Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Tuyên ngôn của thời đại
Tin tức - Ngày đăng : 16:16, 24/02/2013
Chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào, nhưng không làm thay đổi tính chất thời đại: Loài người vẫn đang trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH...
C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã thảo ra Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản
Năm nay những người cộng sản và những lực lượng tiến bộ của nhân loại kỷ niệm 165 năm ngày xuất bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăng-ghen- hai nhà tư tưởng vĩ đại khởi thảo. Đây là văn kiện có tính cương lĩnh của các đảng cộng sản và công nhân, tác phẩm lý luận, ngọn cờ tư tưởng soi đường cho giai cấp công nhân và các lực lượng tiến bộ trong cuộc đấu tranh thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người.
Trong bối cảnh lịch sử cụ thể đương thời, Tuyên ngôn được Mác, Ăng-ghen viết ra theo sự uỷ nhiệm của Liên đoàn Những người cộng sản, lúc đầu để làm cương lĩnh lý luận và thực tiễn cho tổ chức cách mạng này. Ngoài ra, như Mác, Ăng-ghen đã nhận định sau khi Tuyên ngôn ra đời 25 năm, tác phẩm này “ở đôi chỗ, có một vài chi tiết cần phải xem lại”, hoặc có đoạn “mà viết lại, thì về nhiều mặt, cũng phải viết khác đi”... Tuy nhiên, tất cả những điều đó vẫn không làm thay đổi một điều rằng, tuyên ngôn từ khi mới ra đời đến nay, qua suốt chiều dài lịch sử 165 năm tồn tại của nó, vẫn luôn là một trong những văn phẩm mác-xít sâu sắc, vĩ đại và quan trọng nhất, có sức sống và tác dụng ý nghĩa đối với thực tiễn to lớn, mạnh mẽ nhất; rằng không chỉ như chính Mác, Ăng-ghen từng khẳng định lúc sinh thời, mà cả đến ngày nay, “Xét về đại thể, những nguyên lý tổng quát trình bày trong tuyên ngôn này vẫn còn hoàn toàn đúng”.
Thật vậy, trong tuyên ngôn, lần đầu tiên đã trình bày một cách sáng tỏ và thuyết phục, tập trung và cô đọng, hoàn chỉnh và đầy đủ, toàn diện và có hệ thống những nguyên lý cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác: triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học mác-xít và chủ nghĩa xã hội khoa học. Khái quát toàn bộ kết quả quá trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc công phu và hoạt động chính trị thực tiễn sôi động, nhiệt tình của mình trong suốt những năm 40 thế kỷ XIX, Mác và Ăng-ghen đã chỉ rõ trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản hàng loạt vấn đề cơ bản quan trọng. Đó là việc phân tích quy luật kinh tế - xã hội cơ bản của chủ nghĩa tư bản, từ đó rút ra chiều hướng vận động, phát triển và diệt vong tất yếu của chế độ ấy; đồng thời gắn liền với điều này là thắng lợi tất yếu của cuộc cách mạng cộng sản với sự ra đời của xã hội mới cộng sản chủ nghĩa. Đó là việc luận chứng cho vai trò cách mạng mang tính lịch sử thế giới của giai cấp vô sản trong việc lật đổ chế độ tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản; để hoàn thành sứ mạng cao cả tự giải phóng, đồng thời giải phóng toàn nhân loại, giai cấp vô sản phải tự tổ chức được chính đảng cộng sản của mình làm đội tiên phong lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản, phải giành lấy dân chủ, trở thành giai cấp thống trị, tức là nắm chính quyền để cải tạo xã hội cũ xây dựng xã hội mới...
Những tư tưởng khoa học, cách mạng vạch thời đại trong tuyên ngôn có giá trị tổ chức, cổ vũ, động viên lớn lao đối với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Lịch sử thế giới 165 năm qua đã chứng minh hùng hồn tính thời đại của tuyên ngôn .
