Hội xuân năm ấy
Truyện ngắn - Ngày đăng : 08:40, 24/02/2013
Tháng giêng là tháng ăn chơi. Những gánh hát từ làng Sét lên, làng Hồ xuống diễn thâu đêm. Giọng hát ới i, tiếng trống nhịp cầm tom chát, nhịp đổ rom tom tom gõ vào đêm xuân làng Ngãi khiến mọi người háo hức. Nhiều trò chơi ở sân đình diễn ra với những tiếng cười, tiếng reo hò vang lên rôm rả.
Nhưng điểm đặc biệt của hội xuân làng Ngãi năm ấy là cuộc thi làm và thi nói.
Bãi cỏ trước sân đình với bốn cây đa cổ làm mái được chia thành hai phần. Phần dành cho giải thi làm được vẽ sẵn một vòng vôi trắng khá rộng để cho ba đối thủ vào vòng chung kết. Vây quanh vòng tròn ấy xem ra khán giả phần lớn là người đứng tuổi. Trong vòng vôi đã bày sẵn ba khúc tre, ba khúc gỗ, ba cái thúng thủng. Mỗi thứ đều giống nhau về kích thước và tính chất. Ba con dao, ba chiếc rìu làm phương tiện cho cuộc thi cũng giống nhau như đúc. Trong nửa giờ, người nào làm xong được nhiều sản phẩm tốt sẽ là người thắng cuộc. Ông già râu bạc đầu chít khăn mỏ rìu, thắt dây lưng đỏ cầm chiếc dùi trống chậm rãi bước ra. Ba hồi chín tiếng ngân nga rung động mái đình khiến cho khán giả sốt ruột. Hai người kia vội vã bước vào cuộc thi, riêng Ba Dậu, anh chàng bị câm nên người làng quen gọi là anh Câm thay cho tên thật lại đủng đỉnh bước vào sau. Tóc Ba Dậu cắt kiểu "cua", bắp chân tay nổi lên thành cục, cơ ngực, cơ bụng nở thành múi. Chiếc quần nhỡ ngang gối, dải vải đỏ ngang lưng càng làm cho anh đã to lớn, hôm nay càng to lớn hơn. Trong khi hai đối thủ lao vào cuộc chặt chẻ tới tấp thì Ba Dậu đứng chống tay lên hông nghĩ: "Được hay thua là ở chỗ biết sử dụng cây tre tươi kia". Quả nhiên chỉ ít phút hai người kia đã phá cây tre chẻ thành nan. Ba Dậu rút điếu cày sau lưng rít một hơi, ngửa mặt nhả khói, giây lát say mơ màng, mọi người hồi hộp theo dõi. Bỗng anh chồm dậy nhanh như sóc nâng khúc gỗ vào vị trí, giương búa phập, phập... bảy nhát chẻ khúc gỗ thành mười sáu thanh đều như xẻ vậy. Ở ngoài có tiếng khen: "Giỏi". Liên tục anh vung dao chém cây tre hai nhát thành ba khúc tiện bằng như cưa. Chỉ một khắc, anh chẻ khúc tre làm hai, chặn hai đầu, dùng dao lia lia đến chóng mặt. Thế là khúc tre đã thành hai chiếc đòn gánh xinh xắn. Anh đưa lên vai ướm thử, miệng mỉm cười, đôi mắt cùng cười với khán giả. Tiếng vỗ tay nổi lên rào rào. Đoạn giữa anh giơ dao phát chéo hai đầu hai nhát, nháy mắt đã thành chiếc đòn xóc gánh lúa trông rất là khôn. Đoạn còn lại biến nhanh thành chiếc nạng gảy rơm. Đoạn Ba Dậu dừng tay hút thêm điếu thuốc trong khi hai đối thủ kia vẫn loay hoay với đống nan rối bời. Ba Dậu tước nhanh những mảnh tre thừa dặm vào chỗ thủng của chiếc thúng. Bàn tay như múa, anh dặm khéo đến nỗi không ai biết được mối nối chỗ nào. Những mẩu còn lại nhanh chóng thành bó tăm. Như vậy cây tre không dư thừa chút nào mà sản phẩm nhiều và đẹp. Khán giả reo hò: "Thắng rồi, Ba Dậu thắng rồi". Ba Dậu ung dung bước lên bục cao để nhận giải nhất.
