Ngày 14-3 không thể nào quên

Tin tức - Ngày đăng : 08:21, 14/03/2013

Đúng ngày này 25 năm trước, ngày 14-3-1988, 64 người con đất Việt đã ngã xuống biển Đông trước họng súng quân xâm lược Trung Quốc.

Sự hy sinh anh dũng của những người lính Việt Nam đã biến địa danh Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) trở thành bất tử.





25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 4: Cuộc trở về của Nguyễn Văn Lanh

Trong cuộc chiến giữ đảo Gạc Ma, chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Lanh đã anh dũng chiến đấu giữ ngọn cờ Việt Nam cắm trên đảo, kiên quyết giằng co không cho lính Trung Quốc cắm cờ. Địch hạ cờ xuống, Lanh lại dựng lên, cho đến khi anh bị quân Trung Quốc dùng lưỡi lê đâm và bắn vào người…

Từ buổi sáng 14-3-1988 bi hùng ở Gạc Ma, những người lính trên con tàu HQ 604 không còn uống chung chén nước, ăn chung chén cơm, ngủ chung giường nữa. Mỗi người lưu lạc một phương trời.

Những ngày đầu tháng 3.2013, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh tranh thủ về thăm nhà tại làng quê yên bình Đại Phúc, xã Vạn Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình.

Ngày trở về của hùng binh Trường Sa 1
Bữa cơm giản dị của gia đình Anh hùng Nguyễn Văn Lanh tại quê nhà

Hiện mẹ anh, bà Nguyễn Thị Kỷ (77 tuổi) sống một mình trong ngôi nhà nhỏ, là nơi anh sinh ra và lớn lên. Những ngày anh Lanh về quê, nhà bà Kỷ lúc nào cũng đông vui như lễ tết. Mọi người tập trung lại ăn cơm, uống chén rượu gạo và chuyện trò.

Người vui nhất không ai khác là bà Kỷ, cái miệng móm mém của bà không lúc nào thôi cười. Bà nhớ như in chuyện cách đây 25 năm và kể với tôi rành mạch.

Ngày đó, khi mới xảy ra sự kiện quân Trung Quốc tấn công chiếm đảo Gạc Ma, bà chỉ biết loáng thoáng tình hình qua Đài tiếng nói VN, càng về sau càng rõ hơn. “Nhưng họ cũng chỉ nói là một người tên Lanh, Lanh thì cả nước có biết bao nhiêu Lanh chứ. Lúc đó tui cũng lo lắm nhưng nghĩ thôi vì lòng căm thù giặc, vì nghĩa vụ với Tổ quốc, con mình có nằm xuống vì đất nước cũng đành” - bà Kỷ nhớ lại.

Mãi hơn 1 tháng sau, khi nhận được thông tin chính xác từ đơn vị, bố anh Lanh (đã mất) và người anh trai Nguyễn Thanh Long khăn gói vào miền Nam thăm anh tại đơn vị. Bà Kỷ cũng muốn đi nhưng vì hoàn cảnh, điều kiện nên phải ở nhà. Gặp lại nhau ở bệnh viện, mấy cha con mừng rơi nước mắt, cứ ôm nhau khóc.

Anh Nguyễn Văn Lanh tâm sự về chuyện muốn đi thăm bạn bè - những đồng đội cũ - trên con tàu lịch sử HQ 604 tại Quảng Bình. Anh bảo: “Bao nhiêu năm, mấy lần đi công tác, về quê nhà, đã hẹn với nhau rồi nhưng cuối cùng chẳng đi được vì trời trở rét, vết thương lại nhức buốt nên phải quay vô TP.HCM cho ấm hơn và để trị bệnh”.

Nghe thế, tôi nói ngay: “Anh muốn đi đâu em cũng đưa đi, máu xương các anh đã đổ xuống vì Tổ quốc mà”. Anh nhìn tôi không nói lời nào nhưng ánh mắt sáng lên.

Ngày trở về của hùng binh Trường Sa 2
Bà Kỷ (mẹ anh Lanh) nâng niu tấm danh hiệu của con trai

Ngày giỗ sống

Chúng tôi lên đường và từ đây, một cuộc trở về lịch sử không hẹn mà gặp bắt đầu. Từ xã Vạn Ninh, chúng tôi theo đường Hồ Chí Minh về quốc lộ 1A, men theo đường biển Quang Phú rồi ra xã Nhân Trạch để đón anh Nguyễn Văn Thống, người bị Trung Quốc bắt 3 năm và gia đình đã nhận giấy báo tử. Tiếp tục theo QL 1A ra thị trấn Ba Đồn, đến vùng nam huyện Quảng Trạch đến nhà anh Trương Đức Nhuân ở thôn Thọ Hạ, xã Quảng Sơn.

