Nhà thơ được về nghỉ Tết sớm

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 11:15, 03/02/2013

Gia đình nhà thơ Minh Huệ năm 1975.  Ảnh tư liệu

Gia đình nhà thơ Minh Huệ năm 1975. Ảnh: Internet


Sau khi tốt nghiệp lớp văn hóa kháng chiến, nhà thơ Minh Huệ được trên điều về làm thư ký cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Khu ủy Khu 4, từ tháng 10-1948. Chỉ sau mấy tháng công tác, anh được cả bí thư và vợ là chị Cúc, nhân viên mật mã, coi như người em trong gia đình. Chính sự thân tình ấy, mà sắp đến Tết, Minh Huệ muốn ở lại vui xuân cùng cơ quan, cũng là để làm nhiệm vụ của mình. Không ngờ Bí thư Khu ủy lại quan tâm đến anh:

- Cậu thu xếp về ăn Tết đi. Cậu là con trai cả, chắc ông bà đang mong lắm đấy.
Nói rồi, ông nhìn lịch và nói như ra lệnh:

- Ờ, té ra bữa ni là 23 tháng Chạp! Thôi, cậu thu xếp mà lên đường ngay chiều nay. Từ đây vào quê cậu cũng mất vài ngày cuốc bộ...

Minh Huệ sung sướng, mặt thừ ra, cảm động. Còn thủ trưởng thì vào trong nhà mang ra mấy thứ: bộ quần áo ka ki màu cỏ úa còn nguyên nếp gấp, một áo blu-dông Mỹ do bộ đội ta thu được trong chiến khu Hòa Mỹ (Thừa Thiên) tặng ông. Toàn hàng sang so với hoàn cảnh lúc đó. Thấy cổ tay nhà thơ không có gì, ông cởi luôn chiếc đồng hồ Thụy Sĩ đặt vào tay anh, cười dí dỏm: "Chàng văn sĩ đẹp trai, con nhà trí thức, cũng cần diện vô đôi chút... cho có cô nào liếc trộm với chứ!" Đoạn ông gọi to xuống phía dưới bếp:

- Cúc ơi! Có đồng mô đưa cho Thái một ít ăn đường chớ! (Thái là tên Minh Huệ).

Đang làm cỗ cúng ông Táo, nghe chồng gọi, chị Cúc chạy lên. Ngắm nhà thơ trong bộ cánh mới, chị Cúc xuýt xoa khen: "Chà chà, đẹp quá hỉ! Ông diện cho chú em như rứa thì con gái mô gặp cũng chết mất thôi!"

Tết ấy, được sự quan tâm đặc biệt của vợ chồng thủ trưởng, Minh Huệ được về quê ăn Tết sớm, đàng hoàng lịch sự hơn mọi Tết trước.

VƯƠNG BẠCH