Trồng chuối tập trung thu lãi cao

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:26, 20/02/2013

Cây chuối dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất khác nhau, không cần chăm sóc nhiều nhưng lại cho lợi nhuận kinh tế cao.



Ông Phạm Văn Huỳnh ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) có 4 mẫu trồng chuối tây lai cho lợi nhuận cao


Năm 2012, toàn tỉnh có khoảng 1.800 ha chuối, chiếm 8,7% diện tích cây ăn quả, chỉ đứng sau diện tích vải và nhãn. Cây chuối dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất khác nhau, không cần chăm sóc nhiều nhưng lại cho lợi nhuận kinh tế cao. Một số vùng chuối tập trung đã cho lãi trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Lãi nửa tỷ đồng nhờ trồng chuối

Ở tỉnh ta, chuối được trồng ở mọi nơi, từ trong vườn, bờ ao đến bờ mương, bãi sông... Chỉ cần một khoảnh đất nhỏ cũng có thể trồng một vài khóm chuối. Nhưng chuối được trồng tập trung nhất tại các bãi bồi ven sông ở các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Nam Sách, Kim Thành. Đi dọc bờ đê sông Thái Bình qua xã An Thanh (Tứ Kỳ), chúng tôi thấy màu xanh của cây chuối bao phủ khắp bãi sông. Người dân trồng chuối tây lai trên bờ, dưới ao để nuôi rươi, cáy. Trong làng, gần như nhà nào cũng trồng chuối tây lai. Nhiều vườn chuối trồng tập trung, không xen canh với cây trồng khác. Anh Phạm Văn Thiệp, Phó Chủ tịch UBND xã An Thanh cho biết: “Trước đây, diện tích chuối ở xã không nhiều. Từ năm 2009, diện tích chuối mở rộng mạnh do cây chuối mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong các loại cây trồng. Hiện nay, xã có khoảng 20 ha chuối tây lai. Nhiều khả năng diện tích chuối sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới”.

Anh Phạm Văn Thiệp, Phó Chủ tịch UBND xã An Thanh (Tứ Kỳ) cho biết: “Trước đây, diện tích chuối ở xã không nhiều. Từ năm 2009, diện tích chuối mở rộng mạnh do cây chuối mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong các loại cây trồng. Hiện nay, xã có khoảng 20 ha chuối tây lai. Nhiều khả năng diện tích chuối sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới”.

Ông Phạm Văn Huỳnh ở thôn An Định được nhiều người gọi là “vua” chuối bởi ông là người đầu tiên trồng giống chuối tây lai với quy mô khá lớn, có công nhân rộng diện tích trồng chuối ở xã. Năm 2005, ông Huỳnh lấy giống chuối tây lai về trồng trong vườn. Sau đó, ông tiếp tục nhân giống để trồng thêm 4 mẫu ngoài bãi sông và bán cho người dân địa phương. Lúc giá đắt, có người đã bán được hơn 500 nghìn đồng/buồng chuối tây lai. Mỗi năm, tôi thu lãi khoảng 500 triệu đồng nhờ trồng chuối”.

Theo ông Huỳnh, tiền đầu tư cho trồng chuối không nhiều. Với 4 mẫu chuối, ông Huỳnh chỉ đầu tư khoảng 70 triệu đồng cho tiền thuê nhân công, phân bón, chăm sóc. Kỹ thuật trồng chuối cũng đơn giản. Ông Huỳnh trồng chuối thành từng khóm, mỗi khóm cách nhau 2,5 m. Các khóm hợp lại thành từng luống thẳng hàng, mỗi luống cách nhau 3 m...

Cần quan tâm đầu tư tương xứng


Xã Phượng Hoàng cũng được coi là “vựa” chuối của huyện Thanh Hà. Nhiều nông dân đã giàu lên nhờ trồng chuối. Một trong số đó là ông Nguyễn Thế Hải ở thôn Tứ Cường. Hiện nay, ông Hải có 3 mẫu chuối tây trồng tập trung ở bãi sông. “Mỗi buồng chuối bán với giá bình quân khoảng 170 nghìn đồng/ buồng. Mỗi năm, 1 sào chuối cho lãi khoảng 7 triệu đồng (194 triệu đồng/ha), nhà tôi thu lãi hơn 200 triệu đồng từ tiền bán chuối. Năm 2012, mặc dù nhiều diện tích bị thiệt hại do bão số 8 nhưng tôi vẫn lãi 120 triệu đồng”, ông Hải cho biết:.

Trước năm 2010, người dân xã Phượng Hoàng chỉ trồng chuối ở quy mô nhỏ lẻ. Sau khi thấy trồng chuối cho hiệu quả kinh tế khá, năm 2010, nhiều người dân đã mua đất, chuyển đổi ruộng bãi sông để hình thành vùng trồng chuối tập trung. Hiện nay, toàn xã có khoảng 45 ha chuối ở bãi sông, chủ yếu trồng chuối tây. Những hộ dân trồng nhiều chuối nhất diện tích khoảng 4-5 mẫu. Ông Nguyễn Huy Nuôi, Chủ tịch UBND xã Phượng Hoàng cho biết: “Cây quất, ổi, chuối là 3 cây trồng chủ lực ở địa phương, cho hiệu quả kinh tế khá. Trong 3 loại cây trên thì cây chuối có chi phí đầu tư ít nhất mà lại dễ trồng. Chuối không chỉ cho thu quả mà hoa chuối cũng là một loại rau sạch được thị trường ưa chuộng, lá chuối còn để gói bánh”.

Chuối dễ trồng, ít chi phí đầu tư nhưng lại dễ bị đổ do giông, bão. Trong cơn bão số 8 năm 2012, người trồng chuối đã bị thiệt hại nặng nề. Không những thế, người trồng chuối vùng bãi sông đang hằng ngày phải hứng chịu thiệt hại do “cát tặc” gây ra. Nhìn chung, diện tích chuối trồng tập trung, được chăm sóc cẩn thận ở tỉnh ta còn ít. Các cơ quan chức năng cũng chưa quan tâm nhiều để phát triển diện tích chuối. Rõ ràng, với vai trò là cây trồng có diện tích lớn trong tập đoàn cây ăn quả, các cơ quan chức năng cần phải có khảo sát cụ thể, định hướng rõ ràng, đầu tư hỗ trợ cho người trồng chuối trong tỉnh.

TRỌNG TUÂN