Diễn giả sau chót của cuộc thi nói là Lê Văn. Đứng trên bục cao, Lê Văn thao thao bất tuyệt, Đông, Tây kim cổ. Giọng Lê Văn hùng hồn khi diễn thuyết, ngọt ngào khi tâm sự. Đôi tay thật ăn nhịp với lời nói, khi mạnh mẽ vung lên, khi mềm mại hạ xuống, uốn lượn, vuốt ve. Đôi mắt dài một mí cũng như biết nói, khi liếc tình bên này, khi chào mời bên kia... Khán giả nữ lên tiếng ca ngợi. Lê Văn có tài nói tuyệt vời khiến mây bay trên trời phải dừng, cá lội dưới nước phải đứng lại, đang ghét trở nên yêu, đến con kiến trong lỗ phải bò ra. Giới nữ làng Ngãi si mê chàng hết chỗ nói. Các cô tròn đôi mắt chiêm ngưỡng khuôn mặt thư sinh trắng đẹp, há mồm mà nuốt từng lời nói ngọt ngào qua đôi môi hồng mỏng dính của Lê Văn. Đôi mắt đưa tình của diễn giả xoáy vào cô nào thì cô ấy phải bừng lên rạo rực, muốn xông lên bục mà ôm chặt lấy Lê Văn. Chả thế mà cô nào kể cả những cô đã có chồng con cũng ao ước chiếm được anh chàng tài hoa bậc nhất tỉnh Đông này.
Ông già đứng phía sau máy mồm:
- Ừ, thì ra bọn đàn bà con gái các chị chỉ thích nghe những lời đường mật của người nói còn như việc làm giỏi của Ba Dậu thì chẳng cô nào mê ư?
Hóa ra cô áo nâu non, tóc dài óng ả được Lê Văn xoáy đôi mắt tình cùng lời ngọt ngào so ướm trong hội thi nói lúc nãy lại là cô Sen, vợ của Ba Dậu. Sen chìm trong những giấc mộng hoan lạc với Lê Văn rồi nỗi buồn ập đến khi nghĩ về Ba Dậu. Có bao giờ cô được Ba Dậu nói với, dầu chỉ nửa lời ngọt ngào êm ái, một bàn tay vuốt, cả những lúc ái ân anh cũng vụng về làm sao... Cái cằm đầy những râu nhọn, điên cuồng như voi, như hổ. Có lúc Sen hỏi Ba Dậu:
- Anh có yêu tôi không?
- Cờ... cờ... có! Mãi Ba Dậu mới rặn ra được lời, mà khốn khổ đến hàng xóm láng giềng cũng nghe thấy.
- Thế có bao giờ anh ghét tôi không?
- Khờ... khờ... không!
Thế mới chán làm sao.
Sau hội thi lần ấy, Lê Văn được biên chế thẳng vào một cơ quan quan trọng chuyên nghiệp diễn thuyết. Còn cô Sen đã bỏ Ba Dậu và theo Lê Văn về thành phố mang theo giọt máu của Ba Dậu. Sau khi sinh, Lê Văn bắt Sen phải đem đứa bé cho người khác.
Dân làng Ngãi thương Ba Dậu vì vợ theo giai, không quên hoàn cảnh Ba Dậu. Thực ra thuở nhỏ Ba Dậu đâu có câm mà còn được khen là sáng dạ. Đang học thì Ba Dậu bị trận ốm lên bờ xuống ruộng, rụng hết tóc đầu và bị câm từ ngày đó. Hằng ngày, Dậu giao tiếp qua chữ viết trên giấy, trên tường và trên lá cây. Chuyện trò với người không có chữ thì Ba Dậu dùng động tác. Anh có thể mô tả câu chuyện bằng động tác. Những hành vi gật đầu, xua tay, mỉm cười là để trả lời những câu hỏi ngắn. Sau này Ba Dậu cũng cố tập nói nhưng khó khăn lắm mới bật ra thành tiếng.
Còn Sen là cô gái làng Nhân sinh ra trong một gia đình khấm khá. Càng lớn lên cô càng xinh đẹp. Trai ba làng Nhân, Ngãi, Hiếu cứ đeo đuổi miết. Một lần Sen tập bơi tại bến sông cửa Đình chẳng may bị chuột rút, cô bị cuốn hẳn xuống vụng sâu. Ba Dậu nhảy xuống kéo được tóc Sen lên bờ rồi vác ngược Sen lên hà hơi, nhấn ngực. Sen sống lại. Dân làng ai cũng bảo nhờ có Ba Dậu mà Sen mới được sống. Bố mẹ Sen đã gọi Ba Dậu đến cho không. Sau này Sen nói với mọi người: "Tôi lấy Ba Dậu vì cái nhân ngãi hơn là cái tình". Nhiều người bảo: "Thế gian được vợ hỏng chồng. Nhưng đằng này Ba Dậu đâu có đến nỗi nào. Sức lực của anh ta không ai bì kịp. Bụng dạ thật thà như đếm.
Bây giờ thì Ba Dậu sống lủi thủi một mình, người làng hỏi:
- Ba Dậu còn nhớ cô Sen không?
- Co... co... có. - Ba Dậu gật đầu trả lời.
- Cô Sen theo giai rồi Ba Dậu có lấy vợ khác không, chúng tôi làm mối.
