Theo BCĐ xây dựng NTM của huyện, khi triển khai chương trình (đầu năm 2011) huyện chỉ có xã Nam Tân đạt 10 trong tổng số 19 tiêu chí NTM, nhưng lại có một xã Hiệp Cát chỉ đạt 4 tiêu chí; đến cuối năm 2012 đã có tới 5 xã đạt 10 đến 12 tiêu chí là Đồng Lạc (tăng từ 9 lên 12), An Lâm (tăng từ 9 lên 11), Nam Chính, Nam Tân, Quốc Tuấn; không xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. |