Trên suốt quãng đường từ Vạn Ninh đến xã Quảng Sơn, điều tôi băn khoăn đó là 25 năm trôi qua, liệu các anh có còn nhận ra nhau. Anh Lanh khẳng định: “Nhớ chứ, mặc dù tụi anh không gặp nhau nhưng sao mà quên được từng nét mặt, hành động, cử chỉ và không gặp nhưng cũng thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại. Nghe tin bạn gặp tai nạn, anh cũng gửi tiền ra cho bạn, sống với nhau phải bằng tình cảm chân thật em à”.

Các anh gặp lại nhau ở nhà anh Nhuân trong niềm vui vỡ òa, 25 năm rồi chứ ít ỏi gì nữa.

Điều đầu tiên là các anh xắn quần, vạch áo sờ lên từng vết sẹo của nhau.

Ngày ấy, ở tuổi đôi mươi, lứa tuổi vô tư hồn nhiên nhất, thì các anh đã gắn bó với nhau trong những buổi tập luyện trên thao trường, những lúc sinh hoạt trong doanh trại. Thời ấy, điều kiện kinh tế khó khăn, các anh nhường nhau từng miếng cơm, manh áo, có cái gì ngon cũng chia sẻ với nhau. Anh Lanh kể, mình làm nhiệm vụ đơm cơm cho cấp trên, thế là mình cố tình đơm cho thật nhiều, thành ra chỉ huy ăn không hết, phần thừa đó mình kêu mấy đứa lên lấy ăn. Ở nhà bếp còn cơm cháy, anh cũng kêu. Những trò "tăng gia sản xuất” có một không hai cũng được các anh ôn lại rồi cười vui vẻ.

Ở cái tuổi tóc đã muối tiêu, các anh vẫn gọi với nhau bằng “tau” và “mi”. “Gọi thế cho sướng miệng, bọn anh là bạn bè mà, gặp nhau chưa đầy 3 năm để rồi phải xa nhau từ đó cho đến bây giờ” - các anh bộc bạch.

Ngày trở về của hùng binh Trường Sa 3
Anh Lanh, anh Thống đến thăm nhà anh Nhuân (áo xanh), họ là những đồng đội trên tàu HQ 604

Với anh Lanh, từ lúc còn ở đơn vị, mọi người gọi anh là “lép” bởi dáng người gầy ốm, mỏng manh. Đến bây giờ Lanh vẫn thế. Vừa chạm nhau, anh Nhuân đưa tay còn lại vỗ vai anh Lanh cái đốp rồi nói: “Hắn đúng là lép rồi, lép chừ vẫn là lép. Mẹ mi ơi, lấy cơm với thịt cho thằng lép hắn ăn”.

Lép nhưng lì. Nhớ lại ngày 14.3.1988, các anh Thống, Nhuân đều bảo: “Hắn lì lắm, có sợ chi lính Trung Quốc. Hắn giằng nhau với lính Trung Quốc để giữ cờ, khi bọn kia giơ súng, hắn nổi điên nhảy lên đạp một phát”.

Và máu anh đã đổ xuống. Trong cơn sinh tử giữa biển khơi, đồng đội anh đã kịp cứu, mang sự sống đến với anh. Trong căn nhà nhỏ ở Quảng Sơn hôm ấy, anh Lanh nói: “Hôm nay là kỷ niệm ngày giỗ sống của chúng ta”.

Điều đặc biệt, một trong hai người đưa anh Lanh đang chìm lên tấm ván nổi trên mặt nước là chiến sĩ Nguyễn Văn Lục (ở xã Quảng Thủy, H.Quảng Trạch) hiện đang ngồi đối diện với anh Lanh.

Anh Lục kể: “Lúc đó, chúng tôi đưa Lanh và anh Tứ bỏ lên tấm ván, sau đó bỏ lên xuồng nhôm, cùng với anh em đồng đội còn sống chèo về đảo Sinh Tồn, đang chèo thì gặp một tàu dân sự làm nhiệm vụ cung cấp lương thực cho các đảo và được đưa lên tàu. Nhưng sau đó tàu Trung Quốc kè không cho đi nên mãi từ trưa cho đến 10 giờ tối cùng ngày mới đến được đảo Sinh Tồn. Tứ bị cụt 1 chân, máu ra nhiều quá nên mất; còn Lanh may mắn qua khỏi”.