Chỉ vài thập niên sau khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời, Công xã Pa-ri bùng nổ và đứng vững hơn 70 ngày. 70 năm sau thời điểm Mác, Ăng-ghen khởi thảo tuyên ngôn, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại năm 1917 đã giành thắng lợi tại nước Nga, mở ra thời đại mới, thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Sự lớn mạnh và những cống hiến vĩ đại của hệ thống xã hội chủ nghĩa hiện thực cùng với thắng lợi vĩ đại của phong trào giải phóng dân tộc đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ và mới, những thắng lợi to lớn của phong trào công nhân và các lực lượng tiến bộ ở các nước tư bản chủ nghĩa đã khẳng định mạnh mẽ tính chân lý của tuyên ngôn trong thời đại ngày nay.
Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là tổn thất vô cùng nặng nề. Tuy nhiên, đây không phải là sự “cáo chung của chủ nghĩa xã hội”, nó chỉ càng làm nổi bật hậu quả của một loại mô hình duy trì quá lâu những khiếm khuyết, biến dạng đã dẫn chủ nghĩa xã hội hiện thực lâm vào trì trệ, khủng hoảng và cũng chỉ rõ hai nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tổn thất nặng nề này là: Đường lối chính trị sai lầm của một số đảng cộng sản cầm quyền cũng như tính nguy hiểm của chiến lược diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch. Biến cố này càng chứng minh cho sự đúng đắn của tư tưởng mác-xít về tính phức tạp, khó khăn lâu dài của thời kỳ quá độ từ xã hội tư bản lên xã hội cộng sản nói chung, quá độ bỏ qua xã hội tư bản lên xã hội cộng sản nói riêng.
Thực tiễn của Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác hiện nay vẫn đang vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, cải cách, mở rộng giao lưu hội nhập và hợp tác quốc tế chính là bằng chứng sinh động, vững chắc khẳng định cho tính chân lý của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng của Mác, Ăng-ghen về quá độ từ xã hội tư bản lên xã hội cộng sản trong tuyên ngôn.
Những thắng lợi to lớn và sự lan rộng của phong trào cánh tả ở Mỹ La-tinh, nơi từ hàng trăm năm nay vốn là sân sau của chủ nghĩa tư bản Bắc Mỹ, với những tuyên bố công khai mạnh mẽ về con đường xã hội chủ nghĩa trong hơn 10 năm trở lại đây đã thể hiện rõ rệt xu hướng phản kháng quyết liệt chống chủ nghĩa đế quốc áp đặt cường quyền, chống chủ nghĩa tư bản tự do mới phương Bắc và phương Tây. Còn trên địa bàn trung tâm của chủ nghĩa tư bản hiện đại, do phải đối mặt với những ưu thế của chủ nghĩa xã hội hiện thực, phải đối phó với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên dù bản chất áp bức, bóc lột tàn bạo không thay đổi, nhưng chủ nghĩa tư bản hiện đại buộc phải điều chỉnh. Sự điều chỉnh này đã và đang làm nảy sinh nhiều nhân tố mới trong thể chế dân chủ tư bản, trong xã hội hoá lực lượng sản xuất, nhất là khoa học- công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp... Những nhân tố này đang tiếp tục phát triển mạnh hướng tới khả năng phủ định chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Đảng ta khẳng định, mặc dù chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ khiến chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào, nhưng điều đó không làm thay đổi tính chất thời đại: Loài người vẫn đang trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Toàn cầu hóa là xu thế khách quan lôi cuốn ngày càng nhiều các nước tham gia, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh, tạo ra thời cơ và thách thức cho các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Đảng đã đánh giá toàn diện hơn về chủ nghĩa tư bản, chỉ ra mặt mạnh và mặt yếu, những mâu thuẫn nội tại, khó khăn, khuyết tật của nó. Nhờ áp dụng những thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ vào sản xuất, đổi mới phương pháp quản lý và tổ chức lại nền kinh tế, chủ nghĩa tư bản đã kích thích phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nó vẫn không khắc phục được những mâu thuẫn vốn có và đang tích tụ, làm trầm trọng hơn mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản... Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới hiện nay của nước ta trong việc nhận thức và làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
PGS.TS ĐÀO DUY QUÁT