Về Cẩm Giàng, nhớ Thạch Lam

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 13:20, 16/02/2013



Ga Cẩm Giàng đã đi vào nhiều tác phẩm của  nhà văn Thạch Lam. Ảnh: Quang Thông 


Trại văn chương của Tự lực văn đoàn


Ga Cẩm Giàng là một ga xép như bao ga khác, nhưng là nơi chứa đựng tình yêu, kỷ niệm ấu thơ của nhà văn Thạch Lam, một trong bát tú của Tự lực văn đoàn (TLVĐ) những năm 30-40 thế kỷ trước.

Nhà văn Thạch Lam (tên thật là Nguyễn Tường Lân) là con trai thứ sáu của ông Nguyễn Tường Nhu (tức Phán Nhu) ở phố huyện Cẩm Giàng, những năm đầu thế kỷ 20.

Sau nhiều năm sống ở ấp Thái Hà, Hàng Bạc (Hà Nội), khoảng năm 1914-1915, ông bà Nhu đưa cả gia đình về quê cha đất mẹ ở huyện lỵ Cẩm Giàng.

Thời gian đầu, gia đình tạm thời sống ở nhà cụ Quản Thuật, mẹ đẻ của bà Nhu. Sau đó, được bên ngoại giúp đỡ, bà Nhu cho dựng năm gian nhà lá gồi, hai gian mở cửa ra phố bán thuốc lào. Phía sau nhà là đường xe lửa và cánh đồng rộng. Năm ấy hai con lớn là Nguyễn Tường Thuỵ, Nguyễn Tường Cẩm đang học ở Hà Nội, hai con kế tiếp là Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Tường Long còn học trường huyện. Trường huyện Cẩm Giàng ở chùa bên làng Giằng, phải qua cầu bắc qua sông Sen, trên cầu có đường xe lửa, dưới cầu có thuyền buôn từ xa đến…

Một lần chuyến tàu đêm vào ga, xỉ than bắn ra làm cháy cả dãy nhà. Dân phố đòi nhà ga bồi thường, thế là Sở Hoả xa tức, đuổi các gia đình phải dời ra xa đường tàu 10 thước.

Bà mẹ Thạch Lam lại phải về ở nhờ trên đất nhà mẹ đẻ. Cụ Quản Thuật thương tình cho con gái làm nhà trên đất nhà mình. Ngôi nhà mặt trước trông ra vườn, mặt sau trông ra chợ Cẩm Giàng để vừa ở, vừa có thể bán hàng. Về Cẩm Giàng, bà Nhu ngày thường chỉ bán thuốc lào và thứ lặt vặt, đến ngày mùa thì đi cân gạo quanh vùng. Cuộc sống tần tảo như thế cũng đủ chi dùng và nuôi bốn con ăn học ở Hà Nội, Hải Dương. Nhưng ở Cẩm Giàng buôn bán khó khăn nên gia đình Thạch Lam lại phải chuyển sang Thái Bình sinh sống, rồi quành lên Hà Nội, vẫn không ở được lại về Cẩm Giàng.

Lần thứ hai bà Nhu từ Hà Nội về quê, còn đang bơ vơ thì người bạn cân gạo đã gán nợ cũ bằng hai mẫu đất. Mua thêm thành ba mẫu giữa cánh đồng cách xa phố huyện khoảng một cây số, bà Nhu quyết tâm làm nhà để hứng gió trời. Ngôi nhà gỗ, cột vuông, lợp rạ, bốn chung quanh hiên rộng. Nhà ba gian, gian đầu phòng khách, gian giữa thờ gia tiên, gian trong để ở. Trần nhà lát nứa dập thẳng. Mái lợp dày xén rất đẹp, quanh nhà có lan can gỗ. Kiểu nhà này dựa vào mẫu ở Tuy Hoà. Khi Nhất Linh đỗ bằng cử nhân khoa học Pháp về nước, một lần đã đưa mẹ cùng em gái vào Sài Gòn. Đến Tuy Hoà nhìn thấy bên đường có ngôi nhà kiểu như thế này cả hai mẹ con dừng lại ngắm nghía lấy làm tâm đắc. Bây giờ có dịp xây dựng nhà gọi tên "Nhà ánh sáng". Ngôi nhà ấy đi vào văn học sử và trang trại này được mệnh danh là trại văn chương của TLVĐ.

