Mẹ tôi!

Các em viết - Ngày đăng : 06:23, 10/03/2013



Mùa xuân, mưa bụi giăng mắc trên những cành cây ngọn cỏ và trên vai áo ai... Ngồi ngẩn ngơ nhìn qua cửa sổ bỗng đâu tôi nghe thấy câu hát "à ơi...".

Bố tôi kể rằng, khi ở trong bụng mẹ, tôi đạp rất nhiều nên thường làm mẹ đau. Khoảnh khắc tôi chào đời cũng chính là khi những giọt nước mắt lăn dài trên má mẹ, giọt nước mắt của hạnh phúc. Khi còn nhỏ tôi thường thấy mẹ đi làm về với chiếc áo đẫm mồ hôi rồi lại vào bếp nấu cơm cho tôi. Biết mẹ vất vả nhưng chưa bao giờ tôi hiểu được sự vất vả ấy. Lớn lên, giúp mẹ từ việc nhà, việc đồng áng, tôi mới thực sự hiểu mười lăm năm qua, mẹ đã nuôi tôi vất vả như thế nào.

Mẹ tôi là một người nông dân, trải qua nắng mưa gió sương, bàn tay mẹ đã chai sạn đi nhiều. Bố tôi đi làm xa, một mình mẹ với những đồng rau, đồng cá nên mẹ hay gắt gỏng cũng là điều dễ hiểu. Đọc "Lão Hạc" của Nam Cao, tôi thật sự thông cảm cho người vợ của ông giáo, bởi tôi thấy ở thị cũng có điểm gì đó giống mẹ tôi, không dịu dàng đằm thắm nhưng lại chân chất, mộc mạc của một người phụ nữ thôn quê.

Nếu như ngày bé mẹ dắt tôi đi bộ từ mẫu giáo về nhà, chăm sóc tỉ mỉ lúc tôi bị ốm... thì khi lớn lên mẹ để cho tôi làm tất cả những điều đó. Tôi và mẹ ít tâm sự với nhau nhưng tôi hiểu được mẹ nghĩ gì. Mẹ muốn tôi quen dần với tính tự lập, tự nhìn nhận và đánh giá cuộc sống xung quanh, chứ không gieo vào đầu tôi những suy nghĩ riêng nào của mẹ. Mẹ tôi không giống trong truyện, không cùng tôi dạo phố, không chọn quà sinh nhật cho tôi hay giúp tôi chọn quà sinh nhật cho bạn. Nhưng mẹ dành cho tôi những điều giản dị nhất, đó là những món ăn tôi thích. Mẹ tôi không nói lời hoa mỹ, mà thường khô khan nhưng tôi biết trong lòng mẹ luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho tôi. Mẹ không ép tôi phải thế này, thế kia nhưng mẹ vẫn luôn theo dõi kết quả học tập của tôi và gương mặt mẹ thoáng nét buồn khi kết quả ấy không tốt. Tôi biết ơn mẹ rất nhiều. Bởi mẹ không bao bọc tôi quá kỹ, để tôi tự bước đi trên đôi chân của mình, tự đứng lên khi vấp ngã. Mẹ không chiều chuộng tôi mà để tôi làm những việc phù hợp với sức của mình, từ đó hiểu được nỗi vất vả của người nông dân. Mẹ không cho tôi nhiều tiền để tôi hiểu được giá trị của nó. Mẹ không tạo áp lực cho tôi, không dung túng trước lỗi lầm của tôi mà để tôi biết sai mà sửa, trưởng thành hơn trong cuộc sống.

Tôi ngưỡng mộ mẹ chính ở lòng vị tha và đức hy sinh. Mẹ cực nhọc là vậy nhưng tất cả thành quả mẹ lại dành hết cho tôi, tạo cho tôi một môi trường sống tốt nhất. Tay trái mẹ do làm việc nặng quá nên bị dãn dây chằng, thường ê buốt mỗi khi lao động nặng nhưng mẹ chỉ khẽ nhíu mày. Vất vả đến mấy mẹ vẫn âm thầm chịu đựng để tôi được yên tâm học hành. Có lần tôi không ngoan, mẹ đã đánh tôi và mẹ khóc. Mẹ khóc làm tôi thấy đau hơn bất cứ đòn roi nào rất nhiều lần. Quả thật không thứ gì có sức mạnh cảm hóa bằng giọt nước mắt của người mẹ.

Có thể mẹ không cho tôi được nhiều thứ vật chất, tinh thần như những bà mẹ khác nhưng nếu được tôi vẫn chọn mẹ là mẹ của tôi. Tôi ngưỡng mộ mẹ, không cuồng nhiệt như hâm mộ một ngôi sao nhưng cháy âm ỉ, sưởi ấm và tỏa sáng tâm hồn. Mẹ thật sự là điển hình của người phụ nữ nông thôn Việt Nam chịu thương, chịu khó, chân thật, chất phác, hết lòng vì gia đình và biết hy sinh. Tuổi trẻ với những phút bồng bột, thơ dại, nghịch ngợm, bướng bỉnh hẳn đã làm mẹ buồn phiền rất nhiều nhưng con hứa sẽ chín chắn và trưởng thành hơn. Tận sâu đáy lòng con yêu mẹ rất nhiều nhưng nói ra thật khó.

Con sẽ mang lại hạnh phúc cho mọi người như mẹ đã mang lại hạnh phúc cho con. "Hạnh phúc là cho đi" - đây chính là điều lớn nhất con học được từ mẹ.

BÙI THỊ HỒNG HẠNH(Lớp 10B, Trường THPT Ninh Giang)