Đưa Tết trồng cây thực sự trở thành một tục lệ đẹp

Tin tức - Ngày đăng : 20:30, 24/02/2013

Có thể coi Tết trồng cây là một bản "di chúc xanh" của Bác để lại cho con cháu muôn đời.


Tết trồng cây là một ý tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc đầu, Bác viết "Tết trồng cây" (đặt trong dấu ngoặc kép), sau đó nhiều lần đề cập tiếp, viết bài trên báo, nói chuyện ở nhiều nơi và Người còn trực tiếp trồng cây.

Trước tiên, cần phải hiểu nguyên nhân sâu xa của vấn đề này. Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp và mấy năm đầu miền Bắc được giải phóng, Bác đi thăm các địa phương và nhận thấy một thực tế là nhà cửa của đồng bào ta còn lụp xụp, phong cảnh nông thôn xơ xác, tiêu điều. Trong hoàn cảnh đó, không thể trông chờ vào Nhà nước mà phải vận động quần chúng tự giác trồng cây lấy gỗ làm nhà. Ngày 30-5-1959, Bác viết trên báo Nhân dân một bài, có nhan đề  Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà (bài ký tên Trần Lực). Bài báo nêu rõ: "Ngay từ bây giờ, đồng bào nông dân phải bắt tay vào việc chuẩn bị vật liệu làm nhà. Mỗi người (trong mỗi gia đình, tính cả già, trẻ, gái, trai) phải trồng ít nhất là 5 cây (cây xoan và các thứ cây làm kèo, làm cột) và mỗi gia đình phải trồng một bụi tre..." Kết thúc bài viết, Bác bày tỏ hy vọng, trong 4 hoặc 5 năm nữa "sẽ có đủ tre gỗ để làm nhà và nông thôn nước ta sẽ trở nên xinh xắn và vui tươi". Đúng 6 tháng sau, trong không khí chuẩn bị đón xuân mới và chào mừng Đảng ta 30 tuổi, Bác chính thức phát động "Tết trồng cây", coi đây là một việc tốn kém ít mà ích lợi rất nhiều. Tết năm đó, cả miền Bắc đã sôi nổi phong trào trồng cây. Có những công trình thanh niên trồng cây, tiêu biểu là con đường Cổ Ngư ngăn đôi Hồ Tây và hồ Trúc Bạch (Hà Nội) theo gợi ý của Bác và do tuổi trẻ Thủ đô thực hiện, mang tên đường Thanh Niên. Bác đến dự lễ khánh thành và nhân dịp này, Bác lại nhắc nhở trồng cây. Bác nói: "Nếu mỗi cháu thanh niên trồng 3 cây, chăm sóc thật tốt, thì 8 triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây, 5 năm liền các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây". Bác tính ra giá trị lúc đó: "Số tiền cây có thể xây được 8 nhà máy cơ khí loại khá".

Từ đó trở đi, Bác luôn luôn theo dõi, uốn nắn và cổ vũ phong trào trồng cây. Ngay ở Hải Dương, Bác khen và thưởng Huy hiệu cho cụ Yên (xã Hồng Thái, Ninh Giang) trồng được nhiều cây; Bác phê bình xã Nam Chính (Nam Sách) để con đường từ quốc lộ rẽ vào làng không có một bóng cây che mát cho đồng bào. Bác viết bài, nhắc nhở các cấp lãnh đạo phải "có kế hoạch, có hướng dẫn, tìm thêm hạt, ươm thêm giống". Bác kêu gọi đồng bào phải "trồng cây cho cả đồng bào miền Nam nữa" vì bom đạn, chất độc hóa học của giặc Mỹ hằng ngày gây bao tội ác. Trong bài báo cuối cùng viết về Tết trồng cây trước lúc đi xa (1969), Bác tỏ ra hài lòng: "Tết trồng cây đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta".

Có thể coi Tết trồng cây là một bản "di chúc xanh" của Bác để lại cho con cháu muôn đời. Dưới ánh sáng ý tưởng của Bác, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân cần có kế hoạch, biện pháp trồng cây phù hợp với từng địa phương, từng khu dân cư, từng thôn xóm, từng gia đình. Công việc này mở đầu từ đầu năm, như là ngày "Tết", noi theo Bác thì như một "tục lệ" và cả năm chăm sóc, bổ sung, thu hoạch cây này thì trồng tiếp cây khác. Các đoàn thể như Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... đều phải có chỉ tiêu thực hiện, nhằm biến ý tưởng của Bác thành kết quả cụ thể, mang lại "lợi ích rất nhiều". Lợi ích ấy có thể là cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây hoa, cây cảnh, đem lại nguồn thu cho người trồng và tạo ra phong cảnh tươi đẹp, cùng với các ý nghĩa rộng lớn là trồng rừng, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu... Nếu ngày Tết chỉ tổ chức trồng cây có tính tượng trưng, các đồng chí lãnh đạo trồng cây, tưới cây ở một vài địa điểm nào đó, để báo chí đưa tin cổ vũ, thì thật tốn kém và hình thức. Và như vậy thì chưa làm đúng lời di huấn của Bác: "Trồng cây trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta".

HỮU NGUYỄN