Ngày trở về của hùng binh Trường Sa 4
Anh Nguyễn Văn Lanh và anh Nguyễn Văn Lục (bên trái) - là một trong hai người
đưa anh Lanh lúc bị thương lên ván nổi trên biển

Ngày trở về của hùng binh Trường Sa 5
Những chiến sĩ hải quân năm xưa (4 người ở giữa) chụp ảnh kỷ niệm cùng PV Thanh Niên (thứ 2 từ trái qua)

Trà rượu một hồi, anh Lanh nổi hứng tinh nghịch như thời đang cùng nhau huấn luyện ở Đà Nẵng. Anh Lục cũng không chịu thua khi bảo: “Biết thế bữa đó tau không đưa hắn lên”. Rồi tất cả cùng cười vui.

Kể về anh Lanh, anh Nguyễn Đình Phùng (ở xã Quảng Tân, H.Quảng Trạch; lúc đó làm khí tài) vẫn không quên hình ảnh lúc tàu HQ 604 chuẩn bị rời bến ra đảo, anh Lanh còn tìm gặp để hỏi xin một lưỡi lê.

Chiều muộn, dù không muốn vẫn phải rời, Anh hùng Nguyễn Văn Lanh tạm biệt đồng đội trở lại quê nhà. Đã có những đôi mắt ứa nước khuất dưới mái tóc điểm bạc. Các anh mạnh mẽ sống chết cùng nhau vì Tổ quốc nhưng phút chia tay ai chẳng ngậm ngùi.

Trương Quang Nam (Thanh niên)

Bài báo 25 năm trước

Tháng 3-1988, Báo Thanh Niên (khi ấy còn là tuần tin) đã có nhiều thông tin, bài viết vạch rõ mưu đồ bá quyền của Trung Quốc. Nhân kỷ niệm cuộc hải chiến Trường Sa, Thanh Niên xin đăng lại những bài báo vạch rõ dã tâm của kẻ xâm lược cách đây 25 năm.

Điểm dư luận phương tây: Trung Quốc là kẻ tội phạm trong vấn đề Trường Sa

Xét về nguồn gốc lịch sử và căn cứ vào Công pháp quốc tế, Việt Nam có đầy đủ các yếu tố căn bản để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Dư luận rộng rãi trên thế giới hiểu rõ điều đó và đã lên tiếng xác nhận hai quần đảo này là của Việt Nam.


Khẩu đội DKZ đảo Sinh Tồn Đông quần đảo Trường Sa ra vị trí sẵn sàng chiến đấu - Ảnh: Quốc Vi

Từ Pháp - nước mà trước kia từng chiếm và đô hộ Việt Nam suốt một thế kỷ - tờ báo khuynh hữu Thế giới (3-3-88) đã viết: "Kể từ thế kỷ 17, Việt Nam đã có chân về kinh tế cũng như chính trị trên các đảo này, và bằng chứng đưa ra là chính quyền thuộc địa Pháp đã sáp nhập vào Đông Dương cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

Thật không có gì khôi hài, ngang ngược và xảo trá cho bằng những lý lẽ do Bắc Kinh đưa ra về vấn đề Trường Sa. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã hai lần lớn tiếng nói rằng Trung Quốc chỉ tiến hành "các hoạt động khảo sát bình thường trên vùng biển thuộc lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc" (?). Có hai điều cần chú ý. "Khảo sát bình thường" với hàng lô lốc tàu chiến và binh lính đổ bộ ư? "Lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc" ở đây lại là vùng quần đảo Trường Sa sao? Với giọng điệu của kẻ vừa ăn cướp, vừa la làng, họ cho tàu chiến bắn cháy 3 tàu vận tải của Việt Nam rồi lại lu loa rằng Việt Nam đã tiến công họ. Ngày 16.3, hãng tin Pháp AFP đã phát bài bình luận khẳng định Việt Nam là người vô tội, còn Trung Quốc là kẻ tội phạm.

Hãng tin này viết: "Hành động của Trung Quốc rất vụng về, vì đã lợi dụng lễ tang (của ông Phạm Hùng) để thọc dao găm vào lưng người Việt Nam". Báo Thụy Điển Xvenxca Đac-blađet (17.3) cũng viết rằng: "Đa số các nhà bình luận đều nhất trí nhận định rằng chính Trung Quốc đã khiêu khích để gây ra các vụ xung đột trong những ngày vừa qua ở quần đảo Trường Sa". Và còn nhấn mạnh thêm: "Trung Quốc đã cố ý khích động sự phản ứng quyết liệt của Việt Nam".

