Cho vui sướng hơn nhận...

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 13:05, 13/02/2013

Hồi còn học đại học, Đoàn là sinh viên cưng của thầy Trinh. Sau này, tình thầy trò vẫn rất thắm thiết. Có quyển sách nào mới, Đoàn lại mang đến trân trọng biếu thầy. Còn thầy, biết Đoàn thích chơi lan cảnh, hầu như Tết nào cũng tặng trò một giò lan đẹp. Chả là sau khi về hưu, thầy đảm đương chức vụ Chủ tịch Hội Lan thành phố. Nhận lan của thầy Đoàn thích lắm, ngày đêm chăm sóc mong cho lan nở đúng dịp Tết. Nhưng với Đoàn, mấy lần có lan mà không được chơi lan.

Năm trước, thầy cho khóm hoàng điệp, giò hoa chíu chít vàng mơ, đẹp như một đàn bướm đậu. Nhưng gần Tết, một tay trộm "yêu hoa" đã leo qua cổng và nẫng mất. Anh tiếc ngẩn tiếc ngơ.

Giáp Tết năm sau, thầy lại tặng anh một chậu lan bạch ngọc. Đây là thứ lan quý của Thủ đô. Nhờ chăm sóc tốt, bạch ngọc phun giò lan cong vút, trên đó rải đều những nốt hoa nhỏ xíu trông như những bông hoa lài, năm cánh cum cúp màu trắng ngà thật dịu dàng và thanh cao. Anh khoe: hoa như người con gái lúc ẩn, lúc hiện, lúc biến, hương tỏa xa lan rộng, không có ý khoe mà vẫn ngào ngạt không thể giấu diếm... Nhưng thật tiếc Đoàn lại mất vui. Một tên đạo chích đã bất chấp cả xương rồng và dây thép gai leo lên đỉnh tường nhà, thò kìm cộng lực cắt sợi dây thép treo, bê luôn cả chậu bạch ngọc. Đoàn rất buồn và ngượng với thầy, nhưng anh đành phải thú thật với thầy về chuyện này, sẵn sàng đón nhận những lời quở trách của người thầy giáo sư già gắn bó cả đời với lan cảnh. Thầy nghe anh nói, ắng lặng đi mấy phút, nhưng rồi thầy lại ôn tồn bảo: “Đến ngay nhà lấy một chậu lan khác về để kịp đón xuân”. Đoàn vô cùng cảm động. Đến nhà thầy, anh bất ngờ đến lặng người khi thầy chỉ vào một chậu lan đặc biệt: chậu mặc lan. Mặc lan là loài lan đẳng cấp cao nhất. Nó là thống soái trong các loài lan. Những thanh lan, bạch ngọc, cẩm tú, ô tử... dẫu cũng là hàng lan quý, nhưng chỉ là đám quân sĩ điểm xuyết cho bức tranh địa lan thêm phong phú mà thôi. Thật sự xúc động, Đoàn ngập ngừng: Thưa thầy...

Hiểu ý anh, thầy nói:

- Cậu tưởng chỉ có cậu sung sướng cảm động thôi à? Không đâu. Giữa cậu và tôi, giữa người cho và kẻ nhận chưa biết ai sướng hơn ai…

- Dạ, em nghĩ em đã làm phiền thầy…

- Hà hà... thế thì rõ là cậu chưa đọc Erich Fromm (Ê-rích Phrôm) rồi.

Mùa xuân ấy, Đoàn đã mời bạn bè văn chương đến thưởng hoa hết sức vui mừng. Nhưng rồi sau đó anh vẫn canh cánh về câu nói lửng của thầy. Mấy năm sau anh mới tìm được cuốn "Phân tâm học tình yêu" của triết gia người Đức Erich Fromm. Anh đọc từng trang, cuối cùng bất ngờ gặp một dòng: Sự cho là biểu lộ cao nhất của tiềm lực, trong hành vi cho, tôi cảm nhận được sức mạnh tài sản, quyền năng và tình cảm của tôi. Cho vui sướng hơn nhận. Thật là một ý tưởng sâu sắc, anh lặng người đi. Đây có phải là một lời dạy dỗ nữa của thầy trong trường học cuộc đời, qua chậu lan xuân.

Đoàn, họ tên khai sinh là Đinh Trọng Đoàn, chính là nhà văn Ma Văn Kháng, từng được Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2011, Giải thưởng văn học ASEAN và mới đây là Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật 2012.

NGUYỄN HỮU PHÁCH