Ngôi nhà có cửa quay bốn hướng đông - tây - nam - bắc, trong kính ngoài chớp. Chung quanh trồng cây xanh. Phía đông trước cửa là một chiếc ao hình vuông thả cá, trên bờ trồng nhiều loại hoa thơm. Từ một cái nhà giữa cánh đồng, được các con giúp thêm, với đức cần kiệm toan lo của bà Nhu, nơi này trở thành một cái trại khá đẹp, nằm sát đường tàu, khách ngồi trên toa xe lửa Hà Nội - Hải Phòng qua đây cũng có thể nhìn rõ. Phía đông khuôn viên là một bức tường trồng toàn trúc, cạnh con đường đi vào trường Kiêm Bị duy nhất của huyện Cẩm Giàng lúc bấy giờ. Trại này thành nơi sinh  hoạt văn chương của TLVĐ và nhóm báo Phong Hoá, Ngày Nay...

Quê hương trở thành máu thịt trong văn chương

Thạch Lam từng học tại Trường Nam tiểu học Hải Dương (nay là Trường Tiểu học Tô Hiệu, TP Hải Dương), rồi tiếp đó chuyển sang Tân Đệ (Thái Bình) học tập. Ông sớm mồ côi cha, chủ yếu sống bằng tình thương nhân hậu của người mẹ và các anh chị trong phố huyện Cẩm Giàng. Sau khi đỗ tú tài phần nhất, ông bỏ ngang đi làm báo với các anh.

Những năm tháng ở Cẩm Giàng nghèo khó, nhưng cảnh vật, con người ở đây đã in đậm trong ký ức và có tác động sâu sắc trong đời viết văn của ông, trở thành máu thịt sống động trong văn chương sau này. Người đọc gặp nhân vật trong truyện thấy có đủ lai lịch xuất xứ, mà Thạch Lam lấy nguyên mẫu trong phố huyện nghèo. Đấy là nhà chị Lê ở gần cánh đồng, chị Đối ở xóm chợ Cẩm Giàng, ông Chiểu đan lờ bên gốc na, trước mặt là con đường đất khô trắng. Cũng có khi là chị Lựu hay hát bài "Ngày xưa có anh Trương Chi, người thì thậm xấu hát thì thậm hay".

 Trong Hồi ký họ Nguyễn Tường, bà Nguyễn Thị Thế cũng khẳng định điều này: "Tôi không ngờ em Sáu (Thạch Lam) có trí nhớ dai thế, như truyện em tôi tả hai chị em thức đợi chuyến tàu đêm qua rồi mới đi ngủ. Năm đó, tôi mới có chín tuổi, em tôi lên tám mà tối đến mẹ đã giao cho hai chị em phải ngủ lại để trông hàng"...

Khi 25 tuổi, Thạch Lam lấy vợ. Chị ruột là Nguyễn Thị Thế sinh con đầu lòng, mới để lại ngôi nhà ven hồ Tây cho cậu em Thạch Lam và tìm nơi khác. Từ đây Thạch Lam mới có nhà riêng, bước vào cuộc sống tự lập.

Bẵng đi một dạo, bạn bè không gặp nhau, một hôm nhà văn Đinh Hùng tới thăm bạn thì thấy góc trong nhà một cánh màn buông kín giường,  Thạch Lam mặt trắng bệch nằm thoi thóp. Lúc này chỉ có bà mẹ già ngoài sáu chục tuổi, anh cả Nguyễn Tường Thuỵ, chị gái Nguyễn Thị Thế, người vợ vừa sinh con và người em trai, bác sĩ Nguyễn Tường Bách ở bên. Nhà văn âu yếm nhìn đứa con thứ ba mới ra đời, khen nó khoẻ mạnh (sau này là Nguyễn Tường Giang), ngước mắt nhìn lần cuối cùng người mẹ già, người vợ trẻ vừa ở nhà hộ sinh về, rồi lịm đi. Căn bệnh lao phổi đã xé ngang tiếng thở đời ông. Đó là ngày 27-6-1942. Mới hôm trước, Thạch Lam còn bảo chị gái đỡ mình ngồi cao lên để nhìn cho rõ cây liễu ven hồ và phàn nàn rằng có ai đã phạt một cành rủ sát mặt nước làm giảm đi vẻ đẹp tự nhiên.

  Ông ra đi để lại ba đứa con, trong đó có Nguyễn Tường Nhung sau này là vợ của viên trung tướng Ngô Quang Trưởng (quân đội Sài Gòn). Người con gái tha hương đã nhiều lần về Cẩm Giàng, viếng mộ ông nội và đi trên con đường mang tên người cha - Thạch Lam.

 Thấm thoắt đã tám chục năm!

KHÚC HÀ LINH