Hàn gắn liên minh Mỹ - Nhật
Bình luận - Ngày đăng : 06:01, 24/02/2013
Cả Nhật và Mỹ cam kết hợp tác nhằm ngăn chặn những mối đe dọa từ sự trỗi dậy của Trung Quốc và vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản Abe (trái) và Tổng thống Mỹ Obama cam kết tái thiết liên minh Mỹ - Nhật nhằm ngăn
chặn những mối đe dọa từ sự trỗi dậy của Trung Quốc và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Sáng 23-2 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới Washington với mục tiêu tái thiết liên minh Mỹ - Nhật nhằm ngăn chặn những mối đe dọa từ sự trỗi dậy của Trung Quốc và vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai lãnh đạo Mỹ - Nhật kể từ khi ông Abe nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản và ông Barack Obama tái đắc cử Tổng thống Mỹ.
"Rắn" với Triều Tiên, kiềm chế Trung Quốc
Trước khi tiến hành hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Obama, ông Abe có bài phát biểu với tựa đề “Nước Nhật đã trở lại”. Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Mỹ đã thống nhất tăng cường liên minh truyền thống và hợp tác toàn diện. Lãnh đạo hai nước nhất trí khẳng định cần cứng rắn với CHDCND Triều Tiên nhưng kiềm chế Trung Quốc. Một trong những biện pháp được hai bên nhất trí là đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng.
Tại phòng bầu dục của Nhà Trắng, ông Obama khẳng định với ông Abe rằng “Washington sẽ là một đối tác mạnh trong suốt thời ông Abe tại nhiệm”. Tổng thống Mỹ gọi liên minh với Tokyo là nền tảng trung tâm của chính sách của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương. AFP dẫn lời ông Obama cho biết đã cùng ông Abe thảo luận “lo ngại về các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng và quyết tâm sẽ có hành động đáp trả mạnh mẽ”.
Trước lo ngại môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản "đang ngày càng căng thẳng" liên quan đến cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa nước này với Trung Quốc trên biển Hoa Đông, Thủ tướng Nhật Bản Abe tuyên bố Tokyo và Washington đã nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm duy trì tự do hàng hải và tạo ra trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế.
Dù cho biết không muốn làm căng thẳng với Trung Quốc nhưng ông Abe vẫn nhấn mạnh “sẽ không tha thứ cho bất cứ thách thức nào trong hiện tại và tương lai” về chủ quyền của Tokyo đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngoài ra cả hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về một loạt vấn đề song phương, khu vực và quốc tế khác như việc Tokyo tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Một vấn đề quan trọng khác của cuộc đối thoại Mỹ - Nhật là kinh tế. CNN dẫn lời một số nhà kinh tế Mỹ cho biết trong thời gian qua, Washington đã ủng hộ các nỗ lực của ông Abe nhằm phục hồi kinh tế Nhật như tăng chi tiêu chính phủ, nới lỏng chính sách tiền tệ, trong đó có việc hạ giá đồng yên. Nhiều khả năng ông Abe sẽ đề nghị ông Obama hỗ trợ bằng cách thông qua việc xuất khẩu khí đốt sang Nhật để giúp Tokyo giảm chi phí năng lượng. Báo chí Nhật Bản cho biết ông Abe cũng muốn ông Obama đồng ý việc Nhật Bản có thể đàm phán về ưu đãi đặc biệt đối với các ngành nhạy cảm của Nhật Bản như gạo nếu Tokyo tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ thúc đẩy. Các doanh nghiệp lớn ở Nhật Bản muốn Tokyo tham gia TPP để tăng tính cạnh tranh toàn cầu. Và một nền kinh tế Nhật khỏe mạnh hơn cũng sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.
Trung Quốc giận dữ
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Mỹ vào thời điểm quan hệ Nhật - Trung tiếp tục căng thẳng do tranh chấp chủ quyền. Một tháng trước, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người luôn nhiệt thành ủng hộ chính sách tăng cường sức mạnh Mỹ tại châu Á đã cảnh báo Bắc Kinh không nên thách thức quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Nhật Bản. Trên báo Washington Post, ông Abe cũng tỏ ra rất cứng rắn khi chỉ trích thái độ của Trung Quốc là khiêu khích. “Ở Trung Quốc, việc giáo dục lòng yêu nước đồng nghĩa với việc dạy căm ghét nước Nhật. Cách ứng xử này chỉ có hại cho nền kinh tế của họ và khiến các nhà đầu tư nước ngoài bỏ đi” - ông Abe nhấn mạnh. Ông Abe cũng cho rằng, chính quyền Trung Quốc thách thức các nước láng giềng là để kích động sự ủng hộ của dư luận trong nước. Theo Thủ tướng Nhật Bản, chính vì vậy quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật và sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn “sự đe dọa và áp đặt” của Trung Quốc.
Ngay lập tức, Trung Quốc đã phản ứng dữ dội về phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Abe. Thời Báo Hoàn Cầu dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố các nhà lãnh đạo Bắc Kinh “bị sốc” vì lời lẽ của ông Abe và đòi Thủ tướng Nhật phải giải thích rõ ràng.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhận định, chính quyền Tổng thống Mỹ Obama sẽ có quan điểm thận trọng về tranh chấp Nhật - Trung. Theo giáo sư Thayer, trước đó các quan chức Mỹ từng xác nhận muốn Nhật Bản áp dụng nguyên tắc “phòng thủ chung”, nghĩa là lính Nhật có thể hỗ trợ hậu cần cho lực lượng Mỹ tham chiến bên ngoài nước Nhật hoặc bắn chặn tên lửa Triều Tiên tấn công Mỹ. Tuy nhiên, giáo sư Thayer cho rằng, ông Obama sẽ kêu gọi ông Abe tránh những bước đi có thể khiến căng thẳng leo thang giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng từng nhấn mạnh Mỹ muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc.
Báo USA Today dẫn lời cố vấn an ninh của Nhà Trắng Danny Russel khẳng định: “Không ai muốn căng thẳng leo thang. Tôi tin rằng cả hai nhà lãnh đạo đều xác định mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc là điều quan trọng đối với khu vực”. Ông Russel cũng cho biết Tổng thống Obama sẽ khuyến khích các bước đi mang tính xây dựng nhằm giúp Nhật Bản và Trung Quốc đối thoại ngoại giao cũng như kiểm soát cuộc tranh chấp theo cách có thể ngăn chặn những “tính toán sai lầm”.
PHƯƠNG LINH (tổng hợp)