Về sâu xa và toàn cục, vấn đề Trường Sa và Hoàng Sa nằm trong chiến lược bành trướng bá quyền của giới lãnh đạo Trung Quốc mang nặng tư tưởng Đại Hán phản động. Dư luận thế giới vẫn nhớ rằng Bắc Kinh đã từng đưa vào giảng dạy tại các trường phổ thông những tấm bản đồ mà lãnh thổ Trung Quốc được khoanh gồm cả Việt Nam, Lào, Campuchia, Mông Cổ, Triều Tiên, Malaysia và Indonesia. Trong mấy ngày gần đây, tờ Thời báo Ấn Độ đã liên tiếp đăng tin, bài vạch trần tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông và tố cáo ý đồ mở rộng vùng lãnh hải của họ ra tới 90% diện tích của vùng biển này. Ngay cả tờ báo Mỹ Người hướng dẫn khoa học Thiên Chúa giáo (17-3) cũng nhận xét: "Cuộc xung đột gần đây giữa Trung Quốc và Việt Nam ở biển Hoa Nam đối với quần đảo Trường Sa làm rõ những tham vọng hải quân ngày càng lớn của Bắc Kinh trong vùng biển chiến lược quan trọng này".

Ý đồ lâu dài của Bắc Kinh đối với biển Đông càng lộ rõ hơn khi từ tháng 7-1987, đảo Hải Nam - vùng đất Trung Quốc nằm gần hai quần đảo của Việt Nam nhất - đã được nâng lên thành một tỉnh của Trung Quốc với diện tích bao gồm cả hai quần đảo này (!). Ngày 18.3.1988, phóng viên của đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) vừa đi thăm Hải Nam về viết bài cho biết hoạt động hải và không quân trên đảo này đang trở nên nhộn nhịp hơn. Đây là một căn cứ tàu ngầm của hạm đội Nam Hải. Các nhà phân tích cho rằng các tàu chiến Trung Quốc đang gây hấn ở Trường Sa đã xuất phát từ Hải Nam.

Theo nhiều nhà bình luận phương Tây, một trong những mục đích trước mắt của Bắc Kinh khi gây căng thẳng ở Trường Sa là tăng thêm sức ép với Việt Nam nhằm áp đặt một giải pháp có lợi cho họ trong việc giải quyết vấn đề Campuchia. Mặt khác, Trung Quốc có thể còn muốn tạo một hoàn cảnh bất lợi cho Việt Nam sau khi Việt Nam ban hành luật đầu tư nước ngoài. Quả thật, nếu có ấn tượng là tình hình bất an và đường biển bị kiểm soát, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất dễ ngán dội và e dè. Sự lo ngại này hoàn toàn có cơ sở vì trước nay Trung Quốc vẫn thường xuyên tìm mọi thủ đoạn để phá hoại nền kinh tế Việt Nam từ trong nước đến trên thị trường quốc tế. Nói tóm lại Bắc Kinh muốn dùng một mũi tên bắn chết nhiều con chim!

Đài BBC (London 21-3-1988) bình luận rằng: "Việc hải quân Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, cũng như quyết tâm của họ muốn duy trì sự có mặt thường xuyên về quân sự tại quần đảo Trường Sa này không những chỉ làm cho Việt Nam, mà còn làm nhiều quốc gia khác thuộc hiệp hội ASEAN như Indonesia, Malaysia và Philippines phải lo ngại... Nhưng, dù cho Trung Quốc quả có đạt được lợi điểm quân sự nào đi nữa trong việc có quân đội hiện diện thường xuyên tại vùng Trường Sa, thì việc này xem ra cũng sẽ không đủ để bù lại những thiệt hại to lớn về mặt ngoại giao trong các mối quan hệ của Trung Quốc đối với các nước trong vùng".


Bài báo đăng trên trang 4 Tuần tin Thanh Niên ngày 28-3-1988 - Ảnh: Độc Lập (chụp lại)

Với thiện chí và lòng yêu chuộng hòa bình, phía Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc tham gia đàm phán để giải quyết các bất đồng giữa hai nước có liên quan đến Trường Sa, cũng như các vấn đề tranh chấp về biên giới và Hoàng Sa. Chủ trương này của Việt Nam đã nhận được sự đồng tình của dư luận rộng rãi trên thế giới - ngoại trừ Trung Quốc! Trong bài tuyên bố ngày 1-3 tại Cairô (Ai Cập), Tổ chức đoàn kết nhân dân Á-Phi (OSPAA) khẳng định: "Cũng như mọi dân tộc khác, việc bảo vệ tổ quốc và sự toàn vẹn lãnh thổ là quyền thiêng liêng của nhân dân Việt Nam và do đó chúng tôi đòi các tàu chiến, các LLVT của Trung Quốc phải rút ngay khỏi các đảo trên".

Phạm Hồng Phước
(Tuần tin Thanh Niên 28-3 - 4-4-1988)

Những bài báo đăng trên Nhân Dân
tháng 3-1988


Bài đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 18-3-1988 - Ảnh: Trường Sơn (chụp lại)


Bài đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 15-3-1988 - Ảnh: Trường Sơn (chụp lại)


Bài đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 16-3-1988 - Ảnh: Trường Sơn (chụp lại)