Dậu lắc đầu xua tay. Anh lấy công việc và xóm làng làm vui. Hằng ngày, xong việc nhà anh vác cuốc ra đồng. Công việc bắt đầu từ đầu ngõ. Anh kéo mấy cành gai trúc ngả ra đường để người đi khỏi vướng, tiện cuốc kê lại hòn đá bên cống khỏi cập kênh, nhặt mấy mảnh chai cho người đi không giẫm phải. Trên đồng xong việc nhà mình, tiện cuốc anh đắp lại lỗ xẻ khỏi rò nước cho bạn điền, buộc lại con trâu nhà ai đứng nắng vào chỗ mát, vét cỏ vào miệng cho trâu...
Về đến nhà đã có đứa trẻ chạy sang: "Bác Dậu ơi sang giúp bố cháu khiêng cây gỗ". Ba Dậu gật đầu đi ngay.
Rồi nữa, đám ma, đám cưới trong làng ba Dậu đều có mặt giúp gia chủ vài việc, xong về ngay, ít khi ở lại ăn uống.
Còn như cái rổ cái sảo nhà ai tuột cạp gẫy nan vứt sang, tối Ba Dậu tranh thủ làm lại. Thành thử chái nhà anh đầy rổ rá nong nia, mái bếp đầy lạt ngắn lạt dài. Ba Dậu chẳng lấy công của ai bao giờ.
Thời gian cứ trôi đi, dân làng Ngãi gọi Ba Dậu là ông. Gần đây, ông Ba Dậu lại có người con gái nuôi mãi Hà Nội. Thỉnh thoảng vợ chồng nó lại đánh xe về đón ông lên chơi. Tiếng là lên chơi nhưng ông luôn tay: khi cõng cháu, khi chữa lại cái cổng gỗ, sân nhà lau li. Người con gái nhận ông là bố nuôi cũng tình cờ. Một lần tại dốc cầu Phú Lương chiếc xe du lịch tông vào một cô gái đi xe đạp. Xe đạp gãy, chân cô gái gẫy, tiền vàng vung ra. Người trên xe du lịch ngó đầu nhìn qua rồi mở máy chạy trốn. Ông Dậu vội lấy chiếc khăn nâu trên cổ mình bó tạm chân cho cô gái, nhặt tiền vàng bỏ vào túi giúp cô. Khi người nhà vừa đến thì ông Dậu cũng ra về. Mãi mấy tháng sau cô gái lành chân cùng chồng nhờ chiếc khăn nâu mà tìm đến nhà ông rồi nhận ông làm bố.
Ấy vậy mà ông vẫn nhớ nhà.
- Ở nhà có ai mà ông nhớ? - Đứa cháu hỏi.
- Bà con xóm giềng. Chẳng là tối đến mấy đứa nhỏ hàng xóm sang ngủ với ông, ông thắp đèn cho học, ghép màn cho ngủ. Ban ngày, ông làm diều cho mấy đứa... Đứa nào cũng mến ông.
Đáp lại bà con xóm giềng cũng coi ông như bậc cha anh ruột thịt. Nay ông bố nhà này giục con: "Mau sang mời ông Dậu sang uống rượu, nay nhà có việc". Mai bà nọ sai cháu bưng cho ông bát canh cần. Ngày kia lại chị khác đội thúng sang: "Nhà cháu bẻ ngô ngoài bãi, vụ này thắng lắm, đem biếu ông bữa luộc, ngô nếp dẻo lắm ông ạ".
Một chiều tà trên trời có đôi chim con to, con nhỏ. Bọn trẻ nằm ngửa trên lưng trâu quả quyết với nhau: "Đúng là mẹ con chứ không phải vợ chồng chim đâu chúng mày nhỉ?". Ông Dậu không để ý đến câu nói của bọn trẻ vẫn lúi húi vá chiếc gầu tát nước.
- Ông Dậu ơi, có chị nào ngoài ngõ hỏi ông. Ông Dậu ngẩng đầu lên.
- Hơ... hở.
Cô gái từ ngõ lảo đảo chạy vào, hình như sắp khóc, ôm chầm lấy ông Dậu nói trong nước mắt:
- Bố Dậu ơi, con là giọt máu của bố với mẹ Sen ngày nào...
Nghe con kể, ông Dậu sung sướng...
- Vậy mẹ con đâu? - Ông lấy mũi đinh viết chữ trên nền đất.
- Người ta đuổi mẹ con đi từ lâu rồi, bây giờ vất vưởng bến tàu xe, bố có thương không. Mấy lần mẹ con định nhảy xuống vụng, may mà có người can ngăn.
Trăng mười chín đôi mươi tháng giêng đã lên cao, bà Sen đầu vẫn chụp chiếc nón, khoác chiếc bị lủi thủi đi một mạch chẳng biết ai và cũng chẳng ai biết bà trên đường đi. Bà Sen đi thẳng vào trong nhà liền sụp xuống ôm lấy chân ông Dậu: " Ông Dậu ơi, ông tha thứ cho tôi, trông lại đứa con tội nghiệp". Tiếng bà nấc lên làm đôi chân ông Dậu cũng rung lên theo...
Truyện ngắn củaNGUYỄN LONG NHIÊM